Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TTBĐS: Sàn nóng, đô thị hoang

Nhiều dự án nhà đất ở các khu đô thị mới quảng cáo ì xèo trên báo. Người mua tranh nhau bốc thăm mua đất nền. Thế nhưng chủ yếu là mua đi bán lại kiếm lời chứ ít ai xây nhà, thậm chí có cố xây rồi cũng bỏ hoang đó. Vì sao vậy?

Hàng loạt đô thị và khu dân cư mới đang mọc lên tại Bình Dương và Đồng Nai. Nhưng không ít nơi bị bỏ hoang, trở thành nỗi lo của chủ đầu tư do sức mua tại địa phương chưa theo kịp và hạ tầng kết nối với TP.HCM chưa hoàn chỉnh.

Nhưng có một điều an ủi cho chủ đầu tư các dự án này là giao dịch mua đi bán lại vẫn sôi động. Diễn biến này khác hẳn với thị trường bất động sản ở TP.HCM vốn đang chịu cảnh trầm lắng.

Những khu đô thị vắng người

Lưng đẫm mồ hôi với công việc trộn hồ dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa, chị T. (đường NK9, Khu đô thị - công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương) vẫn niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. “Thỉnh thoảng cũng có vài ba người đi xem đất, nhưng nhiều hôm chẳng thấy một bóng người lạ. Còn người quen càng không có vì chưa ai đến ở cả…” - chị T. nói.

Xung quanh ngôi nhà đang cất dở dang của chị T. hầu hết là các khu đất đang bị bỏ trống, cỏ xanh mượt mọc cao đến ngang lưng. Đối diện nhà chị là một dãy phố hơn 30 căn hai tầng, cửa đóng im ỉm với nhiều mảng tường rêu bám điểm những vết nứt, cùng các ô kính đã bị ai đó đập vỡ.

Vốn là nông dân ở xã Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương), chị T. cho biết chưa bao giờ nghĩ đến sống ở khu đô thị. Nhưng từ khi đất bị giải tỏa, gia đình chị cũng phải mua một nền đất tại khu đô thị từ số vốn được đền bù.

Chị T. hi vọng khu dân cư rồi sẽ đông đúc hơn nhưng “chắc phải vài năm nữa”. Trên một con đường tráng nhựa khác ở khu đô thị cũng khá vắng vẻ, chị Út B. buồn rầu cho biết tiệm tạp hóa của gia đình thỉnh thoảng đón vài vị khách lạ đến uống ly nước, mua một gói thuốc.

Phần lớn thời gian trong ngày chị tập trung chăm con trong khi chồng làm việc ở một nhà máy tại khu công nghiệp để kiếm tiền. “Gia đình tui sinh sống ở đây nhiều năm, nhưng các dãy phố cất lên ở tất cả các con đường trong khu này ít khi thấy bóng người. Nhiều nhà mới xây trông đẹp lắm nhưng đang xuống cấp vì không có người ở...” - chị Út B. nói. Thay vào đó, con đường đẹp nhất ở khu vực này lại là nơi có nhiều văn phòng của các công ty môi giới mua bán đất.

Dọc hai bên tất cả trục đường chính tại Khu công nghiệp - đô thị Mỹ Phước, nhiều dãy phố cao tầng cả mới lẫn cũ chen nhau nhưng phần lớn đều cửa đóng then cài, bỏ mặc cho dây leo và nhện giăng. Bao quanh những dãy nhà phố bỏ hoang này, các khoảnh cỏ tươi tốt được nhiều người dân trong vùng tận dụng để đưa trâu, bò và cả dê vào chăn thả. Đây cũng là hình ảnh thường thấy ở hầu hết các khu dân cư, khu đô thị mới mọc lên ở Đồng Nai và Bình Dương.

Vẫn sôi động mua đi bán lại

Trái với tình cảnh vắng vẻ ở các khu dân cư cũng như khu đô thị mới, hoạt động mua bán đất nền ở các dự án này vẫn diễn ra khá sôi động kể từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 11, hàng trăm khách hàng đã chen chúc tại chi nhánh TP.HCM của một công ty bất động sản Bình Dương. Một trong những lý do là nhiều khách hàng đã không được bốc thăm mua đất nền.

Anh Nguyễn Văn H. (quận 7, TP.HCM) bức xúc cho biết anh cùng một số người thân trong gia đình đã đóng tiền “đặt chỗ” lên tới 30 triệu đồng/nền để tham gia bốc thăm mua đất nền dự án The Green River (một tên gọi của dự án khu dân cư ấp 5B Thới Hòa, thuộc Khu công nghiệp - dân cư Thới Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương).

Tuy nhiên, do không được nhân viên môi giới gửi thư mời, anh đã không được vào hội trường để rút thăm mua đất nền như cam kết. Tương tự, nhiều người đã đặt chỗ với số tiền khá lớn nhưng vẫn phải ngồi ngoài với lý do... đến trễ. Điều khá ngạc nhiên là nhiều người thậm chí chưa biết “mặt mũi” của khu dân cư này, chưa nói đến hồ sơ pháp lý của dự án.

Trước đó, các đợt bán sản phẩm của các dự án khu đô thị Hoàng Gia, Hưng Phước, Rạch Bắp (Bình Dương)... do các công ty kinh doanh bất động sản tại TP.HCM tung ra cũng thu hút hàng trăm khách hàng chen lấn nhau đăng ký mua. Trong số khách hàng này, không ít người đến từ các địa phương xa xôi ở các tỉnh Tây nguyên, ĐBSCL và cả khu vực phía Bắc.

“Hầu hết khách hàng mua đất nền tại các tỉnh đều là người TP.HCM, họ mua đi bán lại kiếm lời chứ chẳng ai có ý định cất nhà để ở cả…” - bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói. Theo bà Loan, từ các khu đô thị tại Bình Dương đến khu các dân cư Lộc Thọ - Phước An (Đồng Nai), nhiều dãy phố được chủ đầu tư xây dựng và bán cho khách hàng rồi... để đó, chịu xuống cấp.

(Báo Tuổi Trẻ)

  • Giao dịch bất động sản qua sàn: Đường đến lành mạnh còn xa
  • Chấm điểm để xét mua, thuê nhà thu nhập thấp
  • Bất động sản: Kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay
  • Thị trường nhà đất Hà Nội hạ nhiệt
  • 600 tỷ đồng xây dựng cao ốc, biệt thự
  • Gần 300.000 giấy tờ nhà đất đã được cấp theo mẫu cũ
  • Đất Xanh lên sàn - Cổ phiếu hấp dẫn của “Nhà phát triển dự án”
  • “Thị trường bất động sản còn diễn biến phức tạp”
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!