Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu: Người thích, kẻ chê

 Nhiều nhà đầu tư nói họ không vui khi các công ty chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu. Thế nhưng, hầu hết các công ty vẫn kiên trì kế hoạch này trong khi một số cổ đông khác lại hưởng ứng.

Trên sàn chứng khoán, phần lớn nhà đầu tư lướt sóng đều nói đến nạn loãng giá khi có thông tin về chia cổ tức hay thưởng bằng cổ phiếu. Họ có cơ sở để nhận định như thế.

Loãng giá

Chẳng hạn, cổ phiếu A có giá 100.000 đồng/cổ phiếu và chia thưởng với tỉ lệ 1:1. Nhà đầu tư giữ 10 cổ phiếu A sẽ nhận thêm 10 cổ phiếu mới, nhưng giá cổ phiếu A cũng được điều chỉnh tương ứng xuống còn 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu mà nhà đầu tư sở hữu tăng gấp đôi nhưng quy ra giá trị không thay đổi.

Đó là một trong những lý do giới đầu tư lướt sóng không ưa các kế hoạch chia cổ phiếu thưởng. Lý do khác là vì sau thưởng, thị trường có nhiều cổ phiếu hơn, nguồn cung tăng thì giá sẽ khó tăng. Hơn nữa, từ thời điểm công bố chia thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu đến ngày chốt danh sách hoặc trả cổ phiếu là khá dài, nhiều khi nhận được cổ phiếu thì giá đã giảm mạnh do thị trường xấu.

Trong khi đó, việc chạy đua theo cổ phiếu có thông tin chia thưởng sẽ đẩy giá cổ phiếu này tăng cao. Cổ phiếu REE của Công ty CP Cơ điện lạnh là một ví dụ. Ngày 17-3, khi có tin chia thưởng 1:1 và trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu, cổ phiếu REE tăng liền ba phiên, từ 48.000 đồng lên 54.500 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, cổ phiếu REE giảm 1.500 đồng trong ngày 22-3. Như vậy, thông tin cổ phiếu thưởng là cơ hội nhưng cũng là rủi ro cho nhà đầu tư lướt sóng. Vì vậy, trên thị trường cũng hình thành xu hướng là giới lướt sóng bán khi có tin chia cổ phiếu thưởng và mua sau khi đã thưởng. Họ cho rằng sau thưởng giá cổ phiếu sẽ rẻ hơn, khả năng tăng giá sẽ cao hơn.

Vẫn có nhiều người thích thưởng

Ngược lại với giới đầu tư lướt sóng, cũng có cổ đông thích được thưởng hoặc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, đó là nhà đầu tư dài hạn. Với những người này, giá cổ phiếu cao chỉ là mục tiêu thứ hai, mục tiêu hàng đầu là được sở hữu thêm nhiều cổ phiếu và nhận cổ tức.

Như Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM năm 2009 đã chia thưởng theo tỉ lệ 2:1, nhờ vậy số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu đã tăng 50%. Năm 2009, công ty này chia cổ tức theo tỉ lệ 20%, năm 2010 tỉ lệ này giảm còn 18% nhưng cổ đông vẫn có lợi vì lúc này số cổ phiếu mà họ nắm giữ đã tăng 50%.

Những nhà đầu tư mua cổ phiếu với mục đích lâu dài như lo cho con đi học, làm tài sản, chuẩn bị khi nghỉ hưu... vẫn thích nhận cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu. Lý luận của họ là không bỏ thêm vốn nhưng vẫn sở hữu nhiều cổ phiếu.

Chia bằng tiền, xài cũng hết, chia bằng cổ phiếu không bán, sau vài năm tài sản lớn dần, đủ lo cho con ăn học... Đã xác định mục tiêu đầu tư lâu dài nên với những trường hợp này, giá cổ phiếu tăng cao chỉ có giá trị tham khảo.

Lợi cho cổ đông, tốt cho công ty

Nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận xét trên mục tiêu phát triển, những cổ đông gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mới thật sự là đối tượng mà doanh nghiệp quan tâm, dù việc chia tách cổ phiếu còn mục đích tạo thanh khoản cho cổ phiếu.

Tuy nhiên, không thể loại trừ những doanh nghiệp lạm dụng chuyện chia cổ phiếu để kích giá, sử dụng hết thặng dư thay vì tăng vốn một cách hợp lý, phù hợp với khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Trong trường hợp này, không chỉ cổ đông mà chính doanh nghiệp cũng bị thiệt hại, cổ đông sẽ rời bỏ doanh nghiệp một khi doanh nghiệp không đảm bảo lợi nhuận, cổ tức sau khi chia tách cổ phiếu không còn duy trì ở mức hợp lý.

Giải thích về lý do kiên trì với chủ trương không chia cổ tức bằng tiền mặt mà chia bằng cổ phiếu, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết nhờ vậy mới có thể tăng quy mô của ngân hàng. Khi tăng được vốn điều lệ từ phần tích lũy trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng mới có thể nâng hạn mức huy động và cho vay, tài trợ vốn cho những dự án lớn. “Tăng vốn kèm với một chiến lược kinh doanh có hiệu quả, cổ đông là người được hưởng lợi...” - vị tổng giám đốc này nói.

Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, với nhu cầu vốn phục vụ việc triển khai các dự án là khá lớn, trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp đơn vị này đảm bảo nguồn vốn để tái đầu tư. Nếu trích ra khoản tiền lớn để trả cổ tức rồi lại đi vay ngân hàng với lãi suất cao để triển khai dự án, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và cổ đông.

Cũng có lãnh đạo công ty nói khi chọn chia cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu, họ chịu sức ép phải làm tốt hơn để có thêm lãi chia cho cổ đông. Nếu không chọn hướng phát triển, doanh nghiệp dùng tiền đó để chia cho cổ đông.

Thực tế cho thấy có doanh nghiệp có nguồn vốn thặng dư khá lớn nhưng nhiều năm liền lại không chia thưởng bằng cổ phiếu vì lý do lợi nhuận làm ra không tăng để có thể duy trì được mức cổ tức trả cho cổ đông theo mặt bằng chung.

 

 

(Báo tuổi trẻ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!