Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chứng khoán nở rộ những phiên nghìn tỷ

Những phiên giao dịch trên 3.000 tỷ đồng đã thành hiện thực sau thời gian dài được kỳ vọng. Tác nhân khiến thanh khoản nới rộng, ngoài những thay đổi trên thị trường tài chính tiền tệ, còn có bóng dáng của đòn bẩy.

Chia tay những phiên giao dịch èo uột với khoảng 1.000 tỷ đồng lưu chuyển trên cả hai sàn giai đoạn trước Tết, thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 3 đến nay bừng tỉnh. Thanh khoản bung ra với lượng chuyển nhượng phổ biến trên 2.000, thậm chí vượt 3.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch, tăng gấp hai ba lần so với cách đây một tháng.

Thị trường chứng khoán quay ngoắt 180 độ sau khi cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp dụng với các khoản vay trung dài hạn, mở lối cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn. Điều này đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Có thể dỡ bỏ trần cho vay nên khả năng chấm dứt trần lãi suất huy động được nhiều nhà đầu tư "cá cược" sẽ thành hiện thực. "Thị trường chứng khoán càng có cơ sở để kỳ vọng dòng tiền mới đổ vào sẽ ngày một rõ ràng hơn", Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kim Long Phạm Vĩnh Thành cho biết.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giữa chính sách và thực tế có độ trễ, dòng tín dụng khơi thông ở mức như thế nào phải cần thêm thời gian kiểm chứng. Còn hiện tại, những phản ứng tích cực về diễn biến của thị trường chủ yếu do tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư chi phối. Khối nội tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp có đủ vốn làm ăn và thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi ít nhiều.

Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Âu Việt Nguyễn Anh Thi cũng cho rằng: "Những thông tin xấu gần như không còn, trong khi các tín hiệu tích cực không ngừng lộ diện". Đơn cử như tăng trưởng GDP quý I dự kiến ở mức khả quan (tăng xấp xỉ 6% so với cùng kỳ năm ngoái), room cho tăng trưởng tín dụng còn nhiều, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại còn dư khoảng 30.000 tỷ đồng... khiến nhiều người kỳ vọng tín dụng có thể được mở rộng.

Tham gia vào những phiên hàng nghìn tỷ trong hơn tuần qua, ngoài lượng nhà đầu tư cũ đồng hành cùng những thăng trầm của thị trường, còn có những nhà đầu tư mới nhập cuộc và các doanh nghiệp. Theo ông Phạm Vũ Đồng Chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán VnDirect: "Trước Tết, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sau Tết là thời điểm các doanh nghiệp này thu lại được vốn và có thể nghĩ tới việc đầu tư tài chính".

Thời điểm Vn-Index duy trì khá lâu dưới mốc 500 lại không nhiều nhà đầu tư quyết tâm mua vào, giá mua bán vênh nhau khá lớn, nên lượng khớp lệnh ở mức thấp. Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu những phiên qua (khi chỉ số sàn TP HCM vươn khỏi ngưỡng 500) xuất hiện tình trạng chen nhau mua. Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Hồng Nam nhận định: "Lượng tiền vốn bị nén lại trong túi nhà đầu tư từ trước Tết để chờ cơ hội đổ vào, nay đã bung ra".

Ngoài những thay đổi về chính sách tài chính tiền tệ, chứng khoán thế giới tràn đầy khí thế đi lên, thì diễn biến sôi động của hai sàn chứng khoán còn xuất phát từ nguyên nhân nội tại của thị trường. Theo phân tích của ông Thành: "Giai đoạn mà Vn-Index nằm trong khoảng 480 – 500 điểm kéo dài khá lâu, suốt nhiều tháng cuối năm 2009. Điều này khuyến giới phân tích cũng như nhà đầu tư coi đây là đáy và khi gặp tín hiệu tốt, thị trường tất yếu sẽ đi lên".

Vẫn có bóng dáng của đòn bẩy tài chính, trong những phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Anh Thi: "Chỉ một số ít nhà đầu tư sử dụng công cụ này". Công cụ hỗ trợ thanh khoản này đã từng "làm mưa làm gió" vào tháng 9, tháng 10 năm ngoái. Bởi việc lạm dụng đòn bẩy khiến thanh khoản khuếch đại với con số 70-90 triệu, thậm chí vượt trên 100 triệu chứng khoán chuyển nhượng một phiên. Song, ngay khi thị trường diễn biến kém tích cực, tâm lý nhà đầu tư trở nên bất ổn, bán tháo bằng mọi giá, nhiều người thua nặng, trở tay không kịp. Bài học vẫn còn đó, nên giới chuyên gia cho rằng, số nhà đầu tư dùng đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận, hiện không nhiều.

Khó có thể nói trước Vn-Index sẽ tăng giảm điểm ra sao trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường hiện nay lên điểm không quá “căng”, thanh khoản lại được cải thiện qua từng phiên. "Các chỉ số có thể tăng hôm nay, giảm ngày mai. Điều đó không quá quan trọng. Nhưng thanh khoản được cải thiện luôn là tín hiệu tốt với thị trường", ông Thành nói.

(VnExpress )

  • UPCoM: Bao giờ thoát cảnh “chợ chiều”
  • Đi trước lạm phát
  • Đến hẹn… lại xin tăng vốn
  • Lạc quan cho một tuần mới
  • Sở GDCK phải công khai tài chính
  • Khối ngoại mua ròng 187,79 tỷ trên sàn HO
  • 9/3: Thanh khoản tăng vọt ở cả hai sàn
  • "Năm 2010, cổ phiếu ngành thép sẽ tiếp tục có nhiều đợt sóng!"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!