Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ chế tạo tiền của giới đầu cơ

Kể từ sau Tết Nguyên đán, VN-Index nối tiếp gây bất ngờ. Khi sự đi lên ổn định đang hình thành và phần lớn nhận định đều thiên về xu hướng thị trường tăng chậm, chắc, thì VN-Index đảo chiều đi xuống. Sự điều chỉnh dự kiến sẽ ôn hòa do thị trường không tăng “nóng” thì bất ngờ VN-Index điều chỉnh sâu giữa tuần trước khi mất tới gần 16 điểm, gần một nửa mức tăng trong tuần trước đó...

Sự thất thường của chỉ số chứng khoán khiến nhiều CTCK phải điều chỉnh dự báo: thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái đi ngang. Nhận định này là có cơ sở khi nhóm cổ phiếu blue-chip dẫn dắt thị trường chưa có sự bứt phá đáng kể, mà nhanh chóng chấm dứt xu thế đi lên chỉ sau 1 - 2 phiên. Phần còn lại, các cổ phiếu nhỏ (penny stock) thực sự giao dịch sôi động, thu hút sự chú ý của nhiều NĐT. Đằng sau các diễn biến này là động thái đầu cơ, lúc mờ lúc tỏ…

Blue-chip ngập ngừng

Cổ phiếu KDC chấm dứt hai phiên tăng trần và đảo chiều đi xuống ngay sau khi khoản lợi nhuận đột biến của Công ty được công bố. Khi FPT công bố tỷ lệ trả cổ tức và thưởng cổ phiếu 3:1 và 4:1, sẽ thực hiện trong năm 2010, thì thị trường chứng kiến làn sóng chốt lời. Điều tương tự xảy ra với cổ phiếu HAG. Một số cổ phiếu như GMD, ITA bất ngờ giao dịch sôi động, tăng trần được 1 - 2 phiên khi xuất hiện thông tin về việc chào bán và chia thưởng cổ phiếu, nhưng rồi nhanh chóng trở về trạng thái ban đầu...

“Voi không phi nước đại” là thành ngữ miêu tả hình ảnh nặng nề của những chú voi di chuyển chậm chạp, thong thả. Hiện tại, điều đó đúng với nhóm cổ phiếu blue-chip. Các cổ phiếu dẫn dắt thị trường này không thể đồng loạt khởi sắc, mà chỉ xoay vòng tăng giảm, là lý do chính khiến VN-Index chưa thể bứt tiến xa. Trên góc độ phân tích cơ bản, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận phân tích CTCK Bản Việt cho rằng, các cổ phiếu dẫn dắt thị trường đang thể hiện ở 3 nhóm chính là ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Đây cũng là cổ phiếu của các công ty niêm yết có quy mô lớn, khó kỳ vọng tạo ra lợi nhuận đột biến trong năm 2010. Sau khi giảm sâu vào cuối năm ngoái, giá các cổ phiếu hiện tại đã phục hồi, thị giá không phải ở dưới giá trị để hấp dẫn các tổ chức đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nhiều công ty niêm yết có kế hoạch tăng vốn, nhưng tốc độ tăng lợi nhuận có gia tăng tương ứng hay không vẫn là dấu hỏi cần làm rõ trong kỳ ĐHCĐ sắp tới. Mặt khác, phải 2 - 3 tháng nữa mới tới thời điểm chốt quyền của các cổ phiếu này. Vì vậy, giá cổ phiếu nhóm này chỉ lên trần 1 - 2 phiên là lập tức điều chỉnh do tính chất ngắn hạn của dòng tiền đầu cơ.

Việc lướt sóng ngắn cổ phiếu blue-chip là cách mà các NĐT trường vốn và bộ phận tự doanh của nhiều CTCK đang làm: mua bán trong phiên, mua trước bán sau, mua sau bán trước…, tùy theo diễn biến thị trường. Một nhân viên môi giới lý giải sự “thăng hoa” ngắn ngủi của nhóm cổ phiếu blue-chip từ góc độ đầu cơ: Nếu như cách đây một năm, để nhanh chóng đạt được mức lợi nhuận 20%, NĐT phải chọn mua được cổ phiếu tăng đủ 4 phiên trần. Còn hiện tại, rất khó tìm một cổ phiếu thanh khoản tốt, có lượng cầu đủ mạnh để đẩy cổ phiếu “chạy” liền 4 phiên. Nhưng nhiều NĐT vẫn có cách để đạt mức lợi nhuận mơ ước trên. Chìa khóa là nghiệp vụ ký quỹ (margin). Với khách hàng “siêu” VIP ở các CTCK lớn, tỷ lệ cho vay ký quỹ là rất lớn. Giả định, một NĐT có 100 triệu đồng, tỷ lệ margin là 300%, anh ta được mua số cổ phiếu trị giá tới 400 triệu đồng. Chỉ cần khi cổ phiếu về tài khoản, giá tăng 5% thì NĐT vẫn lãi 20% (chưa trừ các chi phí liên quan). Nếu đòn bẩy cao hơn, giá cổ phiếu tăng hơn, thì lợi nhuận được khuếch đại hơn. Cơ chế đầu cơ chỉ là canh mua cổ phiếu sát thời điểm tin tốt ra hoặc mua và chủ động tạo ra tin đồn, đẩy giá cổ phiếu lên trần. Tất nhiên, việc lựa chọn là tối quan trọng với các nhà đầu cơ. Cổ phiếu phải có tính thanh khoản tốt, được nhiều người quan tâm, sẵn sàng được CTCK cho cầm cố, và đặc biệt, có yếu tố “mờ ảo” để phần còn lại của thị trường kỳ vọng (lợi nhuận đột biến, thông tin chia thưởng, phát hành thêm…). Chỉ blue-chip mới đáp ứng được các tiêu chí này. Do chi phí vay và rủi ro của việc thị trường xoay chiều nên chu kỳ của giao dịch này thông thường chỉ gói gọn trong thời gian T+3, T+4. Chính những lý do này giải thích các con sóng cực ngắn của nhóm blue-chip.

Penny stock khởi sắc


Hiện tại, phần sôi động nhất của thị trường nằm ở các cổ phiếu nhỏ. Ít ai ngờ một cổ phiếu trong diện bị hạn chế giao dịch như TRI sau 10 phiên giảm sàn đã có 8 phiên tăng trần, tạo ra mức lợi nhuận tương đương 45%, gấp 8 lần mức biến động của VN-Index. Trên sàn HOSE không khó để tìm ra các cổ phiếu nhỏ có mức tăng giá mơ ước 30 - 40% trong hai tuần qua, chẳng hạn KSS, LAF, SHI, DXV… Thậm chí, trên sàn HNX, tốc độ tăng giá của nhiều cổ phiếu nhỏ còn chóng mặt hơn: TXM tăng 93%, SHN tăng 74,6%, LUT tăng 66,9%...

Lý giải sự “thăng hoa” của nhóm cổ phiếu nhỏ, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJS cho rằng, đây là sự chuyển dịch của dòng tiền hơn là các nguyên tắc giá trị. Các penny stock thường đi kèm với DN có vốn điều lệ nhỏ, lượng cổ phiếu ít, thị giá thấp, khiến giới đầu cơ dễ “tung hứng”, đặc biệt tại mùa họp ĐHCĐ và sắp công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Theo ông Tuấn, điểm chung của các cổ phiếu nhỏ tăng giá nhanh vừa qua là DN nhỏ, ít công bố thông tin. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của NĐT cá nhân, tạo điều kiện cho giới đầu cơ dễ bề thao túng, tạo ra các yếu tố chênh lệch về cung cầu, thu hút dòng tiền “nóng” bằng cách tạo ra kỳ vọng.

Một môi giới lành nghề cho biết, “nhận tin, gom hàng, đẩy giá và phân phối” là bốn bước trong “cơ chế tạo tiền” của giới đầu cơ. Nhưng từ lâu, giới đầu cơ đã phải xoay xở khó khăn trong “chiếc áo chật” của quy định giao dịch T+4. Một số CTCK đã cho khách hàng bán sớm, thậm chí mượn chứng khoán mua bán. Và cũng nảy sinh một góc khuất khác về hoạt động tư vấn. Hơn ai hết, nhân viên của các CTCK là người nắm những thông tin về DN sâu sát nhất. Khi nhận một tin đủ mạnh để giá cổ phiếu “chạy”, những nhân viên này sẽ âm thầm “vào hàng” đầu tiên trên phương diện cá nhân. Giá cổ phiếu khi đó vẫn không hề biến động. Ngày thứ hai, bộ phận tự doanh của CTCK đó mới vào cuộc. Sau đó, tới lượt các khách hàng VIP được tư vấn “xung trận”. Và cuối cùng, khi mã cổ phiếu được khuyến nghị mua bán rộng rãi, các NĐT nhỏ ào ạt mua vào, thì giá cổ phiếu nhanh chóng bị đẩy lên trần. Chính những điều này khiến thị trường đang có nhiều sóng nhỏ, dù VN-Index đi ngang.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!