Giá thép không thể tách ra khỏi đà tăng của giá than, điện. Ảnh: Đức Thanh |
Trước hết, tuy liên tục tăng cao, nhưng giá tiêu dùng tháng 1 và 2 vẫn không vượt ra ngoài “thông lệ” của nền kinh tế Việt Nam trong gần hai thập kỷ vừa qua. Theo các số liệu thống kê, dù tăng cao, nhưng tính chung, giá tiêu dùng bình quân hai tháng cận Tết và Tết năm nay chỉ tăng 1,66%, nên cũng không khác mức tăng trung bình phổ biến dao động trong khoảng 1,3%/tháng và dưới 2%/tháng của 11 năm kể từ năm 1993 trở lại đây, trong khi số năm có mức tăng trung bình cao hơn cũng chỉ dừng ở con số 4 và số năm có mức tăng thấp hơn chỉ có hai.
Điểm đáng lưu ý nữa là, trong số 11 năm có mức tăng tương tự trong hai tháng cận Tết và Tết như năm nay, có tới 6 năm có tổng mức tăng giá tiêu dùng cả năm thuộc loại “lý tưởng” trong điều kiện của nền kinh tế nước ta (dao động trong khoảng 3 - 6,60%). Đó là các năm 1993; 1996; 1997; 2002; 2003 và gần đây nhất là năm 2006. Hơn thế, năm 1999 còn là năm “độc nhất vô nhị” với mức tăng bình quân trong 2 tháng cận Tết và Tết tới 1,8%/tháng, trong khi đến hết năm, mức tăng chỉ còn là 0,1%, tức là kể từ khi Tết Nguyên đán kết thúc cho đến hết năm, giá tiêu dùng hầu như liên tục tụt dốc và đây cũng chính là một trong số 3 năm được coi là sốt lạnh trong gần 2 thập kỷ rưỡi đổi mới của nền kinh tế Việt Nam.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, bất kể giá tiêu dùng trong từng năm đó như thế nào, nhưng Xuân về, Tết đến, giá tiêu dùng tăng mạnh đã trở thành thông lệ của nền kinh tế nước ta. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, có 4 căn cứ để cho rằng, đây là những dấu hiệu mở đầu cho một “cuộc chiến” kiềm chế lạm phát không dễ dàng.
Thứ nhất, thay vì “rơi tự do”, giá nguyên liệu thế giới năm 2010 tăng mạnh trở lại, sẽ làm thị trường trong nước nóng lên. Đó là, thay vì giảm 31% trong năm 2009, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nguyên liệu thế giới năm 2010 sẽ tăng khoảng 16%. Rõ ràng, đối với một nền kinh tế mà “rổ hàng hóa nhập khẩu” không chỉ bằng khoảng trên dưới 90% “rổ GDP” như nước ta hiện nay, mà điều còn rất đặc biệt nữa là riêng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu” trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” này trong nhiều năm gần đây đã liên tục chiếm 60-65%, tức là cũng đã có khi gần bằng một nửa “rổ GDP”, cho nên cả tác dụng hạ nhiệt trong năm qua lẫn tác dụng gia nhiệt trong năm nay của thị trường nguyên liệu thế giới đối với thị trường trong nước đều rất lớn.
Thứ hai, khác hẳn với tác dụng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của giá nguyên liệu thế giới như nói trên, yếu tố tỷ giá VND/USD mang tính đột biến ngày 11/2 vừa qua sẽ góp phần đẩy mặt bằng giá cả trong nước tăng.
Trong điều kiện cả “rổ hàng hoá nhập khẩu” lẫn “rổ hàng hoá xuất khẩu” đều rất lớn so với “rổ GDP” như của Việt Nam, việc giảm mạnh tỷ giá VND/USD từ 17.941 VND/USD xuống 18.544 VND/USD đương nhiên sẽ làm “khuếch đại” cả hai “rổ hàng hoá” này thêm 3,36%. Rõ ràng, với quyết định này, cả giá hàng xuất khẩu lẫn giá hàng nhập khẩu tính bằng VND đều tăng đáng kể.
Thứ ba, việc giá một số mặt hàng thuộc loại đầu nguồn của nền kinh tế như than, điện, xăng dầu... được điều chỉnh tăng đương nhiên sẽ khó tránh khỏi những làn sóng tăng giá mới trong nền kinh tế.
Thứ tư, triển vọng kinh tế sáng sủa hơn trong năm nay cũng đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư cũng có những chuyển biến tích cực và sức mua xã hội tăng khá, đương nhiên cũng là yếu tố có thể đẩy chỉ số giá cả tăng cao hơn so với năm 2009.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com