Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các chuyên gia tiếp tục bàn về nguy cơ tái lạm phát và rủi ro

Rủi ro lạm phát rất đáng lo!
(Tác giả: GS.TS TRẦN NGỌC THƠ //Theo Tuanvietnam)

Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2010 không đơn thuần nằm ở chính sách tiền tệ và những yếu tố khách quan.

LTS: Gần đây đang có các ý kiến nhiều chiều quanh dự báo lạm phát của năm 2010. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của một số chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách quanh vấn đề này. Sau đây là quan điểm riêng của GS. TS Trần Ngọc Thơ.

Lạm phát Việt Nam có nguồn gốc từ chiến lược tăng trưởng chạy theo số lượng bắt đầu từ những năm 2000 đến 2008. Đỉnh điểm đến vào năm 2008 với lạm phát 28%. Nói đến dự báo lạm phát năm 2010, phải đặt nó trong mối nhân quả giai đoạn 2000-2008 mới thấy hết những rủi ro khôn lường.

Rất may cho Việt Nam là những sai lầm trong chiến lược tăng trưởng méo mó và do đó dẫn đến lạm phát phi mã của thập niên đã tạm thời được che đậy bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sang năm 2010, khi kinh tế toàn cầu phục hồi rõ hơn, lạm phát có "quán tính" từ thập niên trước sẽ chuyển dần sang những năm sau đó - trừ phi ta có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong thể chế.

Nhiều chuyên gia nói rằng các biện pháp chống lạm phát thì đã có đầy trong các kho sách giáo khoa thế giới, chỉ cần có quyết tâm thì ta sẽ kiểm soát được lạm phát? E rằng nhận định này có thể không đúng ở nước ta.

Khác với hầu hết các nước, lạm phát có thể được NHTW đánh đổi bằng mục tiêu tăng trưởng. Nhưng đối với Việt Nam, ngay cả khi chính phủ cũng nhượng bộ phần nào với mục tiêu không đạt được tăng trưởng bằng mọi giá - để kiềm chế lạm phát - thì vẫn còn đó nhiều khả năng để lạm phát có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Trước hết, nói thẳng ra là những hậu quả của các chiến lược tăng trưởng giai đoạn 2000-2008. Chính phủ phải xử lý thế nào với hàng loạt công trình dở dang ngổn ngang ở các tỉnh, thành, bộ ngành, các DNNN và tập đoàn kinh tế? Nếu không tiếp tục bơm tiền để hoàn thành, liệu có ảnh hưởng gì đến uy tín của lãnh đạo các đơn vị này khi mà mùa đánh giá và đề bạt cán bộ năm nay sẽ ở mức cao trào? Đây là hệ quả mà những thời kỳ trước cũng chính phủ hiện nay đang phải gánh chịu và tìm cách khắc phục.

Sức ép thể chế có thể sẽ đánh bại những nỗ lực của NHNN trong kiểm soát lạm phát. Anh đã lỡ hứa xây cây cầu, trạm xá... rồi, nay lại sắp tới mùa thi đua hoàn thành vượt mức và thi đua hoàn thành trước thời hạn. Thôi thì, không ngân sách bơm vốn ra thì cũng bằng cách nào đó ngân hàng thương mại nhà nước cũng hỗ trợ.

Mà đó cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ về cái gọi là "đặc thù" riêng có của Việt Nam. Cộng tất cả những đặc thù đó lại, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam khó hơn nhiều so với mọi người tưởng.

Đó là chưa kể những tác động mặt trái và độ trễ của gói kích cầu năm 2009 sẽ phát huy tác dụng và ngấm vào năm 2010. Rõ nhất là tỷ giá đã tăng liên tục trong nhiều tháng qua và vẫn còn có thể tăng tiếp nữa. Tôi tin chắc rằng biến số tỷ giá tăng mạnh này đã không nằm trong tính toán của các nhà hoạch định chính sách. Không khó để nhìn ra rằng đồng Việt Nam hiện vẫn còn định giá khá cao so với mức cân bằng (của tỷ giá thực) và khả năng tăng tỷ giá trong thời gian tới hầu như là điều khó tránh khỏi, bất chấp những tuyên bố "ổn định" chắc như đinh đóng cột của các nhà làm chính sách.

Xem lại bài phát biểu "Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010" của Thống đốc NHNN tại hội thảo "Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm" vào thời điểm gần cuối năm 2009, ta thấy Thống đốc có nêu ra rất nhiều các biến số tác động đến lạm phát và tăng trưởng như hệ số ICOR, tổng phương tiện thanh toán, giá dầu... nhưng tuyệt nhiên không thấy tác động của yếu tố tỷ giá đối với CPI (tỷ giá tăng làm cho giá nhập khẩu tăng và do đó kéo theo mặt bằng giá trong nước tăng lên). Nếu để ý, ta thấy vào thời điểm này, vị lãnh đạo ngành ngân hàng vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm không tăng mạnh tỷ giá vì e ngại tác động đến việc trả nợ nước ngoài.

Trong hai kịch bản này, thì lạm phát nằm trong khoảng thấp nhất và cao nhất là 7,5% - 10%. Nếu ta tạm thời dựa vào mô hình tính toán của một trong những cơ quan quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và vẫn chưa có yếu tố tác động của tăng mạnh tỷ giá thì lạm phát đã đáng lo ngại lắm rồi.

Và ắt hẳn mô hình dự báo lạm phát của NHNN đã chưa tính hết tới những phản ứng thái quá của các tập đoàn nhà nước từ hiệu ứng tăng giá xăng, giá điện... khá khó hiểu và có thể là ngoài tầm kiểm soát của những nhà làm chính sách khi dự báo về lạm phát 2010.

Nói tóm lại, dự báo lạm phát Việt Nam năm 2010 không đơn thuần nằm ở chính sách tiền tệ và những yếu tố khách quan (như giá dầu thế giới...) mà còn nằm ở (1) tàn dư của những năm tăng trưởng và kích cầu trước đây, (2) thể chế, (3) sự mất giá liên tục và không thể tránh khỏi  của tỷ giá đô la/Việt Nam đồng và (4) phản ứng của các DNNN và tập đoàn kinh tế có gì lợi ích chung?

Rõ ràng với nguy cơ đang được cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ Việt Nam phải tính ngay và có giải pháp đi trước một bước để giải quyết vấn đề hệ trọng này.


“Bốc thuốc” trước nguy cơ tái lạm phát
(Theo LÊ THANH //Báo Pháp Luật TPHCM)

Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm trên 3%. Các chuyên gia kinh tế lo ngại: một trong những khó khăn của Việt Nam trong năm nay là việc đối mặt với nguy cơ tái lạm phát.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):

Thận trọng khi nới tăng trưởng tín dụng

Khả năng kiềm chế lạm phát dưới 7% như chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là hết sức khó khăn nếu như chúng ta không thực hiện đồng bộ năm nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tế, dự kiến chỉ số tăng giá trong quý I sẽ chiếm phân nửa chỉ tiêu mà chúng ta đặt ra, khoảng gần 4%. Tuy nhiên, thông thường vào quý I, lạm phát tăng cao vì đây là tháng tết, lễ hội. Đến quý II và III, giá cả thường không tăng. Tháng 11, giá mới có dấu hiệu tăng trở lại.

Khi xây dựng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát, các bộ ngành cũng tính đến việc giá một loạt mặt hàng thiết yếu là điện, than, nước sạch… tăng cao ngay từ đầu năm và giá nguyên liệu thế giới tăng. Điều đó để nói rằng chúng ta chủ động khi đưa ra con số này.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi phải kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp và thận trọng. Có thể đợi đến khi có chỉ số tăng giá của tháng 3 thì chúng ta sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 25% để tạo thanh khoản cho doanh nghiệp. Nhưng nếu tăng tín dụng lên thì chắc chắn sẽ gây khó cho việc kiềm chế lạm phát. Kinh nghiệm của thế giới, tăng trưởng tín dụng ở các nước thường chỉ ở mức 3%-3,5%. Việc hạ tỉ lệ tăng trưởng tín dụng từ 38% năm 2009 xuống 25% cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả đồng vốn.

Thực tế, cái hạn chế của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn, nhân lực giá rẻ và khai thác tài nguyên thô. Nếu tăng trưởng tín dụng quá cao mà không chú tâm đến hiệu quả đồng vốn sẽ gây những bất ổn lâu dài cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội:

Kiểm soát chặt giá những mặt hàng độc quyền

Ta cần chú ý hơn đến hai chính sách sau:

Thứ nhất, cần đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường có quản lý nhà nước về giá cả. Cần thúc đẩy thiết lập và hoàn thiện cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ có sự kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả của nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chưa được tự do hóa. Phải cho cạnh tranh đầy đủ trên thị trường rồi nhà nước mới buông giá. Nếu chỉ trả giá cả về cho thị trường mà không trả sự cạnh tranh cần thiết trong việc hình thành giá cả thì dễ tạo ra sự lạm dụng và mang lại lợi ích độc quyền kép cho các doanh nghiệp đang hoặc gần như độc quyền kinh doanh.

Thứ hai, linh hoạt và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính-tiền tệ. Trước hết, cần đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật về cho vay, đảm bảo tỉ lệ an toàn kinh doanh, quản lý ngoại hối. Tiếp nữa là kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và chuyển dịch mạnh cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung các nguồn vốn cho vay sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, thu mua nông sản, chế biến và xuất khẩu,…

Đồng thời, chính sách tỉ giá trong thời gian tới cần linh hoạt theo hướng thu hẹp chênh lệch tỉ giá chính thức và tỉ giá trên thị trường tự do, bảo đảm phải có sự đồng bộ giữa tỉ giá với lãi suất và cả biên độ tỉ giá, cũng như với các chính sách tài chính khác.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp:

Không thể dàn trải tất cả dự án

Chính phủ cần coi trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta có thể trông mong vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, trông chờ vào cải cách. Nhưng trọng tâm chính sách để ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát trong năm nay chỉ có một cách là nâng cao hiệu quả của tín dụng lên. Mà điều này đòi hỏi phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế cũng như không thể đầu tư tất cả dự án đang triển khai.


Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng:
Sẽ không kiểm soát được lạm phát?
(Phạm Tuyên - Khánh Huyền// Theo báo Tiền Phong)

TP - TS Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Khoa học Thị trường Giá cả cho rằng, giá các nguyên liệu đầu vào như xăng, điện, nước… tăng sẽ tạo xu thế vòng xoáy kéo theo hàng hóa, dịch vụ khác cùng tăng giá và lạm phát không kiểm soát được.

TPHCM và Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2 ở mức rất cao. Theo ông mức giá điện dự kiến tăng từ 1-3 tới và giá xăng vừa qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI và nguy cơ lạm phát?

Theo tôi, chỉ số giá tháng 2 của cả nước sẽ khoảng 2%. CPI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng tăng 1,68%, còn CPI ở Hà Nội tăng 2,61%. Với mức tăng CPI 2% của tháng 2 cộng với mức tăng của tháng 1 thì CPI của hai tháng đầu năm đã ở mức 3%.

Thông thường theo quy luật, tháng 3 là tháng CPI phải giảm và nếu tăng thì sẽ rất là thấp, kỳ vọng ở dưới 0,5% thì mới giữ được mức tăng CPI cả năm dưới một con số. Còn nếu tháng 3 CPI tăng từ 0,5% đến 1% thì chỉ qua hai tháng có thể thấy khó giữ được CPI cả năm dưới 7%.

Việc tăng giá xăng 590 đồng/lít sẽ tác động vào giá tháng 3. Có thể nói chọn thời điểm để tăng giá như hiện nay là không phù hợp.

Điều chỉnh giá điện, theo tôi, nếu để qua tháng 3 thì tốt hơn. Vì các tháng 3, 4 và 5 là  khoảng thời gian kinh tế chịu tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ của năm 2009 rất rõ.

Theo ông, với đầu vào tăng như vậy thì trong thời gian tới giá hàng  hóa sẽ thế nào?

Nếu không kiểm soát tốt thì CPI có thể tăng tới hai con số. Cái sợ nhất của câu chuyện tăng giá là tạo ra xu thế vòng xoáy. Giá cứ tăng và liên tục tăng, kéo theo hàng hóa, dịch vụ khác cùng tăng giá và lạm phát không kiểm soát được.

* Về việc tăng giá các mặt hàng trong thời gian tới, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng giá xăng vừa qua sẽ đổ dầu vào lửa cho các đợt tăng giá thường vẫn diễn ra sau mỗi dịp Tết.

* Nghị định 84 “giao quyền” tăng giá trong khoảng cộng trừ 7% cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp dường như chỉ quan tâm cộng 7% còn trừ không thấy nói đến.

Ông có nói, thời gian tới, tác động của việc nới lỏng tín dụng năm 2009 thể hiện sẽ rõ hơn. Vậy tác động này sẽ như thế nào?

Độ trễ của việc nới lỏng tín dụng sẽ là 5-6 tháng. Như vậy đến tháng 4, 5 giá sẽ tăng rất cao. Vì khi tháng 3 CPI không giảm được do tác động của giá xăng, giá điện tăng thì tháng 4, 5 khả năng giá hàng hóa tăng cao là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta phải lựa chọn tăng giá điện hay ổn định vĩ mô để phát triển.

Cùng với đó, nếu lạm phát trong nửa năm 2010 mà lên 6% thì buộc phải siết chặt tín dụng. Từ cuối 2009, việc siết tín dụng đã làm rồi và doanh nghiệp cũng kêu rất nhiều. Nếu quý I-2010, mức tăng trưởng đạt thấp thì sẽ phải nới tín dụng.

Tuy nhiên, khi nới thì sẽ kéo theo chỉ số giá tăng cao và sẽ lại phải siết tín dụng lại. Việc siết chặt này sẽ tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng và các doanh nghiệp sẽ khốn đốn. Thậm chí là nếu siết theo kiểu sốc, trong nửa cuối năm 2010 là phải quay sang chống lạm phát.

Việc giá xăng tăng, theo giải thích của các doanh nghiệp là do tác động của tỉ giá tăng cao. Ông đánh giá việc này thế nào?

Tỷ giá tăng là một phần. Theo Nghị định 84 thì việc giá xăng tăng giảm tính theo giá bình quân trong 20-30 ngày và chỉ mang tính thời điểm. Nghị định 84 “giao quyền” tăng giá trong khoảng cộng trừ 7% cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp dường như chỉ quan tâm cộng 7% còn trừ không thấy nói đến. Ngay cả việc lúc giảm được thì tại sao không giảm, mà tăng thì lại tăng ngay?.

Việc tăng giá được lý giải là giá dầu thô và giá dầu thành phẩm tăng, là không thuyết phục. Ví dụ, theo Nghị định 84 thì có ít nhất 11 yếu tố cấu thành giá xăng dầu, nhưng tất cả các yếu tố đó lại không được làm rõ. Dù doanh nghiệp giải thích thế nào thì cũng khó thuyết phục vì cho đến nay chỉ thấy tăng giá chứ không giảm.

Nhà nước nên đặt ra trần để họ cạnh tranh bằng cách hạ giá, không cạnh tranh bằng cách tăng giá. Bây giờ doanh nghiệp không có mục tiêu gì để giảm giá, mà chỉ tăng giá thôi.

TS Nguyễn Tiến Thỏa: Các bộ trình phương án giá đều đã tính toán

TS Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, thời điểm tăng giá là hoàn toàn hợp lý. Và điều này đã được Chính phủ cân nhắc, các cơ quan chức năng tính toán kỹ.

Tháng 1, tháng 2 là những tháng đầu năm, đúng Tết Nguyên đán, nên các doanh nghiệp chưa sản xuất mạnh và chưa thực sự bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Tiến độ sản xuất sẽ tăng trở lại từ tháng 3.

Với quyết định thực hiện tăng giá điện từ tháng 3 và thông tin được đưa ra sớm, sẽ giúp các DN sớm hoạch định chiến lược kinh doanh cả năm, sớm tính toán được chi phí đầu vào để chủ động có các biện pháp quản lý, tiết giảm chi phí hợp lý cũng như có chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu thời điểm tăng giá chậm lại, sẽ khiến các DN bị động, và sẽ làm xáo trộn mọi phương án, mọi tính toán của DN.

Khi các bộ trình phương án tăng giá đều đã tính toán các yếu tố đầu vào sẽ là bao nhiêu, tác động đến giá cả, lạm phát thế nào.

Về nguy cơ lạm phát cao, ông Thỏa lưu ý không thể chủ quan, mục tiêu giữ CPI cả  năm ở mức 7% là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng khó vẫn phải làm và để làm được cần phải có sự quyết liệt thực hiện ngay từ đầu và cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát thị trường, công tác quản lý giá phải được làm quyết liệt và triệt để.

Các yếu tố hình thành giá của DN phải được kiểm tra chặt chẽ, tránh việc DN lợi dụng giá điện, giá xăng dầu tăng để đẩy giá tăng. Đặc biệt là kiểm tra sát sao các DN đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để chuẩn bị hàng hoá trước Tết phải nghiêm túc giữ ổn định giá bán, không được lợi dụng nhu cầu tăng, lợi dụng chi phí đầu vào tăng để tăng giá bán không hợp lý.


 

 

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Lạm phát và những câu hỏi
  • Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công
  • Lạm phát: Cơ quan điều hành lạc quan, chuyên gia lo ngại
  • Khó khống chế CPI cả năm tăng 7%
  • Ấn Độ dừng kích cầu để ngăn chặn lạm phát
  • Năm 2010: Chống lạm phát là khó nhất
  • EU sẽ hỗ trợ Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ
  • Lạm phát ở Ấn Độ tăng lên 8.5%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!