Hôm nay, các nhà lãnh đạo hàng đầu của các nền kinh tế lớn châu Âu sẽ gặp nhau tại Berlin (Đức) trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung về khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và chủ nhà Đức sẽ tìm một hướng đi chung cho cuộc họp nhóm các nước giàu và đang phát triển (G20) tại thủ đô London (Anh) vào ngày 2-4 tới.
Theo AFP, cuộc họp tại Berlin diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin dồn dập không tốt đẹp về kinh tế tại các nước châu Âu trong thời gian qua.
Vấn đề bảo hộ đang gây tranh cãi cũng được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp này với những quan ngại đặc biệt của Ủy ban châu Âu (EC) khi Pháp, Italia và Tây Ban Nha muốn bảo hộ nền công nghiệp ô tô của mỗi nước. Đây được coi là khúc mắc khó giải quyết bởi Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy vẫn rất cứng rắn tuyên bố “sẽ không có một thỏa hiệp nào” liên quan việc Pháp hỗ trợ hợp pháp nền công nghiệp ô tô trong nước.
* Khoảng 120.000 người Ireland đã chiếm giữ các đường phố ở trung tâm thành phố Dublin trong một cuộc biểu tình đêm qua nhằm bày tỏ sự giận dữ với biện pháp của chính phủ giải quyết suy thoái kinh tế. Những người biểu tình phản đối kế hoạch đánh thuế vào lương hưu đối với 350.000 nhân viên trong các lĩnh vực công.
Dự kiến, kế hoạch này sẽ giúp Chính phủ Ireland giảm chi phí khoảng 1,4 tỷ euro trong năm nay. Điều này cũng có nghĩa là sẽ lấy đi của 350.000 nhân viên trên từ 1.500 euro đến 2.800 euro/người/năm. Người biểu tình cho rằng, hết sức vô lý khi các nhân viên không phải là nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế lại phải trả giá cho điều này.
Kinh tế Ireland đang bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Số người thất nghiệp trong tháng 1 ở nước này đã tăng lên 326.000, cao nhất kể từ mức kỷ lục năm 1967.
* Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama muốn giảm 1/2 thâm hụt ngân sách vào năm 2013 bằng cách giảm các khoản chi cho cuộc chiến tại Iraq, loại bỏ các chương trình công cộng gây lãng phí và tăng thuế đối với người giàu.
Một quan chức chính phủ Obama giấu tên cho biết: “Chính quyền đang nợ khoản thâm hụt ngân sách 1.300 tỷ USD, tương đương 9,2% GDP. Vào năm 2013, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, thâm hụt ngân sách sẽ giảm còn 533 tỷ USD, tức 3% GDP.
Hầu hết các khoản tiết kiệm là nhờ giảm chi tiêu cho cuộc chiến tại Iraq, đánh thuế người có thu nhập từ 250.000 USD/năm và tiền tiết kiệm từ việc chính phủ tiến hành hiệu quả hơn các chương trình công cộng và loại bỏ những chương trình không phát huy tác dụng”.
(Theo báo Sài Gòn online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com