Doanh nghiệp (DN) đang chờ cơ hội cải thiện kinh doanh khi Chính phủ hỗ trợ, kích cầu, nhưng thay đổi thế nào là điều khó. Tiền Phong có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Kenji Hachiya - Giám đốc Viện Đào tạo Tư vấn Toàn cầu Việt Nam.
Một doanh nghiệp sản xuất giấy xuất khẩu bằng công nghệ lạc hậu (của Trung Quốc), gây ô nhiễm môi trường ở Yên Bái Ảnh: L.V. Thành |
DN Việt Nam đang gặp khó khăn vì bắt đầu chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới. Cảm nhận của ông ra sao?
Cũng giống Nhật Bản, Việt Nam đang gánh chịu tình trạng tiền đồng suy giảm giá trị, thị trường xuất khẩu và đầu tư FDI thu hẹp. Những yếu tố đó làm chậm lại ngành kinh doanh xuất khẩu, giá hàng hóa nhập khẩu cao và tỷ lệ thất nghiệp leo thang.
Chính phủ Việt Nam ngăn đà suy giảm kinh tế bằng nhiều biện pháp kể cả kích cầu tiêu dùng với một tỷ USD. Theo ông, hướng này có hợp lý?
Vào đầu những năm 1970 cũng có cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự xảy ra. Lúc đó, đồng Yên tăng cao và giá dầu tăng vọt. Nhật Bản hồi phục sau cơn bão suy thoái này và trở thành hiện tượng mà người ta vẫn thường gọi “Nhật Bản là số một”.
Để vượt qua cuộc đại suy thoái này bằng chính nỗ lực của mình, Việt Nam cần tự thay đổi. Định hướng và hỗ trợ các khu vực công nghiệp có tiềm năng lớn chính là thể hiện vai trò trọng yếu cần thiết của chính phủ. Chỉ có điều, tôi chưa cảm nhận thấy nhiều thông điệp thật rõ ràng hơn từ các bạn về phương hướng này.
Làm việc nhiều với DN Việt, ông thấy họ yếu gì?
Tôi thấy nhiều DN Nhật nhìn nhận Việt Nam là quốc gia hậu Trung Quốc. Họ lựa chọn Việt Nam bởi chi phí lao động thấp, chính trị ổn định và vị trí thuận tiện ở Nam Á. Trên quan điểm này, doanh nghiệp Nhật chưa mong có được từ họ năng lực quản lý, sản phẩm cạnh tranh hay tính cạnh tranh về nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, sau cuộc suy thoái, tôi không dám chắc liệu Việt Nam có còn sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác hay không. Tương tự các quốc gia khác, Việt Nam sau suy thoái cần phải được thay đổi so với trước suy thoái để có thể trở thành một quốc gia có sức hấp dẫn đối với thế giới.
Về phương diện cá nhân, tôi hy vọng Việt Nam sẽ là trung tâm của Đông Nam châu Á. Để hiện thực hóa việc này, Việt Nam cần phải có cơ sở nền tảng công nghiệp mềm và cứng, có hệ thống chính sách và vấn đề công minh bạch, công bằng mở với các nước khác.
Nếu có một lối đi tối ưu cho doanh nghiệp ở các nước đang phát triển vượt qua khó khăn, đó là lối đi nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, luật chơi sẽ thay đổi sau cuộc suy thoái so với trước suy thoái. Các doanh nghiệp Việt cần thay đổi ấn tượng của mình về một đất nước có nhiều thứ giá rẻ, nhưng chất lượng thấp.
Điều này có ý nghĩa là, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ phản ứng lại với suy thoái và thu hẹp quy mô đủ để tồn tại mà còn cần phải tăng cường sức mạnh của mình để có thể tạo nên sự đột phá sau đại suy thoái.
Ông từng tư vấn nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý. Ông có thể kể một vài yếu kém của họ và họ vượt ra sao?
Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực, họ cần phải hiểu cách thay đổi. Có điều không may là nhiều quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu tầm nhìn dài hạn. Nhìn ngắn hạn, thước đo của thành công là kiếm được bao nhiêu tiền. Còn dài hạn, thước đo thành công lại là phương pháp, cách thức để làm tốt hơn.
Chính vì thế, nên giải quyết các mục tiêu nhiều thử thách hướng tới cấp độ cao hơn tiêu chuẩn như là đạt được chất lượng thỏa mãn thay vì chất lượng có thể chấp nhận được; sản phẩm cạnh tranh thay vì giao sản phẩm có giá trị thấp.
Ông từng dạy lao động Việt Nam bị thất nghiệp các kỹ năng kiếm việc trở lại? Ông nhận định thế nào về xu hướng thất nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu tinh giảm quy mô sản xuất, và một vài trong số các đầu tư nước ngoài mới bị trì hoãn. Trên tinh thần đó, chúng ta không hy vọng có nhu cầu về lao động cao trong một vài năm tới, và tình trạng thất nghiệp sẽ trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với Việt Nam.
Doanh nghiệp cần xử lý thất nghiệp thời kỳ suy thoái kinh tế ra sao, thưa ông?
Ở Nhật đã và đang đối mặt với vấn đề thất nghiệp. Nhưng tình trạng này ở Nhật Bản có sự khác biệt với Việt Nam. Chúng tôi chuyển đổi cơ cấu lao động từ làm việc vô thời hạn sang xác định thời hạn. Các công ty sẽ mong muốn tuyển những người khả năng đóng góp cho sự cải thiện của doanh nghiệp.
Đóng góp ở đây chính là lối tư duy. Thù lao sẽ được trả theo đóng góp của họ mang lại cho doanh nghiệp chứ không phải trả cho thời gian họ làm. Tại Việt Nam điều này vẫn mới mẻ. Vì vậy cần phải được thay đổi lối tư duy từ cố gắng để làm lâu năm sang đóng góp có giá trị.
Xin cảm ơn ông!
(Theo báo tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com