Một số ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ lạm phát giá cả, trong đó bao gồm lương thực, thực phẩm và năng lượng khi tính chỉ số lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 tăng hơn 16% so với tháng 12/2010. Nếu loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm và năng lượng thì CPI tăng hơn 12% so với tháng 12 năm trước.
Chính vì sự chênh lệch không nhỏ này mà có ý kiến cho rằng, cần phải loại bỏ lạm phát giá cả, trong đó bao gồm lương thực, thực phẩm và năng lượng khi tính chỉ số lạm phát.
Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác thên thế giới, CPI được sử dụng như đại diện cho thông số về lạm phát. Đây là một chỉ tiêu thống kê phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả chung của một số lượng cố định các loại hàng hóa dịch vụ đã được chọn đại diện cho tiêu dùng, phục vụ cho đời sống bình thường của người dân.
CPI cả nước tháng 9 tăng 16,63% so với tháng 12/2010. Nếu loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm, CPI tháng 9 tăng 13,81%. Và nếu loại trừ thêm nhóm năng lượng thì lạm phát tăng 12,47%.
CPI là chỉ số phản ánh sự biến động của giá tiêu dùng, nên đây là chỉ số giá mà mỗi người dân quan tâm. Là người tiêu dùng, chưa cần hiểu rõ nguyên nhân gì, nhưng mỗi ngày cầm tiền ra chợ lại thấy bị hao hụt nhiều hơn, mức độ hao hụt ngay càng tăng là người ta biết có lạm phát.
Ví dụ, để chi tiêu bình thường cho gia đình 1 tháng là 5 triệu, tháng sau, cũng vẫn nhu cầu tiêu dùng như vậy, nhưng họ phải chi 6 triệu, họ cũng hiểu thế là tiền bị mất giá 20%. Nhưng giả sử nếu loại lương thực, thực phẩm, năng lượng ra khỏi rổ hàng hóa để công bố thì tỷ lệ lạm phát chỉ còn 10%, người ta sẽ biết ngay đó chưa phải là con số phản ánh lạm phát thực.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chưa thể loại xăng dầu, lương thực, thực phẩm trong khi những mặt hàng này hiện vẫn đang là những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân Việt Nam và vẫn có khả năng ảnh hưởng tới túi tiền của mỗi người.
Tuy nhiên, khi chưa được loại bỏ những nhân tố khách quan, CPI không phải là chỉ số dùng làm cơ sở cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, khi điều hành chính sách tiền tệ phải dựa vào lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản cũng chính là chỉ số đo mức độ biến động giá tiêu dùng, nhưng đã được điều chỉnh lại bằng cách loại khỏi rổ hàng hóa những mặt hàng có giá cả biến động nhất thời, làm méo mó việc tính mức độ lạm phát như trường hợp dịch cúm gia cầm, hạn hán, lụt lội… làm đẩy giá lương thực, thực phẩm.
TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, lạm phát cơ bản giúp có cái nhìn khách quan và có được những dự báo dài hạn về lạm phát.
Hiện Việt Nam vẫn chưa đưa ra phương pháp tính lạm phát cơ bản nên nhiều người vẫn căn cứ vào chỉ số CPI để cho rằng, đây là lạm phát cơ bản. Còn theo quy định của khoa học thì người ta tách riêng hai chỉ số không tính vào, đó là giá năng lượng và lương thực - thực phẩm, bởi giá này thường có những biến động bất thường, chưa phản ánh sự lành mạnh hay không của chính sách tiền tệ.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc quan tâm đến cả hai loại chỉ số lạm phát, đó là chỉ số lạm phát thực mà mỗi người đang phải đối mặt, và chỉ số lạm phát đã có sự loại trừ những mặt hàng biến động giá do những nguyên nhân khách quan để làm cơ sở cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
(VTV)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com