Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Joseph Stiglitz: Cách thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu

Trong số ra ngày 27/10, tạp chí Time đã đăng ý kiến của Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, về cách thức cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra và các biện pháp giải quyết khủng hoảng.

Hàng loạt những tin xấu trong những ngày qua đã khiến dư luận trên toàn thế giới hết sức hoang mang. Các thị trường chứng khoán xuống dốc, các ngân hàng ngừng cho nhau vay trong khi lãnh đạo các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính xuất hiện thường xuyên trên truyền hình với vẻ mặt rất mệt mỏi.

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1929. Tin tốt duy nhất là giá dầu cuối cùng cũng bắt đầu hạ nhiệt.

Vào những ngày này, nhiều người Mỹ thấy sợ hãi và hoang mang trong khi dân chúng ở các quốc gia khác có cảm giác ngờ ngợ.

Châu Á đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự hồi cuối những năm 1990 và rất nhiều nước khác (trong đó có Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Na Uy, Thụy Điển, Indonesia và Hàn Quốc) cũng hứng chịu ngân hàng khủng hoảng, thị trường tài chính sụp đổ còn tín dụng thì chao đảo.

Chủ nghĩa tư bản có thể là hệ thống kinh tế tốt nhất mà nhiều nước đi theo nhưng không một quốc gia nào nói rằng họ đã tạo ra được sự bình ổn.

Thực tế, trong khoảng 30 năm qua, các nền kinh tế thị trường phải đối mặt với hơn 100 cuộc khủng hoảng. Đó là lý do tại sao tôi cùng nhiều nhà kinh tế khác tin rằng sự điều chỉnh và giám sát của chính phủ là một phần cốt yếu đối của một nền kinh tế thị trường đang hoạt động. Nếu không, các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Và bản thân thị trường thôi chưa đủ. Chính phủ phải đóng một vai trò.

Thật tốt là Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Henry Paulson dường như, rốt cục, cũng ngả sang ý kiến rằng chính phủ Mỹ cần phải giúp tái tư bản hóa các ngân hàng của chúng ta và sẽ tiếp nhận các cổ phần sở hữu trong các ngân hàng mà chính phủ bảo lãnh.

Nhưng còn nhiều biện pháp nữa cần được thực hiện để ngăn chặn khủng hoảng lan khắp thế giới.

Tại sao chúng ta lại ở đây, trong cơn khủng hoảng?
 

Những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay phần lớn là do việc bãi bỏ các quy định kết hợp với lãi suất thấp gây ra.

Sau khi bong bóng công nghệ xì hơi, nền kinh tế cần được kích thích. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm thuế của chính phủ Bush không khuyến khích nhiều cho nền kinh tế. Nó lại đặt gánh nặng phải duy trì nền kinh tế lên vai Cục Dữ trữ Liên bang (FED) và Cục này đối phó bằng cách làm tràn nền kinh tế bằng khả năng thanh toán tiền mặt.

Trong các hoàn cảnh bình thường, việc có tiền lưu chuyển vòng quanh trong một hệ thống là rất tốt, vì nó giúp cho nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, vì nền kinh tế đã đầu tư quá mức nên lượng tiền bổ sung không được đặt vào mục đích sử dụng hữu ích.

Lãi suất thấp cộng với sự dễ dàng tiếp cận các quỹ tài chính đã khuyến khích tình trạng vay mượn bừa bãi, mua nhà trả góp chỉ tính đến lãi suất, không thanh toán, không giấy tờ.

Rõ ràng, nếu như bong bóng xì hơi dù chỉ chút ít, nhiều khoản thế chấp sẽ chìm dưới nước - với giá thấp hơn giá trị của tài sản thế chấp. Điều đó đã xảy ra - 12 triệu tới thời điểm này và mỗi một giờ qua đi con số này càng cao hơn nữa. Không chỉ mất nhà cửa, người nghèo còn mất luôn cả các khoản tiết kiệm cả đời của mình.

Xu hướng bãi bỏ quy định chi phối những năm tháng của Bush-Greenpan đã góp phần làm lan rộng một mô hình ngân hàng mới. Cốt lõi của nó là thế chấp hóa: những người môi giới khởi đầu các khoản vay thế chấp mà họ bán cho người khác. Người mua được nói là không cần phải lo lắng về việc trả khoản nợ đang ngày một chồng chất, bởi vì giá nhà sẽ tiếp tục tăng và họ có thể cho tái mượn nợ, lấy một phần lãi để mua xe hoặc đi nghỉ.

Tất nhiên, điều này vi phạm luật đầu tiên của kinh tế - vì không có thứ tựa như một bữa trưa miễn phí.

Tin rằng giá nhà đất tiếp tục tăng vọt là điều cực kỳ ngớ ngẩn trong một nền kinh tế mà hầu hết người Mỹ đang chứng kiến thu nhập thực sự của họ ngày càng giảm.

Những người môi giới thế chấp yêu các sản phẩm mới này bởi vì chúng đảm bảo một nguồn thù lao liên tục. Họ cực đại hóa lợi nhuận của mình bằng cách khởi tạo càng nhiều khoản thế chấp càng tốt, và cho tái mượn nợ liên tục.

Đồng minh của họ trong các ngân hàng đầu tư mua chúng, chia nhỏ rủi ro, sau đó tống chúng đi.

Các ông chủ ngân hàng quên mất một điều rằng nhiệm vụ của họ là quản lý một cách thận trọng rủi ro và phân bổ vốn. Họ trở thành các các casino liều lĩnh - đánh bạc bằng tiền của người khác, biết rằng người đóng thuế sẽ can thiệp nếu như thua lỗ quá lớn. Họ đã cấp vốn không đúng chỗ, với số lượng lớn chảy vào nhà đất mà cuối cùng không đủ khả năng chi trả.

Tình trạng tiền quá lỏng cộng với sự quản lý khinh suất đã tạo thành liều thuốc độc. Nổ tung.

Một cuộc khủng hoảng toàn cầu!
 

 

Điều khiến cho sự khinh suất của Mỹ trở nên cực kỳ nguy hiểm chính là việc chúng ta đã xuất khẩu chính sự khinh suất đó. Cách đây vài tháng, một số người đã nói đến sự tách riêng - châu Âu sẽ tiếp tục thậm chí ngay cả khi Mỹ đã suy sụp.

Tôi luôn cho rằng tách riêng là chuyện hoang đường và các diễn biến thời gian qua chứng minh đúng như vậy. Nhờ vào toàn cầu hóa, Phố Wall có thể bán các khoản thế chấp độc hại của mình ra khắp thế giới. Dường như một nửa số thế chấp đã được xuất khẩu. Nếu không, Mỹ thậm chí còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn nữa.

Không chỉ có vậy, ngay cả khi nền kinh tế giảm tốc, xuất khẩu vẫn giữ cho nước Mỹ ổn định. Tuy nhiên, các yếu điểm ở Mỹ đã khiến đồng đôla suy giảm giá trị và gây thêm khó khăn cho châu Âu bán hàng hóa ở nước ngoài. Xuất khẩu yếu có nghĩa là một nền kinh tế yếu, và vì vậy Mỹ xuất khẩu sự suy sụp của mình còn sớm hơn cả việc xuất khẩu các khoản thế chấp độc hại.

Nhưng giờ đây, các vấn đề đang nẩy bật trở lại. Các khoản thế chấp xấu đang góp phần đẩy các ngân hàng châu Âu vào tình trạng phá sản. (Chúng ta xuất khẩu không chỉ các khoản nợ xấu mà cả các khoản cho vay rủi ro cao cùng với sự thực hành quản lý; rất nhiều trong số các khoản nợ xấu của châu Âu là dành cho người đi vay ở châu Âu).

Và khi những người tham gia thị trường nhận ra rằng lửa đã lan khắp từ châu Mỹ sang châu Âu, thì tất cả trở nên hoảng loạn.

Một phần của tình trạng này là do tâm lý. Nhưng một yếu tố khác là các hệ thống kinh tế và tài chính của chúng ta bó bện chặt chẽ với nhau. Các ngân hàng trên toàn thế giới vay và mượn lẫn nhau; họ mua và bán các công cụ tài chính phức tạp - đó là lý do các thực hành quản lý tồi ở một nước, dẫn tới các khoản nợ xấu, có thể lây nhiễm sang hệ thống toàn cầu.

Cách giải quyết

Chúng ta hiện đang đối mặt với vấn đề thanh khoản, một vấn đề về khả năng thanh toán và một vấn đề kinh tế vĩ mô.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của một thời kỳ suy giảm. Tất nhiên, đây là một quá trình điều chỉnh không thể tránh khỏi: vực giá nhà về mức thăng bằng và từ bỏ đòn bẩy quá mức (nợ) đã giữ cho nền kinh tế bong bóng hoạt động. 

Ngay cả khi chính phủ đã rót tiền cứu trợ, các ngân hàng sẽ không muốn, hoặc không thể, cho vay nhiều như trước kia nữa. Các chủ sở hữu nhà không muốn mượn quá nhiều. Các khoản tiết kiệm, đã xuống tới gần mức zero, sẽ tăng lên - một điều tốt cho nền kinh tế về dài hạn nhưng không tốt cho một nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Trong khi một số công ty lớn có thể ngồi trên một đống tiền thì các công ty nhỏ lại phụ thuộc vào các khoản vay không chỉ để đầu tư mà còn để luân chuyển vốn nhằm duy trì hoạt động.

Và đầu tư vào bất động sản - lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khiêm tốn của chúng ta suốt 6 năm qua - đã tụt xuống mức thấp chưa từng có trong 20 năm trở lại đây.

Chính phủ đã đổi hướng từ một giải pháp non kém sang một giải pháp khác. Phố Wall hoảng loạn, Nhà Trắng cũng vậy. Và trong cơn sợ hãi, người ta chật vật xác định cần phải làm gì. Những tuần mà ông Paulson và ông Bush dành để thúc đẩy kế hoạch giải cứu ban đầu do Paulson đề xướng - trước sự phản đối của nhiều người - là khoảng thời gian mà đáng ra nên được dùng để sửa chữa vấn đề.

Tại điểm này, chúng ta cần một phương pháp toàn diện. Một nỗ lực yếu ớt thất bại nữa có thể sẽ là thảm họa. Dưới đây là một biện pháp tổng thể gồm 5 bước.

1. Tái tư bản hóa các ngân hàng

Sau tất cả những thua lỗ, các ngân hàng giờ đây không còn đủ vốn. Trong hoàn cảnh hiện nay, họ sẽ có một khoản thời gian rất khó khăn trong gây dựng vốn. Chính phủ cần cung cấp vốn. Đổi lại, chính phủ sẽ có các cổ phần biểu quyết trong các ngân hàng được giúp. Nhưng những người giữ trái phiếu chính phủ cũng cần được bảo đảm. Hiện tại, thị trường đang hạ giá các loại trái phiếu này, vì khả năng vỡ nợ rất cao. Cần một sự hoán chuyển nợ thành vốn. Nếu làm được điều này, mức độ hỗ trợ mà chính phủ được yêu cầu sẽ giảm bớt rất nhiều.

Tin tốt là Bộ trưởng Ngân khố Paulson dường như cuối cùng đã nhận ra rằng đề xuất ban đầu của ông về việc mua cái mà ông gọi là các tài sản bị tịch biên là sai lầm. Việc Bộ trưởng Paulson đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này cũng gây lo ngại. Paulson quá chăm chú vào ý kiến về một giải pháp thị trường tự do đến mức không thể chấp nhận những gì các nhà kinh tế đề xuất với ông: rằng ông cần phải tái tư bản hóa các ngân hàng và chi lượng tiền mới nhằm bù đắp những thua lỗ mà các ngân hàng phải gánh chịu vì những khoản vay khó đòi.

Chính quyền giờ đang làm như vậy, nhưng có 3 câu hỏi được đặt ra: Một là, liệu đó có phải là một thỏa thuận công bằng cho người đóng thuế? Hai là, liệu có đủ sự giám sát và các giới hạn để đảm bảo rằng những điều tồi tệ trong quá khứ sẽ không tái diễn và hoạt động cho vay mới sẽ diễn ra? Ba là, liệu có đủ tiền?

Các ngân hàng không minh bạch nên không ai có thể trả lời đầy đủ câu hỏi này. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết hiện nay là khoảng cách trong tờ quyết toán dường như ngày càng lớn. Đó là do mới giải quyết được quá ít vấn đề.

2. Chặn đứng xu hướng tịch biên tài sản để thế nợ

Kế hoạch ban đầu của Paulson giống như một đợt truyền máu lớn cho một bệnh nhân bị xuất huyết nghiêm trọng bên trong cơ thể. Chúng ta sẽ không cứu được bệnh nhân này nếu chúng ta không làm gì đó liên quan tới xu hướng tịch thu tài sản để thế nợ.

Ngay cả sau khi đã được quốc hội duyệt, rất ít việc được thực hiện. Chúng ta cần phải giúp người dân được ở yên trong nhà của họ, bằng cách biến lợi tức thế chấp và sự khấu trừ thuế tài sản thành các khoản tín dụng thuế tiền mặt; bằng cách sửa đổi luật phá sản nhằm cho phép tổ chức sắp xếp lại - điều sẽ làm giảm giá trị của khoản thế chấp khi giá nhà thấp hơn giá của khoản thế chấp; và thậm chí việc vay từ chính phủ, giành được lợi thế từ chi phí các quỹ thấp hơn của chính phủ và chuyển các khoản tiết kiệm cho các chủ sở hữu nhà thu nhập trung bình và nghèo.

3. Kích thích hiệu quả

Giúp đỡ Phố Wall và ngăn chặn tình trạng tịch thu tài sản để thế nợ chỉ là một phần của giải pháp. Nền kinh tế Mỹ đã bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng và cần một tác nhân kích thích lớn. Chúng ta cần tăng bảo hiểm thất nghiệp; nếu các bang và các địa phương không được giúp đỡ, họ sẽ phải giảm chi tiêu vì nguồn thu từ thuế tụt giảm, và việc họ giảm chi tiêu sẽ dẫn tới sự thu nhỏ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để khởi động nền kinh tế, Washington phải tạo dựng các khoản đầu tư trong tương lai. Cơn cuồng phong Katrina và sự sụp đổ của cây cầu ở Minneapolis là sự kiện nhắc nhở chúng ta về mức độ cơ sở hạ tầng của chúng ta đổ nát đến như thế nào.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn và làm tăng sự phát triển trong dài hạn.

4. Khôi phục lòng tin thông qua cải cách quản lý

Nằm dưới các vấn đề chính là các quyết định tồi của các ngân hàng và sự thất bại trong quản lý. Những điểm này cần được giải quyết nếu muốn phục hồi lòng tin vào hệ thống tài chính của chúng ta.

Các cấu trúc quản trị doanh nghiệp - vốn dẫn tới các cấu trúc khuyến khích không hoàn hảo được thiết lập để trao giải thưởng hào phóng cho các CEO - cần được thay đổi và ngay cả các hệ thống khích lệ cũng vậy.

Đó không chỉ là mức độ bồi thường, mà còn là hình thức - các lựa chọn chứng khoán không minh bạch khuyến khích sự tính toán sai nhằm thổi phồng lợi nhuận.

5. Tạo ra một cơ quan đa phương hiệu quả

Vì kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết với nhau, chúng ta cần một sự giám sát tốt hơn trên toàn cầu.

Thật khó mà tưởng tượng được rằng thị trường tài chính của Mỹ lại có thể hoạt động hiệu quả nếu như chúng ta chỉ dựa vào 50 nhà quản lý bang khác nhau. Nhưng chúng ta đang cố gắng thực hiện một cách cơ bản ở cấp độ toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng gần đây cho một ví dụ về những mối nguy hiểm: vì một số chính phủ nước ngoài cung cấp các bảo đảm toàn bộ đối với các khoản tiền gửi của họ, tiền bắt đầu di chuyển tới cái dường như là thiên đường an toàn. Các nước khác buộc phải đối phó.

Một vài chính phủ châu Âu tỏ ra thận trọng hơn nhiều so với Mỹ trong việc xác định những điều cần thực hiện. Thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng lan khắp toàn cầu, Tổng thống Nicolas Sarkozy - trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 - đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thế giới để sắp xếp các nền móng cho sự quản lý thiên về nhà nước nhằm thay thế chính sách để mặc cho tư nhân giải quyết.

Chúng ta có thể đang ở một "thời khắc Bretton Woods" mới. Khi thế giới vượt qua cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến II, người ta nhận ra rằng cần phải có một trật tự kinh tế thế giới mới. Trật tự đó đã tồn tại hơn 60 năm qua. Nhưng nó không được điều chỉnh cho phù hợp với kỷ nguyên của toàn cầu hóa và điều này đã rõ từ lâu.

Giờ đây, sau khi thoát khỏi Chiến tranh Lạnh và Cuộc Đại khủng hoảng Tài chính, thế giới cần xây dựng một trật tự kinh tế mới cho thế kỷ 21, và điều đó sẽ bao gồm một cơ quan điều chỉnh toàn cầu mới.

Dấn bước

Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ trải qua một khoảng thời gian cực kỳ khốc liệt. Bởi vì, các kế hoạch mà nhiều người cho là tốt nhất cũng có thể không mang lại hiệu quả như dự tính.

Nhưng tôi tin tưởng rằng một chương trình toàn diện kết hợp với những điểm mà tôi vừa đề cập - ngăn chặn tịch biên tài sản, tái tư bản hóa các ngân hàng, kích thích nền kinh tế, bảo vệ người thất nghiệp, bảo vệ tài chính nhà nước, cung cấp các bảo đảm ở nơi cần và thích hợp, cải cách các quy định và các cấu trúc kiểm soát, thay thế những người quản lý và những người chịu trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế bằng những người tập trung nhiều hơn vào cứu nguy nền kinh tế hơn là cứu nguy phố Wall - sẽ không chỉ khôi phục niền tin mà trong thời gian nhất định còn làm cho nước Mỹ có khả năng đạt được tiềm năng hết mức của mình.

Các biện pháp nửa vời, mặt khác, chắc chắn sẽ thất bại vì chúng chỉ liên tiếp mang lại sự thất vọng.

Ở một đất nước mà đồng tiền rất được trân trọng, các lãnh đạo Phố Wall từng nhận được sự ngưỡng mộ của chúng ta. Họ có lòng tin của chúng ta. Họ được tin là đầu nguồn thông thái. Thời đại đã thay đổi. Những ngưỡng mộ, tin tưởng đó giờ không còn nữa. Quá tệ, bởi vì các thị trường tài chính là rất cần thiết cho một nền kinh tế hoạt động tốt. Nhưng hầu hết người Mỹ tin rằng những người ở Phố Wall nhiều khả năng sẽ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của phần còn lại của đất nước.

Nếu Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ được coi là có chính sách bị Phố Wall chi phối quá mức và những chính sách đó không mang lại hiệu quả thì tuần trăng mật của ông ta sẽ ngắn chẳng tày gang. Đó sẽ là một tin tức tồi tệ đối với ông ta, với nước Mỹ và toàn thế giới.

( Cổng thông tin kinh tế )

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Chống lạm phát sẽ “cán đích” sớm ? (14/11)
  • Khủng hoảng tài chính: hệ lụy từ 50 năm trước
  • Lạm phát năm 2009 sẽ không ở mức 12%-14%
  • Lạm phát tại Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống 3% trong năm 2009
  • Các quỹ đầu tư lớn trước cơn bão khủng hoảng tài chính
  • Sức tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính
  • Suy thoái “gõ cửa” các nước đang phát triển
  • Giám đốc IMF kêu gọi: Thắt chặt thị trường tài chính toàn cầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!