Các nước Trung và Đông Âu đang rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế. Giới chuyên gia cảnh báo là nếu khu vực này không được cứu giúp khẩn cấp thì chính các nước Tây Âu cũng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề và tình trạng này đào sâu thêm hố ngăn cách về phát triển giữa hai nhóm nước Đông và Tây tại Châu Âu.
Tình hình kinh tế Trung và Đông Âu bi đát.
Sau gần một thập niên có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức trung bình thế giới, nền kinh tế khu vực Trung và Đông Âu có chiều hướng co thắt lại trong năm 2009 và nhiều quốc gia sẽ bị suy thoái nghiêm trọng. Các nước vùng Baltic như Estonia, Litva, Latvia đang phải đối đầu với việc sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội ở mức hai con số. Cộng hoà Séc, Slovaquia và Slovenia khó đạt được tỷ lệ tăng trưởng trên số 0. Còn nền kinh tế của Hungary và Latvia đã phải cầu cứu đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vào cuối năm ngoái.
Theo giới chuyên gia, có hai nguyên nhân chính làm cho kinh tế các nước Trung và Đông Âu đi xuống : đó là suy giảm xuất khẩu và khan hiếm tài chính. Xuất khẩu là động lực chủ chốt của các nền kinh tế trong khu vực, chiếm tới 80%, thậm chí 90% tổng sản phẩm quốc nội của cộng hòa Séc, Hungary và Slovaquia. Giờ đây, những thị trường nhập khẩu lớn của các nước này là khu vực đồng Euro cũng đang bị suy thoái. Khủng hoảng tài chính trên thế giới đã thu hẹp luồng vốn đổ vào khu vực Trung và Đông Âu. Theo Học viện Tài chính Quốc tế, nguồn vốn tư nhân ngoại quốc đưa vào các thị trường đang trỗi dậy tại Châu Âu dự kiến sẽ giảm từ 254 tỷ đô la trong năm 2008 xuống chỉ còn khoảng 30 tỷ trong năm 2009. Trong khoảng một thập niên qua, các nước Trung và Đông Âu đã huy động dễ dàng các khoản tín dụng bằng ngoại tệ để phát triển kinh tế, dẫn đến tình trạng mất cân đối về thu chi ngoại tệ còn trầm trọng hơn cả các nước Châu Á trước khi xẩy ra khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 90. Trong giai đoạn 1995-1997, thâm thủng cán cân vãng lai của một số nước Đông Nam Á chỉ tương đương từ 3 đến 8,5% tổng sản phẩm nội địa, còn tại Rumani, Bulgari và ba nước vùng Baltic tỷ lệ này trong năm 2008 cao hơn 10%.
Ngoài hai yếu tố nói trên, việc đồng tiền quốc gia bị tuột giá liên tục đã làm cho tình hình kinh tế các nước Trung và Đông Âu thêm bi đát. Từ mùa hè năm ngoái đến nay, đồng zloty của Ba Lan mất giá 48% so với đồng Euro, đồng Forint Hungary 30% và đồng Krona của Séc 23%. Việc thanh toán nợ gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đa số các khoản tín dụng đi vay trước đây đều bằng ngoại tệ. Tại Ba Lan, số nợ bằng ngoại tệ của các hộ gia đình đã tăng gấp ba trong vòng ba năm, tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội. Tại Hungary, tỷ lệ này lên đến 62%.
Tây Âu phải ra tay giúp đỡ
Vào cuối năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cung ứng tín dụng khẩn cấp cho Hungary và Ukraina. Thứ hai vừa qua, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã nhắc nhở Châu Âu phải giúp đỡ nhiều hơn nữa cho vùng Trung và Đông Âu. Đồng thời, định chế này cũng cho biết là sẽ chi khoảng 7,5 tỷ euros dưới dạng tín dụng và bảo đảm rủi ro cho các ngân hàng trong khu vực, tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng và hỗ trợ thương mại.
Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ tiền tệ Joaquin Almunia đã phải trấn an rằng Liên minh Châu Âu sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ các nước Trung và Đông Âu. Nhấn mạnh đến sự liên kết kinh tế Đông - Tây, đại diện Liên minh Châu Âu cho biết là đến nay, 18 thành viên, chiếm hơn 90% tỷ trọng kinh tế của khối, đã cam kết đưa ra các kế hoạch chấn hưng kinh tế hơn 300 tỷ euros hỗ trợ vốn các ngân hàng và hơn 2500 tỷ euros bảo đảm cho các khoản tín dụng.
Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết - Phát triển Châu Âu và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đã phối hợp đưa ra một kế hoạch 25 tỷ euros giúp đỡ cho các định chế tài chính khu vực Trung và Đông Âu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu sẽ cấp khoảng 11 tỷ euros tín dụng cho các doanh nghiệp ở Đông và Nam Châu Âu.
Các động thái trên cho thấy, mặc dù đang phải đương đầu vơí suy thoái, nợ nần, nhưng các nước Tây Âu không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng khốn đốn của các nước Trung và Đông Âu. Theo giới chuyên gia, cái giá mà Tây Âu phải trả khi không hành động có thể còn cao hơn là ra tay giúp đỡ. Bởi vì các ngân hàng Tây Âu đã có nhiều liên hệ làm ăn với các thị trường này.
(Nguồn: Thường vụ Việt Nam tại Pháp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com