Số người tự tử được dự báo sẽ tăng mạnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) do khủng hoảng kinh tế.
Khủng hoảng kinh tế khiến người dân bị stress Ảnh: Reuters |
Từ tháng 8/2008 đến tháng 1/2009, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng của trung tâm ngăn ngừa tự sát Samaritan Befrienders ở Hong Kong tăng đột biến, đến mức không có người để trả lời.
Agnes Chiu, giám đốc trung tâm, cho rằng, về ngắn hạn, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đối với hội chứng tự tử chưa rõ ràng nhưng, về lâu dài, rất đáng lo ngại. Cũng theo ông Chiu, tỷ lệ người tự tử tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 là bằng chứng rõ ràng nhất.
Khủng hoảng kinh tế khiến hàng triệu người châu Á thất nghiệp, những người khác mất khoản tiền dành dụm được sau khi dốc hết vào các quỹ đầu tư. Tỷ lệ người dân châu Á bị stress tăng mạnh, nhưng hầu hết không muốn tìm các giải pháp trị liệu về tinh thần.
Chính quyền ở các nền kinh tế châu Á đang khẩn trương lập đường dây nóng, trung tâm tư vấn miễn phí nhằm ngăn ngừa những người tìm đến cái chết do khủng hoảng kinh tế. Tại Hàn Quốc, rào chắn được dựng lên tại ga tàu điện ngầm nhằm ngăn chặn hội chứng lao mình xuống trước tàu và các trang web kích động tự tử cũng bị đóng cửa.
“Nhiều người châu Á chỉ làm việc mà không có bất kỳ điều gì khác khiến cuộc sống thú vị hơn. Nếu mất việc, cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn”, Paul Yip, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ngăn ngừa Tự tử ở Hong Kong, nói.
Cũng theo ông Yip, châu Á chưa có hệ thống an sinh xã hội tốt, nên khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ tự tử thường tăng mạnh. Số lượng người dân tìm đến trung tâm của ông Yip để được tư vấn tăng đột biến những tháng gần đây.
Tại Hong Kong, nơi tỷ lệ tự tử lên tới 17,4 người trên 100.000 cư dân, chính quyền chưa thực thi biện pháp đồng bộ nào để ngăn ngừa. Các đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ đều ra đời một cách tự phát do tổ chức và cá nhân tài trợ. Chính quyền cũng chưa cho dựng rào chắn tại nhà ga tàu điện ngầm, nơi thường xảy ra tự tử.
Trước thực tế trên, các nhà hoạt động xã hội ở Hong Kong bày tỏ lo ngại tỷ lệ tự tử sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Pinky Yung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục & Hỗ trợ Khủng hoảng, cho biết đã đón hơn 2.300 người từ giữa tháng 10/2008 và hầu hết mất khoản tiền dành dụm được cho các quỹ đầu tư.
Khác với Hong Kong, tại Mỹ, mỗi năm ước tính có 800.000 người muốn tự tử nhưng, nhờ hệ thống an ninh xã hội hoạt động tốt, số thiệt mạng vì vấn nạn này còn 32.000 người - tỷ lệ 11,1 trên 100.000 cư dân.
Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc tăng gấp đôi trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây mười năm khiến chính quyền lo ngại vấn nạn trên sẽ tái diễn. Theo thống kê của Bộ Y tế, số người có ý định từ bỏ cuộc sống do vấn đề tài chính tăng gấp đôi vào năm 2008 so với năm trước đó. Bằng việc lập thêm đường dây nóng, trung tâm tư vấn, chính quyền Hàn Quốc hi vọng tới năm 2013 có thể giảm 20 phần trăm tỷ lệ tự tử hiện nay.
Tại trung tâm công nghiệp Aichi, thủ phủ của các tập đoàn sản xuất hàng đầu Nhật Bản, số người tìm đến các trung tâm tư vấn tăng 15 phần trăm vào tháng 12/2008 so với một năm trước. Chính quyền Nhật Bản lên kế hoạch lắp rào chắn tại mọi nhà ga tàu điện ngầm trong giai đoạn 2010 – 2017.
(Theo TPO/Reuters, Time)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com