Từ đầu năm đến nay, các nước thuộc khu vực đồng tiền chung Eurozone đã nỗ lực rất nhiều trên con đường khôi phục kinh tế. Nhưng trớ trêu thay, sự nỗ lực này lại không được đền đáp, trái lại Eurozone lại đang lo lắng, một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia có thể sẽ đổ bộ vào khu vực này.
Do vấn đề nợ chính phủ bắt nguồn từ lâu, việc một số nước như Hy Lạp bùng phát trước vấn đề nợ tín dụng quốc gia có thể nằm trong dự đoán. Từ năm 2004, chính phủ Hy Lạp đã thừa nhận rằng, để gia nhập Eurozone, Hy Lạp đã “nhúng tay” vào các số liệu thâm hụt tài chính. Trên thực tế, mấy năm trở lại đây, Hy Lạp vẫn chưa thể tuân thủ quy định tỷ lệ thâm hụt ngân sách của các nước thành viên không được phép vượt quá 3% GDP mà Liên minh châu Âu đặt ra. Ngoài Hy Lạp, ngay cả Đức – một quốc gia có giàu có về kinh tế cũng đang tồn tại các vấn đề tài chính nghiêm trọng. Các quan chức của Đức dự đoán, tỷ lệ thậm hụt ngân sách liên bang của Đức trong năm 2010 chiếm trong GDP sẽ tăng lên 6%, tỷ lệ nợ công chiếm trong GDP cũng tăng từ 73% lên 78%, đều đã vượt qua phạm vi yêu cầu của EU.
Đúng như những gì mà báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đã cảnh báo, do đã tích lũy một khoản nợ công khổng lồ trong cuộc khủng hoảng tài chính, những nước như Pháp, Đức từ lâu có xếp hạng tín dụng 3A có thể vấp phải cuộc “khủng hoảng tài chính” trong nhiều năm tới. Các nước khác như Áo, Luxembourg, Thụy Sĩ, cũng có nguy cơ tương tự. Moody cho rằng, làm thế nào để xử lý việc cân bằng tài chính là vấn đề hàng đầu để ngăn chặn rủi ro tín dụng.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan xếp hạng tín dụng này đánh giá về tình trạng tài chính quốc gia của các nước Eurozone. Do mức nợ công cao ngất ngưởng, tín dụng quốc gia của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng tiếp tục bị hạ thấp.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, nền kinh tế vĩ mô toàn cầu và khủng hoảng hệ thống tài chính có thể sắp chấm dứt, nhưng khủng hoảng tài chính có thể vẫn kéo dài trong nhiều năm với một số quốc gia. Tốc độ và tính lâu dài của tăng trưởng kinh tế cũng như chiều hướng lãi suất sau này đều có thể ảnh hưởng tới năng lực quản lý gánh nặng nợ nần của các nước.
Theo thống kê, nợ công toàn cầu từ năm 2007 – năm 2010 sẽ tăng khoảng 15300 tỷ USD, 80% trong đó đến từ nhóm G7. Các nhà phân tích cho rằng, trong khi các nước có liên quan thi hành các gói kích thích kinh tế, cần phải cân nhắc đến tính lâu dài của chính sách, tránh gây ra nguy cơ mới.
Tín dụng quốc gia bị hạ thấp sẽ trực tiếp gây ra một loạt các vấn đề như chi phí bơm vốn của chính phủ tăng cao, vốn bị chảy ra ngoài, tiền tệ mất giá… Nếu xuất hiện tình trạng này, ngân hàng trung ương thường sẽ buộc phải lựa chọn nâng lãi suất để ổn định tiền tệ, điều này sẽ kìm chế kinh tế phục hồi. Thành viên điều hành chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Lorenzo Roubini Smaghi cho rằng, “Trước cuối năm 2010, Hy Lạp cần phải thực hiện được cải cách kinh tế, khôi phục xếp hạng trái phiếu chính phủ Hy Lạp lên hạng A, như vậy mới có thể nhận được các khoản vay từ ECB”.
Tuy nhiên, thực tế là, vấn đề nợ của khu vực Eurozone trong thời gian ngắn khó mà giải quyết. Tình hình việc làm trầm trọng đã khiến chính phủ của các nước Eurozone không dám thực hiện các sách lược rút lui. Hay nói cách khác, đứng trước tỷ lệ thất nghiệp cao, ECB chưa sẵn sàng nâng lãi suất quá sớm, các nước cũng không muốn chấm dứt các kế hoạch kích thích quá sớm trước khi tin rằng nền kinh tế đã phục hồi.
Theo số liệu mới nhất mà Cục thống kê EU công bố, tháng 10/2009, sau khi điều chỉnh mùa vụ, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn cao lên tới 9,8%, mức cao nhất từ tháng 12/1998 đến nay. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năm sau số người thất nghiệp của Eurozone sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt ngưỡng 10%, tỷ lệ thất nghiệp này tiếp tục tăng sẽ kìm chế chặt chi tiêu tiêu dùng, có thể cản trở nền kinh tế Eurozone quay về quỹ đạo tăng trưởng ổn định.
Mặc dù áp lực tài chính của chính phủ khó giảm bớt và tỷ lệ thất nghiệp cũng khó giảm xuống, nhưng nhìn chung, nền kinh tế Eurozone đã vượt qua thời khắc u ám nhất. Sau khi bước vào mùa hè, nền kinh tế của 16 nước tại Eurozone đã chuyển biến tích cực, quý III đã xuất hiện mức tăng trưởng nhẹ 0,4%. Điều này cho thấy, kinh tế Eurozone đã chính thức bước ra khỏi suy thoái. Tổ chức Hợp tác Kinh tế OECD dự đoán, nền kinh tế Eurozone trong năm 2010 tăng trưởng nhẹ 0,9%.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com