Trong lúc các tổ chức Nghiên cứu kinh tế uy tín thế giới dự báo về lạm phát Việt Nam năm 2012 chỉ quanh mốc 9%, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lại đưa ra con số khá sốc: 6,2%.
Con số này được Tiến sĩ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm cộng sự đưa ra trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2012 mang tên “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”.
Trong báo cáo nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu cập nhật tháng 5.2012 vừa công bố, Bộ phận Nghiên cứu (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) vẫn dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 13,8%. Còn trong dự báo lạc quan nhất của mình, Ngân hàng Thế giới cũng chỉ “dám” hạ dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam từ 10,15% xuống còn 9%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của VEPR vẫn cho rằng lạm phát năm nay “sẽ thấp một cách kỳ lạ”. Và trong kịch bản bi quan nhất thì tỉ lệ lạm phát cũng chỉ ở mức 6,2%.
“Phương pháp dự báo về tỉ lệ lạm phát của chúng tôi có thể không giống với các tổ chức khác. Đó cũng là điều bình thường. Chúng tôi có cơ sở để lập luận rằng lạm phát 2012 sẽ thấp một cách kỳ lạ. Và đó không phải là dấu hiệu tốt”, ông Thành cho biết.
Theo ông, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát dựa trên những thông tin hiện hành và có phương pháp để tính toán lạm phát năm nay biến động như thế nào. Nhóm của ông nhận thấy rằng nó đang đi vào thời kỳ thiểu phát sâu, tức lạm phát ở mức rất thấp, thậm chí có khả năng âm nhẹ trong các tháng tới. Biểu hiện là lạm phát theo tháng đang tiếp tục đà giảm và trong lịch sử 15 năm gần đây của Việt Nam, điều này chỉ diễn ra trong một vài tháng của năm 2000.
Theo đó, 2 kịch bản dự báo được ông Thành và các cộng sự xây dựng cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2012 có nhiều khả năng thấp nhất kể từ năm 2000. Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng kinh tế rất chậm, tổng cầu bị suy kiệt, do đó mức tăng trưởng kinh tế được dự báo chỉ khoảng 4,4%. Kịch bản thứ hai, với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, sẽ xảy ra nếu các nút thắt kinh tế vĩ mô hiện nay được tháo gỡ, nhưng cũng chỉ đạt mức 5,1%. Tương ứng với các mức tăng trưởng đó, lạm phát cả năm 2012 cũng chỉ trong vùng 4,6 - 6,2%.
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, trong khi một số tổ chức tên tuổi như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo lạm phát của Việt Nam chỉ khoảng 13-14%, một vài tổ chức khác dự báo khoảng 12%, thì VEPR đã cảnh báo lạm phát cả năm 2011 tối thiểu cũng phải 18-19%. Lúc đó, đã có rất nhiều người không đồng tình với VEPR. Tuy nhiên, cuối cùng, lạm phát cả năm 2011 đã vọt lên mức 18,12%, đúng như dự đoán của tổ chức này.
Theo NCĐT
-------------------------------------
Vài năm trở lại đây, ngay cả khi tăng trưởng được coi là ưu tiên hàng đầu, vẫn luôn có những tranh luận xung quanh việc nên ưu tiên tăng trưởng hay ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù về lý thuyết vẫn có thể vừa tăng trưởng vừa đảm bảo ổn định nếu nền kinh tế khắc phục được các vấn đề yếu kém trầm kha. Câu hỏi đặt ra là: Cần giảm tăng trưởng bao nhiêu để giảm lạm phát tới mức có thể chấp nhận được? James Riedle, Giáo sư Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins và là chuyên gia của dự án STAR thuộc Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nói, vẫn chưa có một câu trả lời xác đáng nào vì câu trả lời phụ thuộc vào vấn đề tâm lý hơn là kinh tế. "Nếu các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp đều tin rằng, các chính sách của Chính phủ sẽ có hiệu quả trong việc giảm lạm phát, thì mục tiêu giảm lạm phát sẽ đạt được tương đối nhanh chóng và ít gây tổn thương cho nền kinh tế. Nhưng nếu họ không tin tưởng vào các chính sách này hoặc nghi ngờ Chính phủ sẽ thay đổi sang chính sách khác, thì mục tiêu giảm lạm phát có lẽ sẽ còn kéo dài dai dẳng và tốn nhiều công sức, của cải. Cái giá phải trả cho việc giảm lạm phát càng cao, thời gian để đạt được nó càng dài thì chính phủ lại càng dễ buông xuôi chính sách và các doanh nghiệp cũng như kinh tế hộ gia đình lại càng mất niềm tin rằng, chính sách này sẽ thành công", ông phân tích. Về lâu dài, vẫn theo ông James Riedle, một chương trình cải cách triệt để nhằm tăng tính hiệu quả của nền kinh tế là cần thiết cho cả hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định, trong đó đặc biệt cần chú trọng đến vấn đề hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, theo ông Phạm Thế Anh, một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua có nhiều động thái điều hành không hợp lý, "làm khó" cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tăng trưởng cung tiền ở mức 20% là cao một cách bất hợp lý Chẳng hạn, hàng năm Ngân hàng Nhà nước thường đồng thời công bố hai mục tiêu là tăng trưởng cung tiền và mục tiêu lạm phát. Ví dụ như năm 2010, cơ quan này đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền là 20% và mục tiêu lạm phát là 8%. Đây là những mục tiêu mà theo chuyên gia này là "chứa đựng nhiều mâu thuẫn". "Việc theo đuổi tăng trưởng cung tiền ở mức cố định sẽ khiến cho chính sách tiền tệ mất đi tính linh hoạt trong việc kiểm soát lạm phát. Rõ ràng, chúng ta không thể đồng thời vừa tăng cung tiền vừa cắt giảm lạm phát trong trường hợp cần thiết. Quan trọng hơn, ấn định mục tiêu tăng trưởng cung tiền ở mức 20% là cao một cách bất hợp lý. Việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cung tiền quá cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc lạm phát thực tế vượt xa mức mục tiêu, gây ra bong bóng giá trên thị trường tài sản", ông Phạm Thế Anh phân tích. Về lý thuyết, để thực hiện quy tắc mục tiêu lạm phát, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước thường dùng công cụ lãi suất cơ bản để từ đó tác động đến các loại lãi suất khác và tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất này thường được coi là chậm chạp, tức là chỉ phản ứng sau khi lạm phát đã xảy ra, và thiếu tính ngăn chặn.
nguồn: DDDN
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com