Thông tin về việc giá xăng trong nước hiện nay thấp hơn 10% so với giá xăng dầu thế giới khiến dư luận nghi ngại khả năng tăng giá xăng một lần nữa.
Theo TS. Phạm Đỗ Chí, chỉ số CPI có thể đã tăng 9% trong 4 tháng đầu năm, lạm phát có thể lên tới gần 20% vào quý III và sau đó mới hy vọng giảm. Công ty Chứng khoán HSC cũng cho rằng, "cơn bão giá" kéo dài đến tháng 7 mới có thể chấm dứt.
Tỷ giá VND/USD đang ổn định, nhưng áp lực tăng tỷ giá khoảng 10% vẫn còn, do chênh lệch tỷ giá thực và tỷ giá hiện tại là 6%. TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, tiền lương, giá vàng, giá lương thực trên thế giới đều được dự báo sẽ tăng. Như vậy, với hai nguyên nhân dẫn đến lạm phát là cầu kéo và chi phí đẩy thì chỉ có thể tác động mạnh vào sức cầu bằng cách giảm cung tiền. Thắt chặt tài khóa, giảm đầu tư công, giảm tăng trưởng tín dụng để giảm cung tiền vào nền kinh tế là các biện pháp đang được Chính phủ quyết liệt triển khai.
Ông Anh phân tích, cung tiền đã tăng quá cao từ 30% đến 40%/năm trong nhiều năm qua. Dư địa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào thâm dụng vốn đã không còn, khi mà lạm phát cứ đến rồi lại đi theo chu kỳ siết, mở tín dụng. Bình luận về chính sách giảm cung tiền, ông Anh cho rằng, nếu thực hiện thắt chặt như những gì Chính phủ đã đưa ra thì đến quý III lạm phát sẽ giảm. Tuy nhiên, đây là một mệnh đề có điều kiện "nếu… thì". Các chuyên gia kinh tế khác cũng đặt ra một số các điều kiện như nếu không có biến động tăng giá xăng, điện…thì lạm phát mới ổn định. Tuy nhiên, những yếu tố "nếu" này luôn "rình rập" chỉ số lạm phát, bởi trong các năm trước, Chính phủ đã giữ giá xăng dầu, điện, giá than, nhưng từ năm nay, giá các mặt hàng cơ bản này theo lộ trình sẽ được thị trường hóa, để thiết lập mặt bằng giá mới theo mặt bằng giá chung của thế giới.
Áp lực với lạm phát còn ở phía trước thì TTCK còn tiềm ẩn rủi ro. Thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu ngân hàng phải tăng dự trữ bắt buộc để gói giải pháp kiềm chế lạm phát đủ mạnh khi giá cả đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, thị trường cũng hy vọng giải pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện một cách nhuần nhuyễn hơn, kết hợp chính sách tài chính và tài khóa, đầu tư công tiếp tục cắt giảm. Theo nhiều chuyên gia, con số 3.400 tỷ đồng giảm đầu tư công vẫn chưa thấm vào đâu so với 63.000 tỷ đồng (tương đương 2% GDP) cần cắt giảm. Giảm tăng trưởng tín dụng và giảm đầu tư công mới chỉ là cách làm đúng sách giáo khoa. Trên thực tế, không thể bắt người khỏe cũng như người có bệnh uống liều thuốc đắng như nhau. Các ngân hàng tốt xấu đều tăng trưởng tín dụng như nhau. Ngân hàng tốt phải được ưu tiên tăng trưởng cao hơn. Lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế phải được dẫn dắt vào kênh đầu tư hiệu quả.
Vấn đề đã được thực tế chứng minh từ nhiều năm nay là khối DN tư nhân đóng góp ngày càng lớn vào GDP, tạo ra nhiều việc làm hơn, nhưng tiếp cận vốn khó khăn hơn nhiều với khối DN nhà nước. Thành phần kinh tế tư nhân đang phải co cụm đầu tư do phải gánh lãi suất vay vốn quá cao. Chừng nào cơ cấu sử dụng vốn của nền kinh tế chưa thay đổi thì lạm phát lại cứ đi, rồi lại đến theo chu kỳ tăng, giảm tín dụng, tăng giảm giá các nguyên liệu đầu vào cơ bản, gây bất ổn xã hội, cho DN và TTCK.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com