Theo dự đoán, lạm phát tại Trung Quốc sẽ bắt đầu chững lại trong những tháng tới. Tuy nhiên, liệu có quá sớm để Trung Quốc “thở phào nhẹ nhõm” trước cuộc chiến chống lạm phát này. Với mức tăng trưởng đạt gần 10% trong quý đầu năm, Trung Quốc có thể sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2011. Đây chắc chắn là tin tốt đối với nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi phụ thuộc vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và phát triển.
Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người đang “đau đầu” với việc chống lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này trong quý đầu năm không phải là điều thú vị. Số liệu công bố mới đây cho thấy, quý 1/2011, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,7% cùng với mức lạm phát 5,4%, mức kỷ lục trong vòng 32 tháng.
Đối với phần còn lại của thế giới, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong quý đầu năm không chỉ là động cơ chính cho tăng trưởng thế giới trong khi các nền kinh tế công nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức giới hạn, mà còn thúc đẩy Trung Quốc tái cân bằng kinh tế trong nước.
Tính cả quý 1, thâm hụt thương mại của Trung Quốc lên tới 1,02 tỷ USD, đây là quý thâm hụt đầu tiên của Trung Quốc trong vòng 6 năm. Điều này cho thấy Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng âm.
Nhiều người tin rằng, sự thành công của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh tiêu dùng trong nước là yếu tố quan trọng để giúp nền kinh tế của đất nước cũng như nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững hơn. Điều này có thể xảy ra, bởi tiêu dùng đóng góp 5,9 điểm phần trăm, trong khi đầu tư đóng góp 4,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng trong quý 1.
Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc khó khăn hơn trong việc kiềm chế lạm phát so với mục tiêu 4% mà chính phủ nước này đề ra do giá lương thực và hàng hóa tăng cao.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể nhằm kiểm soát sự tăng giá. Để hạn chế tính thanh khoản quá mức khiến lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nhiều lần tăng lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại kể từ cuối năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tại Trung Quốc tăng cao trong tháng Ba là giá dầu tăng cao trên toàn cầu khiến hàng nhập khẩu cũng như giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng cao.
Vì vậy, cần thận trọng trong việc đánh giá những “tác dụng chậm” của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm bảo vệ nền kinh tế bị tổn thương.
Nếu theo dự đoán, lạm phát tại Trung Quốc sẽ bắt đầu chững lại trong những tháng tới.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng sự không chắc chắn này khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng và áp lực lạm phát tại Trung Quốc sẽ gia tăng khi tăng trưởng thu nhập được thúc đẩy.
Vì vậy, vẫn còn quá sớm để Trung Quốc “thở phào nhẹ nhõm” trước cuộc chiến chống lạm phát này.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com