Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát không phải hiện tượng tâm lý

 Chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào thực hiện chương trình thắt chặt tiền tệ nhằm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi lạm phát, với sự hỗ trợ của phương tiện chính là phân bổ tín dụng.

Chính sách này sẽ giúp điều chỉnh nguồn vốn nhà nước bị phân bổ kém hiệu quả, đồng thời góp phần làm chậm lại tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc, khi tỷ lệ lạm phát quốc gia hiện đang tăng quá nhanh. Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa đang tăng ở mức 20%, và phần nhiều trong số đó là nhờ lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát dự kiến vẫn tăng đều, dù các nhà hoạch định chính sách đã cho tăng lãi suất. Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất thứ tư trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất tổng thể vẫn được coi là nhỏ.

Sức mạnh quản lý không thể kiềm lạm phát

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã quá chậm trễ. Lạm phát sắp tiến tới mức khủng hoảng, bởi giá tiêu dùng của các sản phẩm và dịch vụ đã tăng ở mức hai con số. Đã có dấu hiệu hoảng sợ, và khi nó lây lan có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội lớn.

Tuy nhiên, vẫn chưa hết những vấn đề bất cập. Bằng việc đẩy nguồn vốn vào tay những người sử dụng kém hiệu quả trong bối cảnh lãi suất thực âm, nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào tình trạng lạm phát suy thoái. Trong khi đó, người dân lại lo sợ rằng chính phủ muốn thổi phồng giá trị đồng tiền của họ.

Hiện vẫn chưa bùng phát một cuộc khủng hoảng trầm trọng là do vẫn có niềm tin rằng đồng Nhân Dân Tệ sẽ tăng giá trị. Nếu không nhờ có giả định này thì dòng vốn từ Trung Quốc đã bị chảy ra bên ngoài ồ ạt.

Muốn chuyển hướng dòng chảy đó thì chính sách thắt chặt phải thay đổi cách phân bổ tín dụng và tuân theo các cơ chế thị trường. Hơn nữa, lãi suất không được để ở mức âm mà phải được tăng ít nhất 3 điểm phần trăm để giảm bớt lo ngại của công chúng. Những thay đổi này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Quá nhiều giới chức Trung Quốc tin vào sức mạnh tâm lý, đặc biệt là khả năng đẩy lùi lạm phát. Nhưng lạm phát không phải là một hiện tượng tâm lý, nó hoàn toàn là một hiện tượng tiền tệ. Dư cung tiền tệ sẽ kéo theo đó là lạm phát. Kiềm chế lạm phát nghĩa là phải kiềm chế mức cung tiền tệ với tỷ lệ tương xứng với sản xuất.

Thậm chí nếu đòn tâm lý thành công, giả dụ như thuyết phục được người dân tin vào điều trái với thực tế là chưa xảy ra lạm phát, thì ảnh hưởng của nó cũng không thể kéo dài. Chẳng sớm thì muộn người dân cũng sẽ nắm được tình hình.

Không những thế, sự lừa phỉnh tâm lý này có khi còn phản tác dụng. Khi người dân đột nhiên phát hiện ra rằng họ bị lừa, họ sẽ không tiếp tục đặt niềm tin vào chính phủ, ngay cả khi tình hình lạm phát đã dịu đi thực sự. Khi đó các nhà hoạch định chính sách sẽ phải có phản ứng với chính sách thắt chặt tiền tệ, phóng đại những mục tiêu để làm yên lòng người dân. Và hậu quả không thể tránh khỏi là một cuộc suy thoái mà không ai muốn có.

Sức mạnh quản lý cũng không thể kiềm chế làm phát. Thậm chí một chính phủ quyền lực nhất cũng không thể mạnh hơn thị trường. Nhưng do người Trung Quốc rất tôn sung quyền lực quản lý của chính phủ nên vẫn có nhiều người cho rằng chính phủ của họ sẽ đẩy lùi lạm phát bằng cách buộc các doanh nghiệp và thương gia giảm giá các mặt hàng.

Gần đây có thể thấy một vài ví dụ về sự can thiệp này. Tuy nhiên, việc buộc các doanh nghiệp giảm giá thành chỉ là một biện pháp tạm thời. Với một bộ phận doanh nghiệp, chi phí đầu vào vẫn tăng 20% mỗi năm, và nếu không tăng giá sản phẩm thì họ sẽ không thể tồn tại. Khi phải chịu áp lực giảm giá từ phía chính phủ, họ sẽ phải dừng sản xuất hoặc tìm những phương cách khác để tăng doanh thu. Chẳng hạn, họ có thể sẽ giảm khối lượng hay thể tích sản phẩm, hoặc đóng gói lại những sản phẩm cũ để bán như sản phẩm mới.

Các doanh nghiệp nhà nước có thể dùng trợ cấp hoặc vốn vay để giảm tốc độ tăng giá. Ví dụ, các khoản vay ngân hàng đã bao gồm cả những khoản thua lỗ do các công ty nhiệt điện đưa ra. Gần như tất cả các công ty điện lực của Trung Quốc đều thua lỗ, nhưng họ vẫn tồn tại là nhờ những khoản vay này, và về cơ bản là đẩy gánh nặng lạm phát cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có không ít tác dụng phụ, một trong số đó là tổn hại đến sức khỏe con người. Các công ty điện lực giảm thiểu chi phí bằng cách sử dụng than kém chất lượng hoặc tắt hệ thống lọc khí, và chính người dân sẽ phải hứng chịu lượng khói độc hại này. Tất nhiên, biện pháp kiểm soát giá cả của các công ty điện lực dựa trên phương diện quản lý cũng phần nào giúp kiềm chế lạm phát, nhưng liệu đây có phải là chính sách hiệu quả cho cả nước nói chung?

Hiện nay có rất ít công ty nhận được tín dụng ngân hàng, do đó khi cần vốn họ phải tìm đến thị trường xám với mức lãi suất thường là trên 20%. Rất nhiều công ty, nếu không muốn nói là hầu hết, sẽ không thể cầm cự lâu dài nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.

Lạc quan mà nói thì hầu hết những công ty tư nhân đi vay vốn đều nghĩ rằng, tình hình tín dụng hiện tại chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn còn dai dẳng và phương pháp tiếp cận tín dụng thắt chặt của chính phủ vẫn không thay đổi thì danh sách những công ty tư nhân bị phá sản sẽ ngày một dài thêm.

Cơ chế phân bổ nguồn vốn của Trung Quốc dường như ưu ái khu vực kinh tế nhà nước hơn khu vực tư nhân. Ngân hàng vẫn tiếp tục cho những công ty nhà nước vay vốn, chỉ đơn giản vì đó là sở hữu của chính phủ. Hầu hết các quỹ vốn được huy động từ các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hongkong đều dành cho các doanh nghiệp quốc doanh. Chính quyền địa phương thu được khoản tiền lớn từ các hoạt động đấu giá và đánh thuế mua bán bất động sản.

Kết quả là, chi tiêu của chính phủ tăng thêm bằng một phần của GDP. Trên thực tế, chi tiêu của chính phủ và của các doanh nghiệp quốc doanh có thể chiếm đến phân nửa GDP. Con số này đến nay vẫn được coi là cao nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng không áp dụng mô hình phổ biến ở châu Âu, nơi mức doanh thu khá lớn của chính phủ sẽ được phân bổ lại.

Nhìn trên góc độ lịch sử thì chi dùng của chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh có xu hướng kém hiệu quả. Có vô số bằng chứng cho tình trạng yếu kém này ở Trung Quốc, nơi những dự án tượng trưng vẫn "đâm chồi" như nấm sau mưa.

Lạm phát là sản phẩm phụ của sự kém hiệu quả. Khi số tiền chi dùng vào các hoạt động hiệu suất thấp không tạo ra được nhiều sản phẩm và dịch vụ hấp thu lại số tiền đó thì làm phát sẽ xảy ra.

Việc phân bổ tín dụng đang khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong khi khu vực nhà nước lãng phí tiền của và khiến lạm phát tăng nhiệt thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả lại quá "khát" vốn chi dùng.

Nguy cơ suy thoái lạm phát

Khi hiệu suất vốn giảm trong tình cảnh lãi suất thực âm kéo dài, suy thoái lạm phát sẽ bùng phát. Cuối cùng, suy thoái lạm phát sẽ dẫn đến mất giá tiền tệ, và chính những vụ mất giá tiền tệ đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng vẫn có nhiều đối tượng ủng hộ mức lãi suất thấp. Chẳng hạn, các chính quyền địa phương Trung Quốc bị chìm ngập trong nợ nần đến nỗi họ không thể tồn tại với lãi suất thực dương. (trung bình số nợ này ước tính gấp 3 lần doanh thu, cá biệt có một số địa phương có số nợ gấp 10 lần doanh thu). Sự tồn tại của họ chỉ trông chờ vào việc bán đất giá cao, và mức lãi suất cao sẽ làm nổ tung bong bóng giá bất động sản.

Các doanh nghiệp quốc doanh cũng ở trong tình trạng tương tự, do vậy cũng rất muốn được hưởng lãi suất thấp. Năm ngoái khu vực này báo cáo tổng lợi nhuận 2.000 tỷ NDT (305 tỷ đôla) nhưng vẫn chịu dòng tiền âm. Khu vực doanh nghiệp quốc doanh chưa bao giờ có dòng tiền dương, và dòng tiền âm năm ngoái là tồi tệ nhất.

Sức mạnh là ở việc phân bổ tín dụng và lãi suất thực âm, dù sự kết hợp các phương tiện chính sách này sẽ khiến cho lạm phát suy thoái là không thể tránh khỏi. Nhưng lạm phát suy thoái liệu có thực sự tồi tệ đến thế? Nhiều người thích sự cân bằng kinh tế kéo dài trong vài năm bởi nó sẽ xóa nợ cho những đối tượng không có khả năng trả nợ. Trên thực tế, những người vay nợ sẽ được lợi còn những người có tiền gửi tiết kiệm sẽ bị thiệt trong lạm phát suy thoái. Do vậy, lạm phát suy thoái không thể tạo ra cân bằng ổn định, mà ngược lại sẽ là mầm mống cho những bất ổn xã hội.

Trong nền kinh tế mới nổi, lạm phát suy thoái trầm trọng luôn dẫn đến mất giá tiền tệ, khơi mào cho khủng hoảng tài chính sau đó. Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ và có khả năng kiểm soát nguồn vốn, do vậy nguy cơ mất giá tiền tệ là khá thấp, nhưng không phải là không có. Lượng cung tiền của họ lớn gấp 4 lần dự trữ ngoại hối, và lượng cung tiền hiệu quả có thể lớn hơn mức đó rất nhiều.

Tốc độ thay đổi

Để kiểm soát lượng cung tiền, các nhà hoạch định chính sách cần phải thay đổi chính sách phân bổ tín dụng và tập trung vào lãi suất. Mỗi lần điều chỉnh lãi suất tối thiểu phải tăng gấp đôi ở mức 50 điểm cơ bản để báo hiệu một cách tiếp cận mới. Theo đó, lãi suất nên tăng 3 điểm phần trăm càng sớm càng tốt.

Để thay đổi phân bổ tín dụng, lãi suất cho vay cần phải được tự do hóa hơn nữa. Ví dụ, vùng lãi suất cho vay quanh tỷ giá chính chính thức có thể được mở rộng. Hiện tại, các ngân hàng có thu phí để tăng lãi suất cho vay một cách hữu hiệu, nhưng hệ thống này vừa không minh bạch lại kém hiệu quả.

Sự mất cân bằng đã không còn chỉ là vấn đề của kinh tế vĩ mô, bởi nó có ảnh hưởng đến hiệu suất của kinh tế vi mô, sau đó sẽ dẫn đến hệ quả vĩ mô là lạm phát. Những khó khăn của kinh tế Trung Quốc phát sinh từ các vấn đề hệ thống, và nếu nguyên nhân cốt lõi không được xử lý thì những khó khăn này cũng không thể giải quyết được.

Một trong số những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc là chi dùng của khu vực nhà nước ngày càng kém hiệu quả. Khi nhu cầu tiền tệ của khu vực này vượt quá mức chịu đựng của nền kinh tế thì việc in tiền là không thể tránh khỏi.

Các phương tiện chuyển tiền sang khu vực nhà nước gồm có thuế và bán bất động sản. Chỉ khi những phương tiện này giảm xuống thì mới có thể bàn đến tái cân bằng kinh tế. Do vậy, Trung Quốc nên cắt giảm thuế càng sớm càng tốt để báo hiệu phương pháp tiếp cận tăng trưởng kinh tế mới. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân cao nhất phải được cắt giảm xuống 25% và thuế giá trị gia tăng phải được giảm xuống 12 %.

Cho đến khi các biện pháp đó được thực hiện thì mô hình tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vẫn làm tổn hại đến tầng lớp trung lưu. Một nhân viên văn phòng thành công đã làm việc 10 năm tại một công ty hàng đầu không thể mua được một mảnh đất ở Trung Quốc. Kiềm chế sự phát triển của giai cấp trung lưu không phải là mong muốn của quốc gia, bởi sự bất ổn xã hội có liên quan đến tầng lớp trung lưu đông đảo này.

Trung Quốc hiện đã cân nhắc mức chi phí cao cho quá trình xây dựng một thành phố. Trên thực tế, mức giá hiện tại đang cao hơn gấp hai- ba lần mức chi phí xây dựng và có thể chỉ được duy trì do nhu cầu đầu cơ.

Một sự xoay chuyển lãi suất thực không chỉ cần thiết để kiềm chế lạm phát mà còn có ý nghĩa sống còn nếu Trung Quốc muốn chuyển mô hình tăng trưởng từ chi tiêu và đầu cơ chính phủ sang chi tiêu hộ gia đình. Những người gửi tiền tiết kiệm bị tổn hại do lạm phát có thể không phải là những người tiêu dùng mạnh, nhưng họ có thể đầu cơ để bù đắp thiệt hại.

Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc có liên quan với nhau và không thể được giải quyết riêng rẽ. Nguyên nhân gốc rễ là nền kinh tế chính trị đã trao vai trò lèo lái quá trình tăng trưởng kinh tế cho chi tiêu nhà nước. Giải pháp cơ bản phải bao gồm việc giới hạn các phương tiện gây quỹ của chính phủ.

Kiềm chế lạm phát và kiểm soát bong bóng phải được xem xét trong bối cảnh này, khi mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại đang đẩy nền kinh tế đến lạm phát suy thoái và nguy cơ mất giá tiền tệ ngày càng lớn hơn. Trung Quốc phải thấy được một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến mất giá tiền tệ cũng giống như những gì nước Mỹ đã từng trải qua. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là, hệ thống của Trung Quốc không đủ mạnh để duy trì ổn định trong thời kỳ khủng hoảng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại cần các cải cách kinh tế cơ bản cấp bách đến vậy.

(vef)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Trung Quốc: Cuộc chiến chống lạm phát còn tiếp diễn?
  • Lãi suất cao có chống được lạm phát cao?
  • Đỉnh lạm phát 2011 có thể rơi vào cuối quý 3
  • Trung Quốc thừa nhận sử dụng tỷ giá để chống lạm phát
  • Lạm phát - Con ngựa hoang khó kìm cương
  • Thế giới chưa có “thuốc đặc trị lạm phát”
  • Lạm phát - Hệ lụy của phát triển theo chiều rộng?
  • Chống lạm phát cần đúng liều
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!