Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Miễn cưỡng chống lạm phát

Chống lạm phát một cách miễn cưỡng sẽ dẫn tới nguy cơ bong bóng tài sản.

Gần đây ông Patrick Chovanec, Phó giáo sư của trường Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, đã có một bài viết bình luận về chính sách tăng lãi suất chống lạm phát của Chính phủ Trung Quốc.

Miễn cưỡng chống lạm phát ở Trung Quốc

Ông hình dung đây là một tình trạng “miễn cưỡng chống lạm phát” của chính phủ nước này mà một trong những nguyên nhân chính là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp quốc doanh vốn có tỷ suất sinh lợi thấp, có thể không chịu đựng nổi một quy mô tăng lãi suất mạnh.

Tác giả này cho rằng tình trạng cung tiền tăng mạnh và nhanh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát cao. Trong một bài viết đăng trên Bloomberg vào tháng 10-2010, ông Chovanec trích dẫn số liệu cho biết so với hai năm trước đó thì cung tiền M2 của Trung Quốc đã tăng khoảng 53% trong khi mức tăng được xem là kiềm chế của năm 2010 cũng là khoảng 20%. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc lạm phát tăng mạnh.

Việc tăng nguồn cung tiền cũng có nguyên nhân của nó: Chính phủ Trung Quốc muốn duy trì một tỷ giá ổn định giữa đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ. Trong bối cảnh thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ ngày một lớn và nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh ở Trung Quốc, để duy trì đồng nhân dân tệ ít lên giá thì Chính phủ Trung Quốc phải mua lại một lượng lớn ngoại tệ, khiến dự trữ ngoại hối nước này tăng nhanh, đồng thời cũng khiến nguồn cung tiền tăng cao trong nhiều năm qua.

Lượng cung tiền lớn này đúng ra được trung hòa (sterilized) bởi việc Chính phủ Trung Quốc buộc các ngân hàng thương mại mua các trái phiếu chính phủ và duy trì một tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao trên các khoản tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, ông Chovanec nhận định rằng do sự kiểm soát lỏng lẻo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho các ngân hàng thương mại vay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc này thực tế được nới lỏng và do đó đã tạo ra sự tăng trưởng tín dụng khá lớn.

Theo ông Chovanec, trong năm qua, tỷ lệ này đã giảm từ 21% xuống còn 17% và đẩy một lượng lớn tiền trong ngân hàng ra nền kinh tế thông qua kênh tín dụng. Tác giả này ước tính rằng trong năm 2010, các khoản cho vay mới của các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc khoảng 8.000 tỉ nhân dân tệ, gần gấp đôi so với năm 2008. Con số này của năm 2009 là 10.000 tỉ nhân dân tệ.

Một điểm đáng chú ý khác là, theo ông Chovanec, mức tăng trưởng tín dụng chủ yếu là dành cho các dự án cơ sở hạ tầng và các công ty do nhà nước sở hữu vay, vì các ngân hàng coi các khoản vay này không có rủi ro. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lý do Chính phủ Trung Quốc cố trì hoãn việc tăng lãi suất trong một thời gian khá dài.

Theo ông, việc tăng lãi suất của Chính phủ Trung Quốc là một động thái phản ứng miễn cưỡng trước tình trạng chỉ số lạm phát tăng mạnh chứ không phải là động thái chủ động đón đầu chống lạm phát. Nếu không tăng lãi suất, với việc chỉ số lạm phát tăng nhanh hơn lãi suất tiền tiết kiệm sẽ khiến người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng và đổ tiền vào các bong bóng tài sản khác. Chính phủ Trung Quốc sợ điều này, nhưng cũng ngại tăng lãi suất mạnh thì các gánh nặng nợ của công ty nhà nước sẽ càng cao.

Từ lạm phát tới bong bóng tài sản

Một thực tế đáng lo là nếu người dân dự đoán giá cả tiêu dùng còn tiếp tục gia tăng, họ sẽ đòi hỏi một mức lợi tức cao hơn cho các khoản tiền gửi ngân hàng. Nếu lãi suất tiền gửi ngân hàng không tăng tương ứng, người dân sẽ rút tiền và đổ vào những kênh đầu tư có lãi suất cao hơn như vàng và cổ phiếu.

Trong một phát biểu gần đây trên tờ Financial Times, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank ở Trung Quốc cho rằng trong điều kiện như hiện tại, người ta sẽ có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng và đem tiền mua bất động sản, hàng hóa để phòng ngừa lạm phát. Ở Việt Nam, thực tế sốt vàng và đô la Mỹ đã là một cảnh báo cho Chính phủ về khả năng xảy ra những loại bong bóng này.

Tình hình tăng giá hiện nay là có tính toàn cầu, khi mà giá cả ở cả khu vực nền kinh tế mới nổi lẫn khu vực kinh tế phát triển, bất kể mặt bằng lãi suất cao hay thấp, đều đang tăng lên, mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ tình trạng gia tăng giá hàng hóa thô và lương thực. Tờ Wall Street Journal trích dẫn tính toán của một số nhà kinh tế cho rằng việc đô la Mỹ mất giá đã góp phần quan trọng đẩy giá nhiều mặt hàng quan trọng như gạo, lúa mạch và dầu tăng vọt. Từ đó cho thấy, chỉ tăng lãi suất không thôi thì không nhất định kiềm chế lạm phát thành công.

Trường hợp của Trung Quốc cho thấy kỷ luật lỏng lẻo trong việc hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho họ có thể cho vay kiếm lời dù rằng có một chút “siết” lại đối với lãi suất, còn tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền của họ vẫn cao. Tình trạng này hoàn toàn có thể hiểu rõ vì giữa trách nhiệm chống lạm phát và những yêu cầu phải hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước và duy trì tăng trưởng thì Chính phủ Trung Quốc cũng chỉ là miễn cưỡng chống lạm phát, siết chặt tiền tệ kiểu siết chỗ này, nới chỗ kia.

Vì vậy, ngoài chuyện tăng lãi suất, muốn chống lạm phát còn phải có những chính sách khác đi kèm để phát đi một tín hiệu về sự kiên quyết chống lạm phát và đặt mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu của Chính phủ. Đây là một tín hiệu phát ra cho các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài về nỗ lực ổn định vĩ mô cũng như làm cho người tiêu dùng trong nước tin tưởng hơn ở nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ.

Đặt ngược lại vấn đề, tình hình sẽ ra sao nếu Việt Nam chọn cách hạ lãi suất trong bối cảnh chưa có gì rõ ràng về tình hình lạm phát để rồi được nước ngoài nhìn nhận là động thái chống lạm phát không kiên quyết khiến nhà đầu tư lựa chọn cách ngồi chờ và quan sát trong khi người dân thì không gửi thêm tiền vào ngân hàng mà chọn cách đi mua đô la Mỹ hay vàng để “làm của”? Có ý kiến cho rằng cần phải hạ lãi suất để doanh nghiệp có thể vay được vốn kinh doanh.

Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là nguồn tín dụng tăng gần 30% trong năm qua đã chảy vào đâu? Liệu rằng hạ lãi suất rồi thì doanh nghiệp có thể dễ vay tiền hơn không hay tiền sẽ đổ vào khu vực kinh tế có hệ số ICOR thấp? Chống lạm phát một cách miễn cưỡng để rồi lại lãng phí nguồn vốn, phân phối vào nơi không hiệu quả, tiếp tục tạo gánh nặng cho nền kinh tế sẽ đẩy tới một nguy cơ lạm phát cao và bong bóng tài sản. Tình thế của nước láng giềng có thể cho ta thấy lợi ích và cái giá của những chọn lựa chính sách. Còn miễn cưỡng chống lạm phát hay thật sự quyết liệt chống lạm phát thuộc về lựa chọn của Chính phủ.

(Theo Hồ Quốc Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Anh: Lạm phát cao nhất trong 2 năm
  • Tăng dự trữ bắt buộc để chống lạm phát
  • Giảm lạm phát – tăng cung và giảm cầu
  • Nỗi lo lạm phát đang lây lan ở châu Á
  • Lạm phát năm 2011 của Singapore có thể từ 3 - 4%
  • Những di chứng thời hậu khủng hoảng
  • Nga lập quỹ lương thực để chống lạm phát?
  • Châu Á oằn mình chống lạm phát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!