Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có mục tiêu đưa ra biện pháp chữa trị những “di chứng” do khủng hoảng tiền tệ thế giới để lại, nhưng dư luận thế giới cho rằng G20 khó có thể đưa ra bài thuốc hữu hiệu.
Các nước phát triển đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải như tốc độ tăng trưởng GDP thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao, nợ nần chồng chất, công tác giám sát, quản lý tiền tệ tài chính ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn. Để giải thoát, các nước này đang ra sức thực hiện những biện pháp chính sách như hạ thấp lãi suất ngân hàng, thực hiện chính sách “đồng tiền yếu” để đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục tung ra các gói kích cầu. Trong khi đó, các nước đang phát triển tuy có tốc độ tăng trưởng GDP cao, nhưng đang phải vật lộn với những vấn đề như “tiền nóng tràn ngập vào nội địa” khiến cho quản lý vĩ mô gặp khó khăn, tỉ lệ lạm phát tăng cao, vật giá leo thang và đồng tiền tăng giá cản trở xuất khẩu. Tình trạng trên là do những “di chứng” khủng hoảng tiền tệ, suy thoái kinh tế để lại và nó đang tác động tới kinh tế thế giới.
Dư luận thế giới cho rằng G20 khó có thể đưa ra bài thuốc hữu hiệu chữa trị những di chứng trên, bởi lẽ những di chứng này quá nghiêm trọng và tác động quá lớn tới kinh tế thế giới. Di chứng này thể hiện trên ba mặt sau:
- Một là tiến trình toàn cầu hóa bị thụt lùi. Toàn cầu hóa từng là hy vọng của nhiều nước nhằm khai thông nguồn nhân lực, tiền vốn, hàng hóa, thông tin, từ đó các nước có thể sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý nhất, có lợi nhất trên phạm vi toàn cầu. Nhưng tiến trình này đã bị chững lại và xu thế phản toàn cầu hóa, thực hiện bảo hộ mậu dịch ở nhiều nước đang tăng lên trong thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Các nước đua nhau đưa ra biện pháp hạn chế hàng ngoại xâm nhập vào thị trường nước mình để bảo vệ hàng nội. Cơ quan Cảnh báo mậu dịch toàn cầu (GTA) thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế của Anh cho biết từ Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên họp ở Mỹ 11/2008 tới Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 12/2009, tổng cộng tới 297 biện pháp bảo hộ mậu dịch được các nước đưa ra. Từ tháng 9/2009 tới tháng 12/2009 các nước ban hành tới 105 biện pháp bảo hộ mậu dịch, trong khi chỉ có 12 biện pháp thực hiện tự do hóa mậu dịch. Những gói kích cầu của các nước bơm ra thị trường chủ yếu phục vụ cho xí nghiệp và người trong nước, còn hàng hóa và nhân viên nước ngoài bị tẩy chay và sa thải.
- Hai là “đòn bẩy tiền tệ” bị gãy. Trước khủng hoảng tiền tệ, các nước đều ra sức thực hiện đòn bẩy tiền tệ tài chính. Các hãng, công ty, xí nghiệp cũng như cá nhân chỉ cần lượng vốn nhỏ nhưng có thể kinh doanh lớn do thông qua vay vốn ngân hàng và cơ quan tài chính. Khoản tiền vay này rất lớn, gấp nhiều lần thậm chí gấp 30 lần vốn tự có, bởi vậy sức mua và kinh doanh mở rộng quá đáng trong khi khoản tiền “đòn bẩy” nằm ngoài sự giám sát và quản lý của nhà nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nợ, khủng hoảng tiền tệ. Sau khủng hoảng, công cụ “đòn bẩy” đã bị chính phủ các nước giám sát và quản lý chặt chẽ thông qua ban hành những quy định nghiêm ngặt vay vốn, lập ra nhiều cơ chế “giảm sốc” ngăn chặn tái diễn đòn bảy tiền tệ nằm ngoài kiểm soát. Tới nay, G20, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.
- Ba là “Kinh tế ảo” bị xì hơi, xẹp xuống. Từ những năm 1980, “Nền kinh tế ảo” rất thịnh hành ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ. “Kinh tế ảo” tiền tệ hóa, chứng khoán hóa nền kinh tế, ra sức phát triển các ngành dịch vụ tiền tệ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng nhà đất. Hơn 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của các nước này đạt 4%, tăng trưởng mậu dịch bình quân 6%, nhưng tăng trưởng bình quân tiền vốn tới 14%. Hồi đầu những năm 1980, giá trị thị trường cổ phiếu và giá trị GDP tương đương nhau. Nhưng hiện nay, giá trị “Kinh tế ảo” đã cao gấp 3 giá trị GDP thực. Hồi những năm 1960, giá trị sản lượng ngành chế tạo của Mỹ chiếm trên 27% giá trị GDP, nhưng năm 2007 chỉ chiếm 11%. Phát triển quá đáng “Kinh tế ảo” đã dẫn tới khủng hoảng tiền tệ, buộc các nước phải quay về “Kinh tế thực” .
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com