Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến công bố trước cuộc họp bộ trưởng nhóm các nước phát triển và đang phát triển (G-20, diễn ra ở London vào các ngày 13 và 14-3) cho biết, trong năm nay, các nước đang phát triển sẽ thiếu hụt tài chính từ 270 - 700 tỷ USD, đồng thời cảnh báo chỉ riêng các định chế tài chính sẽ không thể bù đắp được khoản thiếu hụt này.
Theo báo cáo của WB, sự thiếu hụt này diễn ra “trong bối cảnh giới cho vay trong lĩnh vực tư nhân xa lánh các thị trường mới nổi và chỉ 1/4 số nước dễ bị tổn thương nhất có các nguồn lực để ngăn chặn sự gia tăng đói nghèo”.
* Trong một diễn biến liên quan, giới chuyên gia kêu gọi các nước châu Á cần tăng cường các khoản chi tiêu kích thích kinh tế để hạn chế tác hại của khủng hoảng tài chính. Theo họ, chính phủ các nước châu Á này cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp kích thích để ngăn chặn kinh tế suy thoái do xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Theo AFP, từ tháng 10-2008 đến nay, tổng chi cho các biện pháp chấn hưng kinh tế do các nước châu Á đưa ra chỉ vào khoảng 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, do suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và châu Âu, 2 thị trường quan trọng của châu Á, bị giảm mạnh. Thêm vào đó là tình trạng lao đao của 2 nền kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc. Vì vậy theo giới chuyên gia, những biện pháp kích thích được các nước châu Á đưa ra vẫn chưa đủ.
(Theo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com