Sức ép làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng tới nhìn chung sẽ đa dạng, khó lường. Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% là vô cùng khó khăn. Kịch bản hiện thực hơn sẽ có mức lạm phát dao động từ 8,5- 12%. Tuy nhiên, điều gần như chắc chắn là sẽ không có nguy cơ lạm phát cao như năm 2008.
Tết chưa xa, hoa đào và mai còn chưa kịp phai, chén rượu Xuân hãy còn nồng đậm và làm say lòng người lắm, vậy mà nhiều người đã giật mình vì giá cả cứ tăng đến chóng cả mặt. Các bà nội trợ, vốn tinh nhạy và cập nhật thông tin nhanh hơn cả các cơ quan thống kê nhà nước thì ưu tư, nhiều người “túi mỏng” còn rầu rĩ thái quá. Các nhà khoa học, vốn kinh viện, quen trông trước, ngó sau, lại thường cả nghĩ và lo xa, thì cau mày suy luận và nhỏ, to e ngại. Còn các nhà hoạch định chính sách, thường lường trước các tình huống và lắng nghe các phản biện xã hội đa chiều để chủ động, kịp thời và linh hoạt ra quyết sách phù hợp, thì tỉnh táo hơn cả, khi đinh ninh tình trạng tăng giá hàng hóa và dịch vụ chung trên cả nước trong những tháng đầu năm chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, và nhấn mạnh rằng nguyên nhân hàng đầu có tính truyền thống, trực tiếp và dễ nhận thấy chính là sự gia tăng đột ngột vượt trội mọi thời điểm khác trong cả năm về nhu cầu và sức tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gắn với dịp Tết cổ truyền dân tộc,
Khó có ai bác bỏ vai trò của Tết cổ truyền như là một nhân tố truyền thống trực tiếp làm tăng áp lực lạm phát cung- cầu như vốn có bao lâu nay. Đồng thời, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những “nhân tố phi truyền thống” đã, đang và sẽ làm gia tăng áp lực tăng giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. Cái lo của các nhà khoa học không phải không có ít nhiều cơ sở, khi lưu ý rằng, theo các cơ quan thống kê, mới chỉ 2 tháng đầu năm 2010, CPI trên địa bàn Hà Nội đã tăng 3,91% so với tháng 12.2009; tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2009 và con số tương ứng của TP Hồ Chí Minh lần lượt là 2,97% và 9,45%. Tính chung trên cả nước, CPI của 2 tháng đầu năm so với tháng 12.2009 đã tăng 3,35% và tăng 8,46% so với tháng 2.2009. Điều này có nghĩa CPI chỉ trong khoảng 1/6 mức thời gian thôi đã chiếm tới khoảng 2/5 mức tăng khống chế CPI cho cả năm 2010 là dưới 7% mà Việt Nam đã kỳ vọng.
Sức ép làm tăng chỉ số CPI của Việt Nam trong những tháng tới nhìn chung sẽ đa dạng, khó lường và chuyển mạnh trọng tâm vào sự cộng hưởng các tác động trực tiếp và gián tiếp, tức thời hay trễ muộn ít nhiều do sự gia tăng không chỉ 1 lần các chi phí “đầu vào”, như: tăng giá xăng, than, điện, nước, chi phí vận tải; tăng mức tiền lương, tăng lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của doanh nghiệp; tiếp tục tái thu, thậm chí tăng thu thuế (như thuế tài nguyên) và một số nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp; các nhân tố cả nội và ngoại khác gắn với hệ quả 2 chiều của các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng đã triển khai trong năm 2009 và còn tiếp diễn ở các mức độ khác nhau trong năm 2010. Ngay bản thân sự phục hồi nền kinh tế và gia tăng các nhu cầu về nguyên vật liệu sản xuất cũng khiến làm tăng giá các yếu tố giá cả- lạm phát ngoại nhập…
Năm 2010, cùng với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ở mức độ nào đó chính sách nới lỏng tín dụng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế không dưới 6,5% theo kế hoạch. Do hiệu quả đầu tư thấp, nếu theo tỷ lệ ICOR là 7 như năm 2009, thì tăng trưởng tín dụng năm 2010 sẽ phải là khoảng 44% so với mức 38% của năm 2009. Như vậy, nếu thiếu các giải pháp trung hòa tiền tệ khác, sự cộng hưởng tác động trễ thông thường từ 4- 6 tháng của mức tăng tín dụng cao trong năm 2009 và năm 2010 sẽ bộc lộ dần trong những tháng từ đầu quý II.2010, tức sẽ trực tiếp tạo áp lực gia tăng lạm phát tiền tệ mà Việt Nam đã chứng kiến trong năm 2007. Một động thái chính sách ngược lại, tiết giảm tín dụng sẽ làm giảm bớt động lực tăng trưởng và nguy cơ mất ổn định vĩ mô kinh tế theo mục tiêu kế hoạch đặt ra. Đây là một bài toán “nghiệm kép” khó giải không phải chỉ với Việt Nam, mà còn với cả Trung Quốc và Nga, cũng như nhiều nước khác.
Hơn nữa, việc bảo đảm khả năng trả nợ đúng hạn và sự lành mạnh của các khoản nợ tín dụng đã cấp cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến động thái lạm phát của Việt Nam năm 2010. Nếu những khoản nợ lớn bị dây dưa sẽ tạo nguy cơ mất khả năng thanh khoản của các ngân hàng chủ nợ, đồng thời tạo áp lực tăng cho vay tái cấp vốn– phát hành tiền vào lưu thông của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại.
Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tỷ giá ngoại tệ, trước hết đối với USD, là một động thái cần thiết, khó tránh khỏi trong xu hướng chính sách tiền tệ năm 2010. Về tổng quát và lâu dài, việc điều chỉnh tỷ giá này có tác dụng tốt nhằm hạn chế, giải tỏa tình trạng găm giữ, cũng như kỳ vọng đầu cơ, góp phần cân đối theo nguyên tắc thị trường cung- cầu về ngoại tệ, kích thích xuất khẩu và tăng cường sản xuất trong nước, từ đó góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát. Tuy nhiên, trong thời gian đầu và mức độ cục bộ, sự điều chỉnh tỷ giá này có thể ít nhiều làm tăng giá của hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, cũng như làm giảm lượng hàng nhập khẩu, từ đó có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cung-cầu và chi phí đẩy.
Ngoài ra, kinh tế thế giới 2010 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hóa và tài chính-tiền tệ, trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước như là hệ quả các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 và kéo dài đến 2010; đồng thời, nhiều khả năng cho thấy sự phục hồi từng bước nền kinh tế và gia tăng các hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu cả trên thị trường trong nước và thế giới (khi kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu sắt, thép, xi măng tăng…), nhất là từ nửa cuối năm 2010, sẽ còn làm tăng đồng thời các loại lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập như mặt trái và hệ quả đi kèm tất yếu của tăng trưởng và toàn cầu hóa.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, mức độ gia tăng và tác động của lạm phát đến đời sống KT- XH còn tùy thuộc khá nhạy cảm vào hệ quả và khả năng phối hợp đồng bộ, linh hoạt các chính sách và những yếu tố tâm lý xã hội khác của Việt Nam, trong đó có công tác dự báo, thông tin, yếu tố tin đồn và khả năng kiểm soát đầu cơ, lũng đoạn thị trường…
Như vậy, có thể thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay dưới 7% của Việt Nam như kế hoạch đã đặt ra là vô cùng khó khăn, nếu không nói là “nhiệm vụ bất khả thi”. Kịch bản hiện thực hơn sẽ có mức lạm phát dao động từ 8,5-12%… Tuy nhiên, điều gần như chắc chắc là sẽ không có nguy cơ lạm phát cao như năm 2008; đồng thời, điều may mắn là trong bất luận trường hợp nào, thì lạm phát cao ngày nay cũng đã khác xa kiểu lạm phát mà Việt Nam đã đối diện trong những năm đầu đổi mới- thời kỳ mà nạn khan hiếm hàng hóa do năng lực sản xuất trong nước yếu kém, tình trạng phong tỏa, cát cứ kinh tế và những bất cập về thể chế khác đã gây những thiệt hại và ám ảnh nặng nề cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.
( Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phong // Theo Người đại biểu nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com