UNCTAD cảnh báo rằng các nước phát triển có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát và đình trệ, nếu vội vã rút lại chính sách kích cầu.
Với nhan đề "Việc làm, toàn cầu hóa và phát triển", báo cáo của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 14/9 cảnh báo rằng việc rút lại quá sớm các biện pháp kích cầu có thể sẽ mang lại kết quả trái ngược. Theo báo cáo trên, từ giữa năm 2009, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu ra khỏi khủng hoảng kinh tế-tài chính, trong đó các nền kinh tế mới nổi được đánh giá cao hơn các nước công nghiệp phát triển trong tiến trình vực dậy kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo này cho rằng nếu các biện pháp kích thích tài chính đuối dần và xảy ra tình trạng mất cân đối trong cán cân thanh toán vãng lai toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng ở hầu hết các nước trên thế giới sẽ lại suy giảm trong năm 2011.
UNCTAD ước tính sau khi bị suy giảm xấp xỉ 2% trong năm 2009, GDP toàn cầu có thể tăng 3,5% trong năm 2010. Cùng với sự tăng trưởng này, thương mại thế giới đã tăng trở lại từ giữa năm 2009, sau khi tụt giảm 23% vào nửa đầu năm 2009. Giá hàng hóa tăng trở giúp tăng thu nhập quốc dân và doanh thu tài chính.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đà hồi phục kinh tế thế giới hiện nay còn yếu và chưa đồng đều. Các nền kinh tế mới nổi - đặc biệt ở châu Á và Mỹ Latinh - đang dẫn đầu quá trình hồi phục, với việc một số nước đạt tỷ lệ tăng trưởng 2 con số trong quý 1/2010. Do không bị bội chi ngân sách và tích lũy được một lượng dự trữ ngoại tệ đáng kể trước khi khủng hoảng xảy ra, nên các nước này đã kiềm chế được nạn thất nghiệp và giúp cho nhu cầu trong nước hồi phục nhanh. Báo cáo dự báo GDP của châu Á sẽ tăng khoảng 8% trong năm nay, trong khi GDP của Mỹ Latinh tăng 5%. Ít bị khủng hoảng tác động trực tiếp do ít hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế, GDP của châu Phi nói chung dự kiến sẽ tăng khoảng 5% trong năm 2010.
UNCTAD cho biết gói giải cứu tài chính khổng lồ cùng các chính sách hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng sẽ giúp hầu hết các nước phát triển tăng trưởng từ giữa quý 2 đến quý 4/2010. Tuy nhiên mô hình hồi phục này rất giống với mô hình tăng trưởng trước khi khủng hoảng xảy ra. Do vấn đề nợ trong nước, trong những tháng gần đây, châu Âu đã trở thành trung tâm khủng hoảng toàn cầu và bị tụt hậu trong quá trình hồi phục.
Tổng thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi cho rằng việc tiếp tục chính sách nới lỏng tài chính là cần thiết để ngăn chặn tình trạng giảm phát xoắn chôn ốc và nạn thất nghiệp đang có xu hướng tồi tệ hơn hiện nay.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com