Ngân hàng huyền thoại Mỹ Lehman Brothers sụp đổ càng khiến niềm tin của người dân Mỹ lung lay |
TBTF - từ viết tắt quen thuộc
Too-Big-To-Fail có lẽ là từ nghe quen tai bậc nhất trong 15 tháng khủng hoảng vừa qua, đặc biệt kể từ khi Lehman Bros được mai táng ngậm ngùi. Thậm chí, cái cảm giác nghe chữ TBTF dường như gắn liền với khái niệm "sắp phá sản", và có vẻ như nhóm TBTF cũng thi nhau báo cáo tin tức xấu về lỗ và tài sản độc hại.
Có nhiều vấn đề nhưng trọng tâm chính là các khiếm khuyết của hệ thống ngân hàng đầy quyền lực, đặc biệt là nhóm MegaBanks TBTF. Họ lớn tới mức hiện tại để tránh đổ vỡ, chính quyền phải làm hàng loạt những động tác cực chẳng đã, mà ai cũng biết sẽ hệ lụy rất tai hại tới tương lai nền kinh tế đầu tầu thế giới này: Bailout.
Chỉ riêng hai MegaBank của thế giới, niềm kiêu hãnh hàng thập kỷ của Hoa Kỳ, là Citigroup và BofA, đã ngốn 90 tỷ USD trực tiếp từ ngân sách liên bang, đó là chưa kể đến vài trăm tỷ USD gián tiếp vay thông qua bảo lãnh vay.
Người ta không thể không đặt câu hỏi liệu có công bằng khi chính phủ liên bang cứu các MegaBank này, tiêu tốn rất nhiều tiền vay mượn - chấp nhận những bất trắc ràng buộc ngân sách - trong khi FDIC thì lại nhanh chóng đóng cửa hàng loạt các ngân hàng nhỏ, hoặc địa phương.
Vấn đề nằm ở chỗ, ngoài cái ảnh hưởng ghê gớm và có khả năng lan truyền gây chấn động khắp nơi, thì các chuyên gia lập pháp và tài chính quốc tế cũng lo lắng rằng xử lý việc "chôn cất" các MegaBanks này cũng rất rắc rối. Nói ngắn gọn là chấm dứt sự tồn tại của MegaBank không hề đơn giản. Bản thân "nhà đòn" FDIC tích cực chôn cất vừa rồi cũng chưa hề tự tin xử lý vấn đề của Citi và BofA, trong khi cơ quan này có thể thâu tóm và xử lý việc bán tài sản của các ngân hàng bé rất gọn gàng. Đây là một thực tế. Trường hợp WaMu cũng được coi là gọn gàng, vì FDIC hầu như ngay lập tức dàn xếp vụ bán cho JPMorgan Chase.
Nhưng một trường hợp khác, tưởng là cũng có thể gọn, lại hóa ra rất tốn kém cho FDIC. IndyMac phá sản tháng 7, nhưng phải tới hết năm 2008 mới bán được với tổn thất ước tính dao động từ 8,5-9,4 tỷ USD, trong khi tổng mức tiền gửi của khách hàng là khoảng 19 tỷ USD. Nếu là FDIC, ai cũng sẽ ngần ngại nếu để Citi và BofA phá sản, vì theo cùng tỷ lệ như trường hợp của IndyMac, thì với tổng lượng tiền gửi tương ứng là 774 và 893 tỷ USD trên toàn cầu (cuối 2008) thì thiệt hại của FDIC sẽ lên tới bao nhiêu? Ta dễ hình dung ra câu trả lời: Chính FDIC sẽ phá sản. Mức áp lực tài chính này thực là quá lớn, vì cả chương trình kích thích mới đây của Tổng thống Obama chật vật thuyết phục Quốc hội và đã là kỷ lục mới đạt 787 tỷ USD, và chính FDIC còn đang mong chờ được thông qua khoản vay tạm 500 tỷ USD để tăng cường năng lực tài chính.
Buộc cải cách
Mới đây, Chủ tịch FED Ben Bernanke thêm một lần nữa khẳng định cải tổ hệ thống ngân hàng là cách duy nhất phục hồi hệ thống kinh tế toàn cầu. Ông không quên nhắc lại vấn đề MegaBanks TBTF chính là oan hồn từ các cuộc khủng hoảng trước quay lại dọa bóp nghẹt các nền kinh tế cả lớn lẫn bé, phát triển hay kém phát triển.
Vấn nạn không dừng ở MegaBanks mà đang lan rộng sang các ông lớn TBTF khác. Chính ông phát biểu trước CFR rằng chính FED cần các công cụ để có thể cứu vãn sự sụp đổ của một đại Cty TBTF không xếp vào MegaBank. Đó là thời điểm 1 tuần sau khi 30 tỷ USD đã phải chi khẩn cấp từ ngân khố Bộ Tài chính Hoa Kỳ để cứu tập đoàn bảo hiểm AIG.
Rõ ràng, khả năng chịu đựng sức ép hạ tầng cơ sở tài chính chính là mối lo ngại bậc nhất hiện nay. Vì thế sự thúc ép cải cách chỉ có tăng lên, và chắn sẽ sớm lên tới đỉnh điểm xung quanh phiên họp thượng đỉnh G20 ở London tháng 4/2008. Nói như Dr. Ben Bernanke là hạ tầng đó ngay từ bây giờ đã phải tính đến sức ép của "một trận động đất tài chính mới", ngay khi trận này chưa chấm dứt.
Tất nhiên, không ai thích thú gì trận rung chuyển mới về tài chính, khi mà nỗi khổ đau này chưa kịp qua đi. Thế nhưng, ông Bernanke cho dù có cảnh báo hơi xa thì cũng không thừa, vì bước sang năm khủng hoảng thứ 3, nhưng ngay mới đây ngày 9/3/2009, Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn đã có công bố sơ lược phép tính của IMF rằng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ tăng trưởng dưới 0% (suy thoái).
IMF và WB đang vắt óc, G20 cũng nhăn trán suốt cả năm, còn MegaBanks và các TBTF thì vẫn tiếp tục được “rang trên chảo gang”, để thử thách cả khả năng chịu nhiệt lẫn sự kiên nhẫn chờ... Chờ gì? Có thể là cứu trợ, kinh tế vĩ mô phục hồi, cải cách, và cả sự tha thứ của nhả đầu tư mất mát cho những quyết định sai lầm trong quá khứ. Thông điệp tới hết năm 2009 vẫn là: Cải tổ hệ thống ngân hàng. Hãy chờ xem G20 nói gì thêm về cải tổ cơ chế giám sát các TBTF và đặc biệt là MegaBanks.
TS Bernanke dường như đã biết rất rõ vấn đề ngay phía trước của giai đoạn tồi tệ hiện nay. Nhưng vẫn còn những trở ngại khiến ông chưa thể diễn giải đầy đủ gợi ý ban đầu của mình về điểm đích của cỗ máy kinh tế khổng lồ. Điều mà Nuriel Roubini đã làm.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com