Diễn biến thị trường cuối năm không mấy thuận lợi đang gây sức ép lên chỉ tiêu lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng.
Thời gian còn lại của năm 2010 không còn nhiều để các ngân hàng thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như các kế hoạch lợi nhuận. Đáng chú ý là trước áp lực lạm phát có dấu hiệu gia tăng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp thắt chặt tín dụng. Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại kêu gọi các ngân hàng thành viên tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng xuống mức 11%/năm để có thêm điều kiện hạ lãi suất đầu ra. Những điều này có thể làm giảm khả năng sinh lời trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, gây áp lực lên chỉ tiêu lợi nhuận năm của cả ngành.
Quy mô càng lớn, áp lực càng cao
Các ngân hàng quy mô lớn đã có một năm 2009 tăng trưởng tín dụng khá cao, chủ yếu nhờ chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Nhưng sang đến năm 2010, hoạt động cho vay có phần khó khăn hơn, nên nguồn thu từ tín dụng không được như kỳ vọng của các ngân hàng. Đáng chú ý là với Thông tư 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1.10.2010, hoạt động tín dụng của các ngân hàng lớn càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định mới. Do đó, sức ép hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm càng thêm lớn.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục còn lại để tăng thêm 33% vốn điều lệ so với mức hiện tại 13.244 tỉ đồng, nhằm đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn 9% theo quy định mới tại Thông tư 13. Do đó, Ngân hàng cho biết, trong quý còn lại của năm 2010 sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng, thay vì đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ.
Nguồn thu từ hoạt động tín dụng năm nay được Vietcombank dự báo sẽ sụt giảm đến 1.000 tỉ đồng. Vì thế, dù kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2010 khá khiêm tốn, chỉ 4.500 tỉ đồng so với mức thực hiện gần 5.000 tỉ đồng của năm 2009, nhưng Vietcombank thừa nhận, đó là áp lực không nhỏ đối với các nhà điều hành. Trong 8 tháng đầu năm nay, Vietcombank ước đạt 3.000 tỉ đồng lợi nhuận, bằng xấp xỉ 70% kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho biết, Techcombank đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng (không tính các công ty con trực thuộc) từ 3.207 tỉ đồng xuống 2.800 tỉ đồng do tình hình thị trường còn có những khó khăn nhất định.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tính đến cuối tháng 9 năm nay, lợi nhuận trước thuế ước đạt bằng mức thực hiện của cả năm trước (1.500 tỉ đồng). Tuy nhiên, nếu so với mức vốn điều lệ vừa được điều chỉnh tăng từ hơn 8.800 tỉ đồng lên trên 10.560 tỉ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận 2.200 tỉ đồng của năm nay là khá khiêm tốn. Thế nhưng, để hoàn thành mục tiêu đó không phải là dễ đối với Eximbank. Một phần là do hoạt động tín dụng tăng trưởng khá chậm. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ bị thu hẹp, đặc biệt là mảng kinh doanh ngoại hối và vàng (do sàn vàng đóng cửa).
Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), tính đến ngày 31.8.2010, lợi nhuận trước thuế của ACB là 1.814 tỉ đồng (sau khi đã trích lập dự phòng theo quy định). Như vậy, nếu so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 3.600 tỉ đồng (trong đó Ngân hàng mẹ là 3.200 tỉ đồng), trong gần 3 quý đầu năm, ACB chỉ mới thực hiện hơn 50% kế hoạch cả năm. Vì thế, áp lực hoàn thành chỉ tiêu là không nhỏ.
Trong 8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng của ACB cũng chỉ mới đạt gần 30% so với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm là 50%. Do đó, trong giai đoạn này, ACB đang đẩy mạnh việc cung ứng vốn ra thị trường, kèm theo các chính sách ưu đãi và kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng sẽ được cải thiện. ACB dự kiến, nguồn thu từ hoạt động tín dụng đóng góp vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng sẽ cao hơn khoảng 20-23% so với năm ngoái.
Khó khăn chồng chất
Các ngân hàng đều kỳ vọng, hoạt động cho vay sẽ được cải thiện đáng kể trong quý IV/2010 khi nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là khối doanh nghiệp, tăng lên vào mùa kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức vẫn còn đó.
Các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trong việc cho vay nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng theo Thông tư 13, trong khi phải từng bước giảm lãi suất đầu ra theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lại đang bị thu hẹp.Những điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Khó khăn không chỉ từ phía ngân hàng mà còn từ phía các doanh nghiệp. Trong khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu chưa kịp phục hồi, doanh nghiệp lại đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ đang có nguy cơ xảy ra. Một số quốc gia châu Á như Nhật, Singapore, Ấn Độ đã bắt đầu can thiệp vào thị trường tiền tệ để hạ giá đồng nội tệ nhằm đảm bảo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu nước họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tác động đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Mới đây, Thủ tướng lại chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2010, trong đó có đề cập đến việc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các chính sách, cơ chế phù hợp để cho phép các ngân hàng thương mại có thể nhanh chóng rút tiền ra khỏi lưu thông. Mục đích là nhằm giảm bớt áp lực tăng giá vào dịp lễ, tết khi khối lượng thanh toán các công trình dự án được thực hiện với mật độ cao và nhu cầu trả lương thưởng của doanh nghiệp cũng gia tăng. Điều này có thể khiến lãi suất huy động tăng trở lại, thay vì giảm xuống theo như chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, với lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, việc tăng lợi nhuận và cổ tức sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có vốn điều lệ đã tăng cao
(Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com