Trong loạt báo cáo mới ra gần đây, các tập đoàn nước ngoài bao gồm Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), Morgan Stanley và Standard & Poor’s đưa ra những nhìn nhận lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Lạc quan về cán cân thanh toán
Trong báo cáo ra ngày 20/6, HSBC cho rằng, tình hình ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều so với thời điểm cách đây một tháng. Báo cáo dẫn một loạt số liệu cho thấy, những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam hiện chỉ ở mức vừa phải.
Thứ nhất, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đến hạn phải trả trong vòng dưới một năm tới đây chỉ là 260 triệu USD. Tổng các khoản nợ dài hạn hơn của Việt Nam chiếm khoảng 32% so với GDP, nhưng 80% trong số này là các khoản vay ưu đãi với lãi suất bình quân dưới 2%/năm.
Thứ hai, lượng nợ ngoại tệ trong nước tương ứng với lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng.
Về vấn đề này, bản “Những câu hỏi thường gặp” (FAQ) đề ngày 18/6 của tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cũng cho rằng, nợ nước ngoài của Việt Nam phần lớn đều là những khoản nợ dài hạn. Mặt khác, dòng vốn 9 tỷ USD đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán từ năm 2006 tới nay đã sụt giảm đáng kể về mặt giá trị do sự đi xuống của thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, tính di động thấp của các dòng vốn này sẽ giúp giữ sự rút vốn có thể xảy ra ở mức độ có thể kiểm soát.
Trong báo cáo ra ngày 20/6, các chuyên gia của tập đoàn Morgan Stanley cũng cho rằng, các nguồn vốn chủ chốt bù đắp cho cán cân thanh toán của Việt Nam (như FDI) không dễ gì chảy ngược ra khỏi Việt Nam một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, việc chuyển đổi tài khoản vốn của các cá nhân từ VND sang ngoại tệ không được pháp luật cho phép.
Standard & Poor’s cũng tin rằng, dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam sẽ tiếp tục là một nguồn tiền quan trọng bù đắp cho cán cân vãng lai. Năm 2007, vốn FDI chảy vào Việt Nam đạt mức 6,7 tỷ USD, còn thâm hụt cán cân vãng lai là 7 tỷ USD. Mặt khác, dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam là đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân vãng lai, ít nhất là trong năm nay. Báo cáo của Morgan Stanley dẫn số liệu cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là đủ cho khoảng gần 5 tháng nhập khẩu, cao hơn so với mức chuẩn là 3 tháng nhập khẩu.
Về vấn đề tỷ giá và xuất nhập khẩu, Standard & Poor’s nhận định rằng, tỷ giá VND/USD cao sẽ giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh cho lĩnh vực xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu, do đó sẽ hạn chế thâm hụt thương mại.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Morgan Stanley cho rằng, tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm từ mức 70% hiện nay xuống còn 25 - 30% trong 3 - 4 tháng tới và 15 - 20% tính đến cuối năm nay. Lãi suất cao sẽ hạn chế nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời giảm nhu cầu đầu cơ của người dân.
Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới vì một số lý do.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hết lượng hạn ngạch vàng trị giá 1 tỷ USD cho năm 2008, đồng thời một số nguồn tin cho biết, một số doanh nghiệp sẽ tái xuất vàng. Thứ hai, một phần lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng sẽ được tái xuất. Và thứ ba, nhập khẩu xe hơi chiếm tới 4,4% trong tăng trưởng nhập khẩu từ đầu năm đã chậm lại.
Báo cáo của Morgan Stanley tin tưởng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề lạm phát và thâm hụt thương mại. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ như một công cụ chính để xử lý những khó khăn vĩ mô trong thời gian tới.
Tin ở môi trường đầu tư
Về vấn đề lạm phát, các chuyên gia của HSBC nhận định, trong thời gian tới, tốc độ tăng giá tại Việt Nam sẽ chậm lại do giá gạo sẽ giảm mạnh vì vụ mùa bội thu. HSBC cũng dẫn số liệu của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, Chính phủ đã đạt mức thặng dư ngân sách 4.500 tỷ VND trong quý 1/2008. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang cắt giảm chi thường xuyên và đầu tư.
Với việc tỷ giá VND/USD đang đi xuống, HSBC khẳng định, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng kiểm soát các rủi ro tiền tệ. Báo cáo nhận định, tính thanh khoản của các ngân hàng ở Việt Nam cũng đã bắt đầu được nới lỏng do hoạt động cho vay tại nhiều ngân hàng đã ngừng lại do nhiều ngân hàng quốc doanh đã chỉ tiêu cho vay của cả năm. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cũng không muốn vay vốn thêm vì lãi suất lên cao.
Standard & Poor’s thì cho rằng, các biện pháp can thiệp của Chính phủ Việt Nam giúp giảm tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt thương mại đã và sẽ tiếp tục cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư. Báo cáo cũng đánh giá cao việc các cơ quan chức năng cung cấp dữ liệu kinh tế và tài chính giúp cho công việc dự báo diễn ra tốt hơn. Mặt khác, việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của lĩnh vực ngân hàng cũng giúp các nhà đầu tư tăng cường sự tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
( Theo Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com