Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bất động sản lo đóng băng vì thiếu vốn

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, ông đang rối bời vì giá cả leo thang cộng thêm động thái thắt chặt tín dụng của Nhà nước.

Vị giám đốc cho hay, từ đầu tháng 2 đến nay, thép tăng hơn 2 triệu đồng cùng với giá xi măng biến động. "Dự án còn chưa xong cơ sở hạ tầng, hầu bao ngân hàng lại thu hẹp. Nếu không xoay được hơn chục tỷ đồng trong giai đoạn đầu, dự án có nguy cơ đắp chiếu", vị giám đốc bộc bạch.

Kể từ đầu năm đến nay, thị trường địa ốc Hà Nội giao dịch cầm chừng, tỷ lệ thành công không nhiều. Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Thăng Long chia sẻ, bất động sản năm nay sẽ thực sự "lãnh đủ". Ông Việt lý giải, về mặt lý thuyết, khi có thông tin bàn tán về việc cấm kinh doanh vàng miếng và chứng khoán sụt giảm, lẽ ra nhà đầu tư phải rót vốn vào bất động sản. Song thực tế, bất động sản cũng không hưởng lợi gì bởi ngân hàng thắt chặt hầu bao.

Địa ốc Hà Nội vẫn tăng giá đều, song ông Việt cho hay, thực chất chỉ là tăng giá ảo. Vị phó tổng đưa ra minh họa, đích thân ông từng hỏi giá một khu biệt thự ở phía Tây Hà Nội. Trước Tết, căn biệt thự được hét tới 57 triệu đồng mỗi m2 và sau Tết đã vọt lên 64 triệu đồng. Mặc cả lại, chủ đầu tư chốt giá ở mức 60 triệu đồng song thực tế căn biệt thự đã được chào gần 2 tháng nay nhưng vẫn chưa có người mua.

Theo ông Việt nhận định, các dự án chưa xong cơ sở hạ tầng, sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng và đang trong tình trạng góp vốn sẽ buộc phải giảm giá. "Người bán muốn tăng giá những người mua không có tiền. Vốn cũng giống như nước. Nước không có thì lấy đâu ra 'sóng'. Chỉ độ hai ba tháng nữa thôi, chính sách thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản sẽ khiến thị trường lao đao", ông Việt nói.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Cen Group, cho rằng, ngoài thiếu vốn, vấn đề cốt lõi của thị trường bất động sản là giá quá cao so với thu nhập của người dân. Thực tế, có nhiều dự án "bắt tay" với ngân hàng được các nhà băng mở rộng hầu bao song người dân vẫn hững hờ. "Trong khi thu nhập người dân có hạn, doanh nghiệp vẫn đua nhau bán giá 'trên trời' lên tới hơn 2.000 USD mỗi m2. Định vị thị trường sai khiến những dự án này rất khó thanh khoản", ông Hưng lo ngại.

Thêm vào đó, giá cả nguyên vật liệu tăng cao cùng với 16 dự án chủ yếu ở khu vực Mê Linh dọc sông Hồng phải dừng lại do điều chỉnh quy hoạch phân khu thủ đô khiến ông Hưng cho rằng, địa ốc năm nay sẽ không hề "dễ thở". Do đó, theo ông Hưng, chỉ những dự án có giá cả phải chăng mới thu hút được sự quan tâm của người dân.

Theo khảo sát về việc chọn kênh đầu tư trong năm nay của VnExpress.net, vàng vẫn chiếm vị trí áp đảo với gần 20.300 phiếu bình chọn chiếm tỷ lệ 37,8% trong tổng số hơn 53.500 phiếu. Bất động sản đứng vị trí á quân với 13.389 phiếu tương đương với gần 25%. Cổ phiếu và hình thức gửi tiết kiệm đứng thứ 3 với 14,7%. Ngoại tệ đứng ở vị trí cuối cùng. Điều này cho thấy, hiện tại, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Song nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại, vài tháng nữa, khi ngân hàng siết tín dụng, nhà đầu tư sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 2, tổng dư nợ về tín dụng đối với khu vực phi sản xuất là 431.000 tỷ, chiếm 18,7% tổng dư nợ tín dụng. Chủ trương của Chính phủ là giảm dần tốc độ và tỷ trọng cho vay khu vực phi sản xuất và siết tín dụng cho vay bất động sản.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô. Địa ốc sẽ không thể phồn vinh khi kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Song trong tình hình trầm lắng chung của toàn thị trường, ông Liêm tin tưởng, vẫn có những phân khúc hoạt động ổn định. Bởi đất đai ở đô thị có tính khan hiếm và càng về lâu về dài nó càng tăng giá trị.

"Siết tín dụng không có nghĩa là đình chỉ không rót vốn. Những dự án đủ pháp lý, vị trí đắc địa vẫn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư và ngân hàng vẫn mở rộng hầu bao", ông Liêm chia sẻ.

Tại hội nghị triển khai nghị quyết về bình ổn kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Nguyễn Đức Vinh cho rằng, ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn về việc cho vay bất động sản vì nhu cầu về nhà ở của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay đa phần vốn vay bất động sản phục vụ nhu cầu đầu tư lướt sóng. "Do đó, cần phải có quy định rõ ràng để đảm bảo được người có nhu cầu chính đáng vẫn được quyền mua nhà và tránh bao cấp cho hoạt động đầu cơ địa ốc", ông Vinh nói.

(VnExpress)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Kinh tế tập đoàn có hiệu quả không?
  • Sai phạm tại các sàn giao dịch Bất động sản: Siết cách nào?
  • Loạn lãi suất “chui”
  • Vấn đề của năm 2011: tỷ giá và lạm phát
  • Lạm phát và bài học năm 2010
  • Sức ép và biện pháp “hạ nhiệt”
  • Việt Nam nên phát hành chứng chỉ vàng giấy?
  • ADB cho rằng Việt Nam cần hạ mục tiêu tăng trưởng GDP
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!