Nhận định về giải pháp bơm ngoại tệ để cứu tỷ giá vừa được thông qua, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng đây chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài thì không có tác dụng.
Trước tình hình giá USD liên tục tăng cao và căng thẳng ngoại tệ thời gian qua, Chính phủ đã quyết định để Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc "bơm" ngoại tệ phục vụ các nhu cầu nhập khẩu thiết yếu, thay vì chỉ nhỏ giọt như thời gian qua, nhằm cứu tỷ giá.
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, xét về hiệu quả trước mắt thì đây là giải pháp rất tốt. Thời gian qua khi USD, vàng liên tục "sốt" giá, người dân đang "chôn" hết tiền vào vàng, USD, cả doanh nghiệp cũng giữ găm USD, nên tiền đầu tư, xoay vòng vào kinh doanh, sản xuất chỉ nhỏ giọt. Điều này đã khiến sản xuất đình trệ, theo đó dẫn đến nhiều hệ lụy như giá cả nhiều mặt hàng, sản phẩm tăng, thị trường chứng khoán rơi vào ảm đạm…. Thế nên việc Ngân hàng Nhà nước "bơm" ngoại tệ để cứu tỷ giá là giải pháp đáng hoan nghênh trong tức thời, vì tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt, vàng có tăng cũng chỉ là do ảnh hưởng giá thế giới chứ không do việc làm giá trong nước như trước đây. "Tôi đảm bảo sau thông tin này, dân sẽ đổ xô đi bán vàng, USD, nếu giá vàng không bị đẩy tăng do giá thế giới", ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cùng với việc bơm ngoại tệ, Chính phủ chủ trương để lãi suất tiền đồng vận hành theo cơ chế thị trường, thay vì yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp như trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận lãi suất trên thị trường tăng lên. Lãi suất tăng có tác động hai mặt, trong đó mặt tích cực là thu hút người dân gửi tiền vào ngân hàng trong bối cảnh vàng, USD hạ nhiệt, từ đó tiền lưu thông vào sản xuất, kinh doanh lớn mạnh hơn.
“Tuy nhiên, tôi hy vọng việc cung ứng đồng ngoại tệ lúc này của Chính phủ chỉ để giảm nhiệt tỷ giá, còn về lâu dài thì Chính phủ nên có những biện pháp khác mạnh hơn, dài hơi hơn để ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp. Những biện pháp có thể kể đến như giảm chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách, tăng hiệu quả sản xuất, chính sách xuất nhập khẩu và tỷ giá rõ ràng, chính sách tiền tệ mạch lạc…”, tiến sĩ Dương nói.
Cũng theo tiến sĩ Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính ngân hàng cấp cao, việc cung ngoại tệ để hạ nhiệt tỷ giá chỉ là một giải pháp tình thế - như một liều thuốc morphin giảm đau cấp thời và sẽ không có tác dụng lâu dài. Tháng 7/2009 Chính phủ cũng đã có giải pháp tương tự, song vì phương án dài hơi không có nên bây giờ lại rơi vào lại "bệnh" cũ. Thực hiện giải pháp này có nghĩa là nền kinh tế đang có nhiều bất ổn vĩ mô và sẽ có những tác động tiêu cực nhất thời, điển hình nhất là làm tổn thất quỹ dự trự USD của Ngân hàng Nhà nước, làm tổn thương thêm hình ảnh và giá trị tiền đồng trong dân chúng, và chỉ số tín nhiệm tín dụng của Việt Nam có thể tiếp tục bị xuống hạng.
“Hơn 10 năm qua chúng ta đã đánh mất nhiều cơ hội ổn định tỷ giá và tạo niềm tin giá trị VND. Đúng là phải có và thực hiện một cụm những giải pháp vừa hành chính vừa thị trường. Nhưng theo tôi, bằng mọi giá phải đặt mục tiêu cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam phải sử dụng tiền đồng, nghĩa là VND là phương tiện trao đổi và thanh toán. Không có được mục tiêu này thì sẽ quá khó trong cuộc vật lộn triền miên để quản lý sự biến động của và giữa vàng/VND/USD”, ông Nhi bàn về giải pháp căn bản, lâu dài.
Bên cạnh đó, việc bơm ngoại tệ đồng nghĩa với khả năng lãi suất tiền đồng trên thị trường chắc chắn tăng lên. Điều này có thế gây những xáo trộn ngắn hạn trên thị trường tín dụng và trì trệ trong đầu tư của lĩnh vực tư nhân – vốn không được ưu đãi về vốn vay. Việc này đồng thời sẽ trở thành những bất ổn trung và dài hạn nếu tình hình lạm phát không được kéo về dưới 6 - 7% vào quý 2 năm 2011.
Còn theo một lãnh đạo của một ngân hàng thương mại lớn, nhiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước ban hành hay và đúng thời điểm, nhưng hiệu quả chưa cao. Ngân hàng Nhà nước nên làm chủ thị trường tự do. Thay vì cấm đoán, Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các cửa hàng, công ty tham gia vào buôn bán vàng, ngoại tệ phải nộp báo cáo giao dịch trong vòng 1 - 2 tuần kể từ ngày giao dịch. Điện toán hóa hệ thống báo cáo. Chúng ta phải phạt nặng nếu họ trễ nải hoặc báo cáo sai. Tất cả các nước phát triển đều thấy có một cơ quan trực thuộc chính phủ làm công tác này.
Mục đích thứ nhất là chống rửa tiền, thứ hai là chống trốn thuế và thứ ba là sử dụng vào thống kê nhằm đưa ra những quyết sách hợp lý cho thị trường tự do.
"Một vấn đề lớn mà tôi thấy có ảnh hưởng tới vấn đề tỷ giá, đó là việc buôn bán hàng lậu. Chúng ta nên quan tâm hơn đến hoạt động ngoại tệ và mua bán hàng lậu ở biên giới. Ngoài việc nhập hàng lậu, dân buôn tuồn một lượng ngoại tệ lớn ra ngoài, nhiều dân buôn còn bán ngoại tệ ở khu vực cửa khẩu", vị này nói.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com