Tập đoàn dịch vụ tài chính Mỹ The Motley Fool hôm thứ Ba (12/5) có công bố một bản báo cáo cho biết, bộ tứ BRIC đã trở thành một nhánh sức mạnh có ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, nhưng theo thực lực hiện nay, 4 nước này dù có hợp sức cũng không thể lung lay vị trí tiền tệ dự trữ quốc tế chủ yếu của đồng USD. Cũng theo bản báo cáo này, bất luận là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng RUB của Nga, đồng Rupee của Ấn Độ hay đồng Real của Brazil trong một thời gian khá dài cũng không thể thay thế được vị trí tiền tệ dự trữ quốc tế chủ yếu của đồng Mỹ kim.
Năm ngoái, trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại Nga, lãnh đạo của bốn nước BRIC đã đề xuất dùng đồng nội tệ để tiến hành thanh toán thương mại giữa 4 nước, nhằm mục đích từ từ thay thế đồng USD. Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra sau đó, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev kiến nghị sáng lập ra một loại “tiền tệ thế giới” để thay thế tiền tệ quốc tế USD.
Tháng trước, trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai mà BRIC tổ chức tại Brazil, lãnh đạo bốn nước lại cùng đề xuất yêu cầu cải cách trật tự cũ của nền kinh tế quốc tế, tăng quyền phát ngôn cho các quốc gia đang phát triển tại Ngân hàng thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, đồng thời còn yêu cầu giảm địa vị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ và thương mại quốc tế, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng cho các nước khi đồng USD mất giá.
Báo cáo của The Motley Fool còn cho biết, bốn nước này đều là những quốc gia có thặng dư thương mại, sở hữu một kho dự trữ đồng USD khá lớn, do đó, nếu đồng USD mất giá liên tục sẽ khiến số tài sản dự trữ của những quốc gia này bị thu hẹp. Cũng theo báo cáo, mặc dù thực lực kinh tế của cả bốn nước BRIC đã gần bằng Mỹ, nhưng chỉ dựa vào nỗ lực của 4 quốc gia này cũng vẫn không thể lung lay được vị trí của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Ít nhất trong 10 năm tới, đồng USD vẫn sẽ là tiền tệ quốc tế chiếm vị trí chủ đạo tuyệt đối trong nền
kinh tế thế giới.
Báo cáo còn cho hay, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có một quốc gia có thực lực kinh tế đủ sức để đối kháng với Mỹ. Theo “World Factbook” mà Cục tình báo trung ương Mỹ công bố, GDP của Mỹ trong năm 2009 đã đạt 14260 tỷ USD, GDP của Trung Quốc là 8790 tỷ USD (tính theo sức mua tương đương). Mặc dù tổng số GDP của 26 nước thành viên Liên minh châu Âu đã lên tới 14510 tỷ USD, miễn cưỡng đã vượt qua Mỹ, nhưng khủng hoảng nợ Hy Lạp đã khiến nỗ lực tiền tệ chung của EU bị tác động nặng nề. Sự sụt giảm liên tục cũng khiến mối đe dọa của đồng EUR đối với địa vị độc quyền của đồng USD càng ngày càng nhỏ.
Nếu xác định kiểu tính tỷ giá hối đoái dựa theo sức mua tương đương thì tổng số GDP của bốn nước BRIC đã vượt qua Mỹ, đạt tới 16490 tỷ USD. Nhưng nếu xác định kiểu tính tỷ giá hối đoái dựa theo mỗi nước thì tổng số GDP của 4 nước này chỉ là 8640 tỷ USD, chỉ tương đương với 60% của Mỹ. Số liệu này cho thấy, việc họ thách thức Mỹ chỉ là một điều “lực bất tòng tâm”.