Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan chức năng khác đang và dự định thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, trong đó có cả các biện pháp mang tính hành chính.
Việc Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, vụ bắt quả tang giao dịch 400.000 USD ngoài hệ thống ngân hàng hay hiện tượng thị trường ngoại tệ tự do "án binh bất động" trong vài ngày gần đây là những biểu hiện cụ thể của việc sử dụng các biện pháp này.
Trở lại với các biện pháp hành chính để quản lý thị trường có lẽ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ của các cơ quan nhà nước. Đây cũng là băn khoăn lớn nhất mà các tổ chức phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhiều lần bày tỏ khi đề cập đến các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng để ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày kinh tế nước ta chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cũng là lúc Chính phủ tuyên bố và thực tế đã từng bước thay thế dần các biện pháp hành chính bằng các biện pháp kinh tế để điều tiết thị trường. Để thực hiện biện pháp kinh tế, cần có công cụ kinh tế. Theo đó, để điều tiết thị trường ngoại hối, cần có dự trữ ngoại tệ. Vậy nhưng, dự trữ ngoại hối của chúng ta vốn mỏng, lại có chiều hướng vơi dần trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, không khó để dự đoán khả năng NHNN sẽ buộc phải quay lại với các biện pháp hành chính ở một chừng mực nhất định, nếu muốn can thiệp thị trường ngoại tệ.
Thị trường ngoại tệ đã có thể ổn định nếu NHNN chủ động can thiệp sớm. Quy định ngoại tệ không được giao dịch tự do mà chỉ được giao dịch có điều kiện với hoặc thông qua các tổ chức được phép (kinh doanh ngoại hối) đã có trong Pháp lệnh về quản lý ngoại hối năm 2005, có hiệu lực từ 1/6/2006 đến nay. Như vậy, cơ quan chức năng "siết" thị trường ngoại tệ tự do thực ra là làm một việc vốn phải làm từ lâu.
Có ý kiến cho rằng, nếu NHNN tiến hành kết hối ngoại tệ từ nhiều năm trước, câu chuyện tỷ giá ngày nay có thể sẽ khác. Cuối năm 2008, khi vấn đề tỷ giá trở nên nóng bỏng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi tổng kết hoạt động của ngành ngân hàng, từng gợi ý NHNN có thể dùng biện pháp kết hối để can thiệp thị trường nếu thấy cần thiết. Gợi ý đó là có lý, bởi với những nền kinh tế mới mở cửa như nước ta, kết hối được xem là biện pháp cần thiết để NHNN có điều kiện tích lũy dự trữ ngoại tệ - công cụ kinh tế để điều tiết thị trường hối đoái. Đó cũng là cách mà nước láng giềng Trung Quốc đã làm trước đây và giờ đang có kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.
Các biện pháp hành chính bắt đầu được thực hiện và thị trường ngoại tệ đã bình lặng, thị trường chứng khoán, bất động sản còn nhờ đó mà khởi sắc trở lại. Nhưng rõ ràng, đó mới chỉ là sự chuyển biến về mặt hiện tượng và chỉ có ý nghĩa tình thế. Nền kinh tế cần có sự thăng bằng từ gốc rễ, bằng cơ cấu cân đối và năng lực cạnh tranh tốt, để có thể tăng trưởng ổn định, bền vững.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com