Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Tổng”, “tập” nhà nước bán ngoại tệ: Cách nào tránh “đầu voi đuôi chuột”?

picture
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước phát đi 7 giải pháp triển khai, trong đó yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Thay vì chỉ có bảy đơn vị như Thông tư 26 thì nay, tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Đây là điều cần thiết, nhưng mặt khác là tại sao đến nay, việc nâng cao khả năng chuyển đổi VND vẫn chưa được đặt ra một cách quyết liệt?

Cần cơ chế rõ ràng

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước phát đi 7 giải pháp triển khai, trong đó yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Đánh giá về chủ trương trên, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Vốn và Kinh doanh vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói: “Thị trường sẽ được bổ sung một nguồn cung ngoại tệ khá lớn trong khi việc quản lý không phức tạp do số lượng đối tượng thực hiện không nhiều”.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ước đoán số lượng ngoại tệ mà nhóm đối tượng này bán cho ngân hàng có thể tới 5 - 6 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, theo ông này, đối với sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ mấy năm gần đây, hãy khoan nói đến những vấn đề to tát như thâm hụt thương mại, mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, mà trước mắt, nên nhìn vào những bất cập trong hệ thống văn bản luật pháp, từ pháp lệnh đến các thông tư.

Thứ nhất, gần 6 năm trước, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngoại hối, tại khoản 2, điều 41 pháp lệnh này đã ghi: “Khi xét thấy cần thiết, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ được áp dụng các quy định về nghĩa vụ bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức”. Thế nhưng, từ 2007 đến nay, dù trung bình mỗi năm thị trường ngoại tệ lên cơn sốt vài ba lần khiến Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá, nhưng khả năng kết hối theo Pháp lệnh vẫn bỏ ngỏ.

Thứ hai, khoảng cuối 2009, lúc thị trường ngoại tệ căng thẳng, Chính phủ yêu cầu bảy tập đoàn, tổng công ty gồm: Dầu khí, Than - Khoáng sản, Công nghiệp Hóa chất, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lắp máy bán ngoại tệ cho ngân hàng và theo chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 26/2009/TT-NHNN.

Khá nhiều cán bộ kinh doanh ngoại tệ ở một ngân hàng lớn cho biết, thời gian đầu thực hiện Thông tư 26, bảy đơn vị nói trên bán ngoại tệ cho ngân hàng khá nghiêm túc và nhờ đó, dòng ngoại tệ kinh doanh của ngân hàng tương đối dồi dào. Nhưng về sau, số lượng ngoại tệ họ bán cho ngân hàng này cứ ít dần. Các doanh nghiệp này đưa ra nhiều lý do giải thích, chẳng hạn: “Chúng tôi có ngoại tệ đấy nhưng tập đoàn tôi sắp mở dự án bên Lào, Campuchia nên phải để lại!”, do đó, một lượng ngoại tệ lớn được họ găm lại trên tài khoản tiền gửi.

Từ thực tế này, những cán bộ kinh doanh ngoại tệ nói trên cho rằng, trước khi thực hiện “kết hối” theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì phải sơ kết lại Thông tư 26 để có một cơ chế rõ ràng, minh bạch và đảm bảo lợi ích công bằng. Trong đó, không thể không đề cập đến việc giám sát số lượng bán, mua; cơ chế bán, mua; giá… cũng như cơ chế kiểm tra kiểm tra tài khoản tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp…, để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.    

Nâng cao tính chuyển đổi

Mặc dù tại điều 3, Pháp lệnh Ngoại hối đã ghi rõ: “Thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam; thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam”, nhưng đến nay, tính chuyển đổi của đồng Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.

Liên quan đến khả năng chuyển đổi VND trong giao dịch thương mại quốc tế, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói: “Ở một mức độ nào đó, việc chuyển đổi đồng tiền bản địa trong thanh toán quốc tế ở thời điểm hiện nay có thể làm được”. Theo ông, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu cả nước là 84 tỷ USD, nếu 10% trong số này (8,4 tỷ USD) được thanh toán cho đối tác bằng VND thì áp lực tỷ giá sẽ giảm đi rất nhiều.

Phân tích về giả thuyết đối tác tỏ ra ngại ngần nắm giữ VND khi mà mỗi năm, giá trị VND mất đi khoảng 10% so với USD, ông Phước lý giải, vấn đề ở đây là phải bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho đối tác ở mức chấp nhận được; đồng thời, chứng minh cho họ thấy lợi ích từ sự chênh lệch lãi suất “đô - đồng”.

Chẳng hạn, hiện nay lãi suất VND là 18%/năm nhưng lãi suất USD ở Nhật là 0,1%/năm, ở Mỹ là 0,25%/năm; nếu giữ VND, họ được lợi 17,9%/năm hoặc 17,75%/năm. Còn lúc nào họ muốn chuyển đổi VND sang USD thì đáp ứng yêu cầu cho họ.

Điều ông Phước nói không phải không có cơ sở, bởi trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước là hết sức bình thường. Vấn đề ở đây là đàm phán. Muốn đàm phán thành công, thì phải đảm bảo lợi ích cả hai bên, mà trong trường hợp này là chênh lệch lãi suất và bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

Có một thực tế ngậm ngùi lâu nay, là Việt Nam mua Camry thì phải trả bằng USD, còn Nhật mua gạo hay hàng hóa khác của Việt Nam lại không thể trả bằng VND.

Giả định khả năng nói trên thành hiện thực, thì mỗi năm, nếu kim ngạch nhập khẩu cả nước 84 tỷ USD, nền kinh tế sẽ được dự phòng tới 8,4 tỷ USD. Đó là lực lượng ngoại tệ góp phần rất lớn bình ổn thị trường, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá.

(Theo Vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bước lùi tình thế
  • Nâng các mức lãi suất chủ chốt: Một mũi tên trúng hai đích
  • Tình trạng “Đôla hóa” tại Việt Nam
  • “Giá hợp lý” ngoại tệ là bao nhiêu?
  • Nói và Làm: Phố ngoại tệ đóng, cửa ngân hàng chưa mở
  • Thắt chặt chi tiêu công : Bài học từ EU
  • Lãi suất tăng cao, số dư tiền gửi bằng đồng Việt Nam vẫn giảm
  • Bão giá lương thực thật ra là khủng hoảng USD?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!