Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng, tiềm năng có nhưng khó phát triển

Cho vay tiêu dùng là sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như mua nhà, mua ô-tô cho đến các khoản vay nhỏ như vay mua đồ gia dụng...

Tuy nhiên, đa số các ngân hàng thương mại cho biết, dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển chưa xứng với tiềm năng của thị trường có tới hơn 85 triệu dân và dân số trẻ chiếm đa số.

Chóng mặt vì lãi cao, điều kiện khó

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hương đang sửa nhà nhưng thiếu khoảng 30 triệu đồng, cho nên chị quyết định vay ngân hàng rồi sẽ trả dần bằng lương. Khi đến Sở giao dịch Vietcombank Hà Nội để hỏi vay thì chị mới hay là điều kiện của mình không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng này. Nhân viên ngân hàng cho biết, chị chỉ đáp ứng được một yêu cầu của ngân hàng là lương đã được trả qua thẻ của Vietcombank. Còn thu nhập của chị chỉ là năm triệu đồng/tháng cho nên ngân hàng không thể cho chị vay vì theo quy định của ngân hàng, khách hàng phải có mức thu nhập từ sáu triệu đồng/tháng trở lên mới được vay. Anh Nguyễn Văn Kiên ở phường Thành Công, quận Ba Ðình (Hà Nội) cũng định vay tiền ngân hàng để mua một mảnh đất. Ðến tìm hiểu thông tin của ngân hàng, anh được nhân viên tư vấn tài chính cá nhân nói là có thể vay một tỷ đồng theo hình thức vay thế chấp vì đáp ứng được đủ các điều kiện như tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng là gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, anh Kiên còn được bố mẹ cho mượn sổ đỏ để thế chấp căn nhà trị giá 3,5 tỷ đồng. Chưa kịp vui mừng vì đủ điều kiện vay tiền, anh Kiên lại gặp nỗi lo mới khi được thông báo lãi suất vay lên tới 1,58%/tháng (tương đương 19%/năm) tính theo dư nợ giảm dần. Anh Kiên ngao ngán: Lãi suất cao thế này thì đi làm chỉ đủ "kéo cày trả nợ" ngân hàng. Dẫu sao, anh Kiên còn được xếp vào hàng may mắn khi được ngân hàng xem xét đến. Nhiều người tiêu dùng khác không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng đã phải tìm đến công ty tài chính như Prudential với lãi suất vay cao "chót vót", đến gần 30%/năm.

Bài toán khó của ngân hàng

Một số ngân hàng cho biết hiện không chủ trương phát triển mạnh cho vay tín chấp vì nhiều lẽ, trong đó có chuyện rủi ro cao, khó quản lý vì khách hàng hầu hết vay món nhỏ. Chính vì vậy, mặc dù có ngân hàng vẫn triển khai cho vay tiêu dùng, nhưng điều kiện lại ngặt nghèo hơn trước. Nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho biết, trước đây ngân hàng này chỉ yêu cầu người vay có hộ khẩu hoặc KT3, thu nhập hằng tháng từ ba triệu đồng trở lên, có chỗ làm ổn định một năm trở lên và có điện thoại cố định. Thế nhưng, hiện nay các ngân hàng đều nâng mức thu nhập đủ điều kiện vay lên thành năm triệu đồng/tháng trở lên, không được ở nhà thuê, kể cả trường hợp có nhà nhưng đã cho thuê và đi thuê lại nhà khác để ở. Nhân viên này cho biết, do hình thức cho vay tín chấp rất rủi ro và lượng khách hàng vay vốn theo dạng này ngày một nhiều cho nên ngân hàng phải tăng thêm điều kiện để "thanh lọc".

"Chắc ăn" hơn, Techcom-bank đã ngưng cho vay tín chấp từ tháng 5-2009 và hiện chỉ còn cho vay tín chấp theo hình thức trả lương qua tài khoản của Techcombank. Nếu khách hàng có nhu cầu vay thì phải vay qua ngân hàng bằng việc thế chấp sổ đỏ, đăng ký ô-tô hoặc sổ tiết kiệm. Về phía khách hàng đi vay, nhiều người cho rằng nhiều thủ tục như vậy thì họ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, ô-tô thì không phải ai cũng có, nhà ở thì có nhưng chưa chắc đã có sổ đỏ.

Các ngân hàng khác cũng cho biết, từ cuối năm 2009, sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cụ thể về kế hoạch thanh tra, kiểm tra chất lượng tín dụng, cho vay hỗ trợ lãi suất, hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng đã "nguội" hẳn. Thay vào đó, các ngân hàng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng có thế chấp, chủ yếu là cho vay mua nhà, xây sửa nhà... nhưng với lãi suất thỏa thuận. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lý giải, sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi rủi ro cao. Hơn nữa, chi phí ngân hàng phải bỏ ra trong quá trình cung cấp dịch vụ này cũng cao hơn nhiều so với cho vay doanh nghiệp. Nhân viên tín dụng vẫn phải thẩm định từng hồ sơ vay vốn. Trong khi, một dự án vay của doanh nghiệp giá trị có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng vay tiêu dùng chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Giám đốc ngân hàng bán lẻ (Sở Giao dịch Hà Nội của Ngân hàng ANZ) Vũ Thanh Thủy cho biết, hiện tại lãi suất huy động tới 11,5%/năm nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Do vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm xuống. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giảng viên giảng dạy chương trình Fullbright cho rằng, khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó thì sản phẩm vay tiêu dùng sẽ được người dân sử dụng rộng rãi. Vay tiêu dùng thực chất là mua sắm bằng thu nhập dự kiến trong tương lai mà hiện nay chưa có đủ. Khi nền kinh tế ổn định thì những dịch vụ như vay tiêu dùng sẽ phát triển hơn, đặc biệt là những khoản vay tiêu dùng phục vụ mục đích hằng ngày.

(Theo Minh Tâm // Nhandan Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
  • Một số quỹ đầu tư đang chịu sức ép thoái vốn
  • Lo ngại biến động tỷ giá là không có cơ sở
  • Xử lý nợ theo tiêu chuẩn mới, ngân hàng khoẻ lên
  • Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư 3,43 tỷ USD
  • Ronald-Peter Stöferle: Không có bong bóng trên thị trường vàng
  • Capital Economics: Việc bỏ đồng euro sẽ có lợi cho 16 nền kinh tế châu Âu
  • Trước lộ trình tăng vốn điều lệ: Các ngân hàng thương mại liệu có kịp về đích?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!