Việc đầu tư dàn trải, chậm tiến độ là những nguyên nhân chính khiến cho hiệu quả đầu tư bằng vốn nhà nước bị sụt giảm. Ảnh: Lê Toàn. |
Tình trạng sử dụng vốn đầu tư nhà nước dàn trải, kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát hồi năm ngoái. Đến nay, tuy lạm phát đã được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, do nỗ lực chống đầu tư dàn trải và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước của Chính phủ vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Chương trình kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời kỳ suy thoái và đang bước vào giai đoạn hồi phục. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chín tháng đầu năm đạt 4,56%, trong đó riêng quí 3-2009 là 5,76%. Các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), HSBC, ANZ... dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 4,7% trong năm nay và khoảng 6,5-6,8% vào năm tới. Tuy nhiên, cùng với chuyển biến tích cực trên, lạm phát cũng có khả năng tăng trở lại và đây có thể là mối đe dọa đối với tốc độ hồi phục của nền kinh tế trong những năm tới.
Chín tháng đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam chỉ mới dừng lại ở 4,11%, nghĩa là còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi trong những tháng cuối năm hoặc vào năm tới.
Theo dự báo của ADB, lạm phát của Việt Nam năm 2010 có thể lên đến 8,5%, cao hơn hai điểm phần trăm so với dự báo về mức tăng GDP do chính tổ chức này đưa ra. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát ở Việt Nam hiện nay có chiều hướng tăng, chủ yếu là do mặt bằng giá nguyên liệu, vật tư trên thế giới đang tăng.
Đó là yếu tố khách quan. Nhưng những yếu kém nội tại của nền kinh tế, như tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chưa phải đã được giải quyết triệt để. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn, tạo cơ hội cho lạm phát cao quay trở lại bất cứ lúc nào.
Những tháng cuối năm ngoái, trước sức ép lạm phát phi mã, Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước phải rà soát và cắt giảm mạnh các khoản đầu tư kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết. Chính phủ cũng yêu cầu chỉ tập trung vốn cho những dự án cần thiết đối với nền kinh tế, nhất là những dự án có thể đưa vào khai thác trong 2009. Nhưng không bao lâu sau, Chính phủ buộc phải chuyển trọng tâm từ chống lạm phát sang chống suy giảm kinh tế, dẫn đến chương trình đầu tư kích cầu ra đời và đây là cơ hội để những dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả quay trở lại.
Sau sáu tháng suy giảm và tăng trưởng chậm chạp, đầu tư của khu vực nhà nước đã tăng mạnh trở lại trong sáu tháng gần đây, nhất là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tính chung chín tháng đầu năm nay, tổng mức đầu tư của khu vực này đã lên đến gần 78.000 tỉ đồng, gần bằng của cả năm ngoái.
Theo báo cáo đánh giá đầu tư sáu tháng đầu năm vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, số dự án sử dụng vốn nhà nước (ngân sách, tín dụng đầu tư nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước...) được quyết định đầu tư trong năm 2009 (chỉ thống kê ở 80% số cơ quan, doanh nghiệp) lên đến 8.810 dự án, chiếm tới 27,4% tổng số dự án đang thực hiện. Số tăng thêm này cao hơn hẳn so với 6.598 dự án dự kiến sẽ hoàn tất và đưa vào khai thác trong năm.
Từ số liệu trên, Bộ KH&ĐT kết luận: “Tình hình đầu tư vẫn còn phân tán”. Cũng theo Bộ KH&ĐT, tình trạng chậm tiến độ, làm cho hiệu quả đầu tư bị suy giảm, vẫn còn khá phổ biến. Trong 19.808 dự án được kiểm tra, có tới 4.076 trường hợp bị chậm tiến độ. Ngoài ra còn có hàng trăm dự án đầu tư không đúng quy hoạch, chất lượng xây dựng thấp, có lãng phí và đấu thầu không đúng quy định...
Đó là chưa kể hơn 4.000 dự án phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, do triển khai chậm dẫn đến giá cả vật tư biến động và những yếu kém về năng lực quản lý của chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công...
Điều đáng nói là qua báo cáo của Bộ KH&ĐT, công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước còn lỏng lẻo. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho hiệu quả sử dụng vốn không cao.
Hiện cả nước có hơn 32.000 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nhưng chỉ chưa đầy 62% có báo cáo đánh giá đầu tư và giám sát gửi về Bộ KH&ĐT theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước chỉ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư chưa tới một nửa số dự án được giao làm chủ đầu tư. Không ít trường hợp tuy có thực hiện, nhưng theo nhận định của Bộ KH&ĐT, chỉ làm mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, thiếu số liệu, thậm chí còn sai số về số học và không thống nhất. Nhiều địa phương cũng không nắm được số liệu tổng hợp về các dự án đầu tư đang được triển khai trên địa bàn của mình.
Bộ KH&ĐT kết luận: “Báo cáo như vậy đã hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung và chưa đáp ứng yêu cầu, mục đích giám sát, đánh giá đầu tư. Tình hình trên đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh kịp thời công tác này trong các cơ quan quản lý nhà nước”.
Với mục tiêu cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT soạn thảo nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công. Việc xây dựng hành lang pháp lý để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực đầu tư này là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cũng không thể hy vọng luật ra đời sẽ giải quyết được mọi bất cập liên quan đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, nếu ý thức về trách nhiệm quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn của những người được giao trực tiếp quản lý không thay đổi. Đồng thời, chừng nào chưa giải quyết dứt điểm được nạn tham nhũng, xâu xé tài sản công ở một số cán bộ, công chức, thì tình trạng sử dụng vốn nhà nước lãng phí, kém hiệu quả sẽ vẫn còn.
Hiệu quả chưa cao Do thực hiện chính sách kích cầu trị giá 8 tỉ đô la, với khoảng 61% thông qua đồng vốn đầu tư phát triển nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đã tăng mạnh qua chín tháng đầu năm. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội chín tháng là 483.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà nước chiếm 36,1% (tăng 45,5%), so với nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 39,3% và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 24,7%. Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc giải ngân nguồn vốn nhà nước chậm, ước đạt 67%; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa được 54%, vốn trái phiếu chính phủ cũng giải ngân chưa đầy 47%. Những điều trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế đạt được có thể vẫn là kết quả của đầu tư theo chiều rộng, chưa đi đôi với chất lượng. "Tổng mức đầu tư toàn xã hội bằng 42,2% GDP so với kế hoạch là 39,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm chỉ còn khoảng 5,2% sẽ khiến cho chỉ số ICOR tăng lên trên con số 8 so với mức 6,66 của năm 2008". Đó là điều mà Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ cần xem lại khi thực hiện đầu tư từ ngân sách cho nền kinh tế năm tiếp theo với những hệ quả đã có thể tính toán được. Ngọc Lan |
(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com