Việc đua nhau đẩy lãi suất vượt trần 14% để tăng thêm nguồn vốn huy động đầu vào của các ngân hàng đang "lợi bất cập hại".
Hội chứng domino của lãi suất…
“Chạy đua lãi suất” là khái niệm trở nên quen thuộc với các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay. Bằng nhiều cách, công khai có, bí mật có, các NH đang nỗ lực để huy động vốn đầu vào, đảm bảo thông suốt thị trường tiền tệ và đáp ứng được nhu cầu đầu ra. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không phải “muốn là được”.
Mặc dù, NHNN khống chế mức trần lãi suất huy động là 14% thì các NHTM lại “nhìn nhau” để đẩy mức trần này vượt rào với mục đích duy nhất: hút được càng nhiều vốn càng tốt. Tuy nhiên, chạy đua lãi suất không hẳn lúc nào cũng giải quyết được vấn đề khi mà theo số liệu của chi nhánh NHNN TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2011, vốn huy động đồng Việt Nam trên địa bàn thành phố chỉ đạt 572.148 tỉ đồng, giảm 7% so với cuối năm 2010. Huy động tiền đồng đã giảm một cách dứt khoát trong ba tháng đầu năm và hai tuần đầu tháng 4/2011 hầu như không tăng.
Đại diện một NHTM trên phố Láng Hạ (Đống Đa, HN) cho biết: “Chính các “ông” Ngân hàng tự làm khổ nhau khi “mạnh ai người đó chạy”. Chỉ cần một ngân hàng có động thái ngầm nâng lãi suất huy động vốn thì ngay lập tức các ngân hàng khác sẽ nâng theo. Không nâng không được! Vì hoặc là làm đúng thì mất khách, thiếu nguồn vào, hoặc là làm theo thì có khách mà “chưa” bị phạt, nguồn tiền vào sẽ giải quyết được nhiều vấn đề”.
Vị đại diện này cũng chia sẻ thêm rằng việc tự ý ngầm nâng lãi suất hoặc thỏa thuận với khách hàng dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại” khi người dân lại có thêm tâm lý chờ đợi lãi suất cao hơn nữa. Bình thường, khi dòng tiền được đưa vào ngân hàng thì có tính luân chuyển rất nhanh và chỉ một thời gian ngắn sau sẽ quay trở lại nhưng bây giờ, con đường đi lòng vòng hơn, lâu hơn và ngân hàng sẽ phải chịu thiệt thòi hơn.
Rõ ràng, căng thẳng về lãi suất là một trong những nguyên nhân khiến cho dòng tiền vào thị trường dao động ở mức yếu. Theo tính toán thì đến ngày 21/4/2011, tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm 1,09% so với tháng trước (nguồn IMF, NHNN). Nhiều NHTM nhỏ và vừa đang rơi vào tình trạng cạn nguồn vốn VNĐ cho vay. Một cách tự động, càng khan nguồn tiền thì càng đẩy lãi suất huy động lên cao, khi đầu vào lên quá cao thì đầu ra cũng phải gánh thêm chi phí. Nếu mức chi phí không được người vay chấp nhận nữa thì ngân hàng lại phải gánh rủi ro về tính thanh khoản đầu tiên.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM thì tình trạng căng thẳng lãi suất hiện nay một phần từ thị trường mở, một phần từ thị trường liên ngân hàng. Mới đây nhất, NHNN đã nâng mức lãi suất tái cấp vốn lên đến 14%/năm thì ngay lập tức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng theo, có khi lên đến 20%/năm. Mặc dù lãi suất cao như vậy nhưng các ngân hàng nhỏ vì thiếu tính thanh khoản nên vẫn chấp nhận vay, kéo theo lãi suất liên ngân hàng tăng và lãi suất huy động cũng tăng theo.
TS. Dương cũng khẳng định rằng: “Lãi suất chỉ giảm khi áp lực lạm phát được kiểm soát”. Theo ông, để làm được điều này thì bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 11/2011/NQ-CP.
Một chuyên gia ngân hàng khác cũng nhận định: “Trong cuộc chơi mà người chơi chỉ tự ngầm hiểu với nhau thì những ai thực lực yếu sẽ sớm bị rớt lại. Thực tế, việc khan hiếm tiền đồng tại các ngân hàng là có thật nhưng thiếu với người thiếu và vẫn đủ với người đủ”.
… và tâm lý chờ đợi của người dân
Chị Phan Hoa (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Khi hạ lãi suất tiền USD xuống còn 3%/năm, tôi đã đi bán 200.000 USD của mình ra tiền Việt để gửi và hưởng lãi suất 14%/năm. Nhưng bạn tôi bảo, nếu số tiền nhiều thì có thể thỏa thuận được lãi suất nhiều hơn 14%/năm. Tôi thử hỏi một ngân hàng khác và quả nhiên là mức lãi suất hấp dẫn hơn nên tôi rút về”.
Như vậy là, dù cho mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang dương thì phần vốn VNĐ lại đang bị chia sẻ ở đâu đó hoặc trôi nổi trên thị trường mà không quay trở lại với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Nhiều người như chị Hồng (Quận Tây Hồ, Hà Nội) lại chọn cách rút tiền về và “găm” vào bất động sản. Chị Hồng lý luận: “Dù bất động sản bây giờ không “hot” nữa nhưng vẫn an toàn hơn và là của tôi. Tôi không dại gì đem tiền của mình cho một ông khác đầu tư trong khi tỷ lệ lợi nhuận chia cho tôi lại thấp và lấy gì làm đảm bảo khi một ngày nào đó “gửi vào con bò, rút ra còn cái đuôi?”
Một nhà đầu tư chứng khoán khác là anh Trung Kiên ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội lại chia sẻ quan điểm: “Khi chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng, điều đó có nghĩa là lạm phát vẫn đang ở mức rất cao, cần kiểm soát chặt hơn nữa. Thị trường chứng khoán ảm đạm và niềm tin vào các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay giảm sút nên tôi và nhiều người chọn cách án binh bất động. Không lao ra kiếm tiền nhưng cũng không tung tiền ra nữa. Phải chờ đợi để tránh rủi ro”.
Vì vậy, theo một chuyên gia kinh tế cao cấp thì bài toán đặt ra cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng càng căng thẳng thêm khi không thể hoặc khó có thể hút được nguồn vốn dồi dào từ trong dân. Nên chăng các ngân hàng phải thống nhất được với nhau tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bằng thì mới đảm bảo được sự ổn định, nhất quán trong cách điều chuyển thị trường tiền tệ. Chừng nào vẫn “mỗi người một phách” thì chừng đó người dân có tiền gửi vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” để theo dõi mà không tham gia chơi cùng.
(VTC News)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com