Trả lời báo chí, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình có một phát biểu gây “sốc” khi khẳng định sẽ “định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương” bởi ông cho rằng đó là điều “vô lý”.
Theo lý lẽ của người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ thì “ở các nước người dân mở tài khoản, ngân hàng giữ hộ tiền, (chứ) ngân hàng không phải là kênh đầu tư… Nếu người dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán”.
Hàng chục vạn người có tiền gửi ngân hàng đã xôn xao về phát biểu này. Bởi lẽ suốt mấy tháng nay người dân cố gắng chịu đựng mức lãi suất tiền gửi bị NHNN khống chế 14%, trong khi chỉ số lạm phát so với cùng kỳ đã trên 20%, so với cuối năm 2010 là trên 17%. Cố chịu vì họ hy vọng lạm phát sẽ được kéo giảm, đồng nội tệ họ đang nắm giữ sẽ lên giá và sinh lời tí chút nhờ lãi suất tiền gửi. Tuyệt đại đa số không ai có nhu cầu nhờ “ngân hàng giữ hộ tiền” như thống đốc nói cả!
Hơn thế, tâm lý xã hội cũng cho rằng gửi tiền tiết kiệm là một cách thức đầu tư (đơn giản nhất) khi họ chưa đủ điều kiện mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì thế trên trang chủ của hàng chục tờ báo điện tử có treo mục “Thăm dò ý kiến” về các kênh đầu tư vốn hiện nay thì mục “Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng” hiện đang được đông người tham gia biểu quyết chọn lựa nhất bởi các kênh bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, vàng… quá rủi ro!
Ai cũng biết ba, bốn năm trước thị trường chứng khoán “rực rỡ” thế nào và sau đó đã “đổ nhào” ra sao. Cơn “lũ quét” đó đã không buông tha bất kỳ ai, mà đáng thương hơn cả là những người dân thiếu kinh nghiệm, chậm chân, tham gia thị trường vào lúc đám đầu cơ đã rút hết. Đến nay nắm trong tay đám cổ phiếu còn “rẻ hơn rau muống” ấy nhiều người nửa khóc nửa cười và việc phục hồi niềm tin cho họ vào kênh đầu tư này không phải là chuyện dễ dàng. Ngay cả người có trách nhiệm ngành tài chính từng hơn một lần nói: “Có tiền sẽ đầu tư chứng khoán” còn “việt vị” thì đòi hỏi ai đó rút vốn đầu tư vào chứng khoán lúc này còn khó hơn việc dời sơn, lấp bể.
Thực thi Nghị quyết 11, Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp nâng cao niềm tin vào giá trị đồng nội tệ, dùng nhiều biện pháp hành chính để giảm sức nóng của các kênh ngoại tệ, vàng và bất động sản nhằm thu hút vốn vào ngân hàng… Không dưới một lần, Thủ tướng nói phải bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Nay nghe tuyên bố như thế người dân hỏi nhau: Vậy gửi tiết kiệm để làm gì?
(Pháp luật TPHCM Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com