Kinh tế toàn cầu suy thoái đã ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không thoát khỏi khó khăn này. Tuy nhiên, bên cạnh gam màu tối đó, vẫn còn một số điểm sáng.
Ra đi và trì hoãn
Sự kiện Công ty SP Chemicals Ltd (Singapore), chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking ở Phú Yên (vốn đầu tư dự kiến lên tới 11 tỉ đô la Mỹ), mới đây xin dừng thực hiện dự án không phải là trường hợp cá biệt trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, sự ra đi của SP Chemicals đã góp phần tạo thêm một “mảng tối” trong lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Không như nhiều dự án khác, dự án này được chính quyền địa phương hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai. Phía tỉnh Phú Yên đã lập thủ tục về thỏa thuận địa điểm và chủ trương thu hồi đất phục vụ cho dự án; lập quy hoạch chi tiết và chỉ định thầu theo hình thức chìa khóa trao tay xây dựng khu hành chính mới và khu tái định cư để di dời hầu như toàn bộ dân xã Hòa Tâm để nhường đất cho nhà đầu tư.
Mặt khác, với dự án này, tỉnh Phú Yên đã điều chỉnh quy hoạch sử dụng 1.300 héc ta đất và 1.300 héc ta mặt nước biển khu vực xã Hòa Tâm; bổ sung cảng biển chuyên dùng tại Bãi Gốc vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010; quy hoạch khu công nghiệp lọc hóa dầu vào quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam cũng như quy hoạch phát triển ngành hóa dầu Việt Nam giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2025.
Như vậy, việc dừng thực hiện dự án của SP Chemicals đồng nghĩa với việc sẽ phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh và của cả ngành hóa dầu, quy hoạch phát triển khu công nghiệp của Việt Nam, nếu như không có một nhà đầu tư nước ngoài nào khác thay thế.
Sự việc hiện nay chưa được chính quyền địa phương và chủ đầu tư công bố chính thức, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng nguyên nhân là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Tương tự trường hợp của SP Chemicals, nhiều dự án lớn khác trong ngành sắt thép, bất động sản, công nghiệp... cũng không được triển khai.Một cuộc rà soát các dự án trọng điểm trong quy hoạch ngành thép gần đây của Bộ Công Thương cho thấy trong số năm dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2007-2015, có hai dự án dừng và không triển khai.
Đó là dự án thép cán nóng liên doanh giữa tập đoàn Essar của Ấn Độ (dự định góp 65% vốn điều lệ) và hai đối tác trong nước góp 35% vốn còn lại. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 527 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên, do tình hình tài chính và thị trường khó khăn, đối tác Ấn Độ đã đề nghị tạm dừng triển khai dự án để nhượng lại phần vốn pháp định cho đối tác Việt Nam. Dự án này hiện chưa xác định thời điểm khởi công, dù liên doanh đã ra đời từ năm 2007.
Ngay cả nhà đầu tư Dubai World thuộc các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), vốn có năng lực tài chính cũng phải đề nghị giãn tiến độ của dự án quy hoạch Đầm Nhà Mạc ở tỉnh Quảng Ninh khoảng sáu tháng. Đây là dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mà Dubai World thông qua công ty thành viên của mình là Limitless LLC để xây dựng tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thương mại với quy mô lớn.
Tương tự, một nguồn tin có thẩm quyền thuộc Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc TPHCM cho biết, một tập đoàn bất động sản thuộc xứ sở dầu mỏ này cũng đã rút lui kế hoạch đầu tư dự án hàng tỉ đô la Mỹ vào khu đô thị này sau một thời gian dài khảo sát, nghiên cứu với lý do tình hình kinh tế gặp khó khăn.
Việc các dự án bị chậm trễ tiến độ là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn là tính khả thi của dự án. Nếu như các nhà đầu tư chứng minh được tiềm lực và khả năng tiếp tục triển khai dự án thì việc hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước là điều cần làm. Tuy nhiên, trong điều kiện ngược lại, nhiều dự án sẽ buộc phải thu hồi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới có hiệu quả hơn.
Ở lại và tiếp tục đầu tư
Thực ra, trong lúc khó khăn này vẫn có nhiều nhà đầu tư quyết tâm đẩy nhanh việc triển khai dự án đầu tư hoặc tìm kiếm các đối tác khác để cùng nhau phát triển dự án đang thực hiện dở dang.
Theo các chuyên gia, đây chính là lúc để điểm lại và đánh giá phần nào thực lực tài chính và quyết tâm của nhà đầu tư. Bởi lẽ những năm trước, Việt Nam đã thu hút một lượng lớn vốn đăng ký nhưng cần giải ngân trong nhiều năm.
Chỉ tính riêng hai năm 2007-2008, tổng vốn FDI đăng ký mới đã lên tới 85 tỉ đô la Mỹ, gấp hơn hai lần tổng số vốn đăng ký trong suốt 19 năm trước cộng lại. Với một nguồn vốn lớn như vậy, vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng là thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai dự án hơn là thu hút thêm quá nhiều dự án mới.
Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc là một trong số ít nhà đầu tư triển khai dự án đúng theo kế hoạch. Hiện dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động có vốn đầu tư 670 triệu đô la Mỹ này, đặt tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đã đi vào sản xuất hồi tháng tư vừa qua, đúng một năm sau ngày khởi công.
Một đại diện của Samsung Vina cho biết phần lớn sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu và những lô hàng đầu tiên đã đến thị trường Đông Nam Á. Nhưng đây mới là giai đoạn 1 của dự án với công suất khoảng 30 triệu sản phẩm/năm và Samsung cam kết sẽ tiếp tục phát triển các giai đoạn tiếp theo để đạt công suất đến 100 triệu sản phẩm/năm.
Trong khi đó, tập đoàn Sparton của Mỹ với hơn 109 năm sản xuất các sản phẩm điện tử, điện cơ phục vụ cho ngành hàng không, vận tải, viễn thông, công nghiệp và công nghiệp y tế, khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng và tăng sản xuất ở Việt Nam sau bốn năm hoạt động tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), tỉnh Bình Dương.
Trong chuyến khảo sát thị trường Việt Nam mới đây, ông Cary B. Wood, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Sparton, tiết lộ rằng Sparton đã quyết định đóng cửa bớt một trong năm nhà máy sản xuất ở Mỹ và sẽ chuyển các thiết bị sản xuất từ nhà máy này đến Công ty Spatronics Việt Nam - vốn đang sản xuất rất hiệu quả.
Theo ông Cary, việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam nằm trong chiến lược của tập đoàn để tạo chuỗi cung ứng có tính kinh tế hơn cho tập đoàn cũng như khách hàng. Dự án đầu tư ở Việt Nam cũng là dự án duy nhất của tập đoàn ở khu vực châu Á. Dù sản phẩm của công ty không phục vụ trực tiếp cho thị trường Việt Nam, nhưng ông Cary cho biết ông tin tưởng vào môi trường đầu tư và nguồn lao động địa phương cho việc phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại đây.
Tháng rồi, Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia thuộc tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) đã khởi công nhà máy sản xuất các động cơ tại khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai, với quy mô vốn đầu tư lên đến 77 triệu đô la Mỹ. Tương tự, tập đoàn GE Energy (Mỹ) cũng vừa cho khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tua bin phát điện bằng sức gió tại khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng.
Với tổng vốn đầu tư 61 triệu đô la Mỹ, nhà máy sẽ hoàn thành vào quí 1-2010. Tập đoàn GE Energy cam kết sẽ tuyển dụng toàn bộ lao động địa phương, dự kiến khoảng 500 người cho nhà máy này.Quả thật, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khó khăn của nhà đầu tư này cũng được xem là thời cơ cho nhiều nhà đầu tư khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Trường hợp này đúng với Tata International Limited - một tập đoàn sản xuất và kinh doanh lớn của Ấn Độ.Tata cho biết tập đoàn vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch đầu tư dự án nhà máy thép 5 tỉ đô la Mỹ ở Hà Tĩnh. “Trong thời gian qua, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ để đi đến việc thực hiện dự án đầu tư này.
Mọi thủ tục đầu tư đã sẵn sàng và hiện chúng tôi cùng hai đối tác Việt Nam chỉ còn trông chờ nhận được giấy phép đầu tư để được triển khai,” ông Syamal Gupta, Chủ tịch tập đoàn Tata International Limited, nói. Cũng theo vị chủ tịch tập đoàn, Tata không chỉ đầu tư dự án nhà máy thép ở Việt Nam mà còn đang xem xét tham gia các dự án khác như xây khách sạn, sản xuất ô tô cũng như tham gia vào các dự án điện...
Hiện Tata đang làm việc với Vinamotor, nhà lắp ráp và sản xuất ô tô Việt Nam để cùng nhau phát triển dự án lắp ráp xe tải và xe thương mại nhỏ, ông Syamal tiết lộ. “Chúng tôi xem Việt Nam như một lựa chọn đầu tư chính trong khu vực Đông Nam Á” - ông Syamal nói.
Tương tự, tập đoàn Sembcorp Industrial Park của Singapore cam kết sẽ đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng các dự án khu công nghiệp, đô thị hiện có ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực điện năng, nhà máy nước thải và môi trường. Bà Low Sin Leng Sembcorp, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn, xem đây là thời gian tăng tốc đầu tư hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư mới khi kinh tế thế giới hồi phục.
Bà Leng cho biết Sembcorp cùng với đối tác tại Việt Nam đang triển khai hạ tầng khu công nghiệp đô thị VSIP tại tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 700 héc ta. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án khu công nghiệp đô thị trên diện tích 1.600 héc ta tại Hải Phòng.
Dự kiến vào đầu tháng 9 tới, Sembcorp cùng đối tác Việt Nam sẽ cho khởi công dự án này với vốn đầu tư trong năm nay là 30 triệu đô la Mỹ (trong tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu đô la Mỹ).
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất thép lớn hàng đầu của Nhật Bản là Nippon Steel cũng nhanh chân nắm được một phần của dự án thép hơn một tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc Posco. Đại diện của Ban quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Posco đã chuyển nhượng khoảng 15% cổ phần trong dự án thép đang xây dựng gần xong tại khu công nghiệp Phú Mỹ II cho Nippon Steel.
Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều tập đoàn lớn vẫn tiếp tục đánh giá cao về môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục rót vốn mở rộng đầu tư kinh doanh. Vấn đề hiện tại, theo các chuyên gia là Việt Nam cần tháo gỡ những nút thắt cổ chai tồn tại lâu nay như hạ tầng xuống cấp trầm trọng, nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao, giải quyết tình trạng thiếu điện, thủ tục hành chính phức tạp...
5 tháng thu hút 6,68 tỉ đô la Mỹ vốn FDI Quốc Hùng
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2009 đạt 6,68 tỉ đô la Mỹ, thông qua 256 dự án mới cấp phép và 40 dự án tăng vốn. Con số này giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2008.
|
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com