Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Số liệu và thực tế

“Đừng say điệu nhảy”!

Công nhân sản xuất ở nhà máy của Công ty P&G Việt Nam tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

 Có thể ví việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở một số nước đang phát triển cũng giống như một người đang say sưa trong điệu nhảy: anh ta quay cuồng trong men say và sự phấn khích cực độ mà quên rằng, nếu không kiểm soát được bản thân sẽ rất dễ rơi vào trạng thái ảo giác.


Kinh tế phát triển có công lớn của FDI


Trong suốt một thời gian dài, đặc biệt từ những năm 2000, phần lớn dòng vốn FDI tăng nhanh ở tất cả các khu vực trên thế giới đều tập trung vào một số quốc gia đang phát triển. Theo Dan Deluca (Đại học Columbia, Mỹ), trong năm 2001 khoảng 62% vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển đổ dồn vào Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hồng Kông và Ba Lan.


Có nhiều yếu tố dẫn đến sự gia tăng nguồn vốn này - bắt đầu từ cuối thập kỷ 80 - trong đó quan trọng nhất chính là quá trình toàn cầu hóa. Nói cách khác, đó là việc quốc tế hóa quá trình sản xuất khi các công ty đa quốc gia (MNCs) khổng lồ giới thiệu cái gọi là “liên chi nhánh cung cấp toàn cầu”.


Thực chất, đó là hình thức MNCs tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, chi phí sản xuất thấp ở nước nhận vốn đầu tư (đa số là nước đang phát triển và cần vốn) và chính sách ưu đãi của chính phủ nước đó nhằm phục vụ cho thị trường toàn cầu của họ.


Công nghệ mang vào nước sở tại được thay đổi, thậm chí hạ thấp hơn so với công nghệ gốc của nhà đầu tư, và chi phí vận chuyển, thông tin, liên lạc giảm đã giúp MNCs đặt các khâu khác nhau trong dây chuyền sản xuất tại những vùng khác nhau, lợi dụng các điều kiện thuận lợi ở các địa phương để giảm thiểu giá thành và tăng doanh thu.


Một yếu tố khác, theo Deluca (2008), góp phần làm tăng FDI tại các nước đang phát triển là những thay đổi về chính sách của chính phủ các nước này, khi họ điều chỉnh chính sách xúc tiến FDI, thay đổi luật đầu tư, dẫn đến nhiều dự án trước đây có thể bị cấm hoặc gặp khó khăn, thì nay dễ dàng được cấp phép.


Chính phủ các nước tiếp nhận FDI đôi khi đưa ra ưu tiên “đặc biệt” cho các công ty đầu tư vào nước họ, nhất là khi công ty này hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho người dân bản địa. Phổ biến nhất là miễn thuế (thường là 5-10 năm), cải thiện hạ tầng cơ sở, giảm thuế quan, trợ cấp và các ưu đãi khác. Những ưu đãi này thường thay đổi theo từng dự án nên khó định lượng được.


Ở một góc độ nào đó, Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ. Trong 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi FDI. Không thể phủ nhận các nỗ lực này đã góp phần gia tăng nguồn vốn FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và làm thay đổi diện mạo nhiều tỉnh, thành phố.


Cũng phải ghi nhận vai trò của khu vực có vốn nước ngoài đối với nền kinh tế khi nó chiếm khoảng 3,5% tăng trưởng GDP xét theo thành phần kinh tế, và đóng góp từ 20-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tùy vào mức độ giải ngân. FDI cũng tạo ra 4,1% tổng việc làm trong xã hội.


Tuy nhiên, như trên đã nói, vì bản thân các ưu đãi này là không công khai, cho nên ở mặt sau của tấm huy chương, rất ít người biết cái giá phải trả để mời gọi một dự án là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà địa phương đó được hưởng từ dự án. Điều này đặc biệt đúng nếu nhìn vào cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, du lịch ở các địa phương.


Mặt sau của tấm huy chương


Chuyên gia Đặng Thế Truyền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã cảnh báo rằng do chạy theo số lượng FDI, các địa phương sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của đất nước có thể bị bán rẻ. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho Việt Nam từ FDI không tương xứng với giá trị của nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi.


Cũng cần phải có một nghiên cứu độc lập đánh giá liệu các cộng đồng dân cư nghèo ven biển buộc phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để nhường chỗ cho những resort 5 sao lộng lẫy hay các sân golf thênh thang, có được đền bù thỏa đáng hay không, và tác động của FDI trong trường hợp này là sự “lan tràn tích cực” hay “lan tràn tiêu cực”?


Ông Truyền, người từng được giao nghiên cứu về FDI, kể rằng để thu hút được nhiều vốn FDI vào địa phương mình, nhiều tỉnh đã tự ý “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá mức về thuế (đã biến tướng để tránh các quy định của Nhà nước về thuế), đất đai, lao động, làm thiệt hại quyền lợi đất nước.


Theo ông Truyền, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch vào Việt Nam làm ăn có rất nhiều lợi thế, bởi các bờ biển của Việt Nam có sẵn điều kiện tự nhiên rất tốt, chưa kể vô số ưu đãi từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không thể không lo ngại khi hàng loạt mảnh đất đắc địa chạy dọc “mặt tiền” bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng đều được “cắt” để “chia lô” cho các dự án resort, sân golf, khu biệt thự có vốn đầu tư nước ngoài.


Ông Truyền cho rằng, trong khi không nên chia bãi biển cho các dự án quá nhỏ, manh mún (như ở “thành phố resort” Phan Thiết - PV), thì cũng không nên tạo đặc quyền cho các dự án quá lớn, trải khắp một bãi biển rộng (như đoạn đường từ Đà Nẵng đi Cửa Đại, Hội An - PV), chỉ dành cho số ít, thậm chí rất ít nhà đầu tư với các dự án khổng lồ.


Đã có nhiều ý kiến lo ngại tình trạng chiếm đất, giữ đất của một số “siêu” dự án hiện nay, “bởi vì rất có thể sau này, khi các “bãi biển vàng” của Việt Nam trở thành “Thiên đường nghỉ mát” của khu vực và thế giới, thì các công ty chiếm được diện tích quá rộng hiện nay với giá thấp, sẽ trở thành kẻ thống trị cả một bãi biển, cả nghĩa đen và nghĩa bóng”, ông Truyền cảnh báo.


Thực tế hiện nay khẳng định những lo ngại trên không phải là lo xa, khi luồng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực bất động sản và du lịch. Một lo ngại khác là với hiện tượng chạy theo số lượng, một lượng lớn vốn FDI đổ vào các dự án bất động sản như hiện nay có thể phá vỡ quy hoạch phát triển trong lĩnh vực này và dẫn đến nhiều hệ lụy.


Một trong các hệ lụy, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là số vốn FDI được công bố không phản ánh đúng đồng vốn thực mà các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là một dự án xây dựng khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội có vốn đăng ký 1 tỉ đô la Mỹ nhưng thực chất chỉ có 200 triệu đô la do nhà đầu tư mang vào Việt Nam, còn lại là vốn vay ngân hàng trong nước và vốn huy động từ người dân dưới hình thức đặt cọc mua nhà.


Nhà đầu tư thu tiền của người mua bằng đồng Việt Nam nhưng chuyển lợi nhuận về nước bằng đô la Mỹ cả phần vốn gốc lẫn lãi đã gây gánh nặng cho cán cân thanh toán quốc tế. Ông Doanh cũng lưu ý giữa con số công bố thu hút FDI của Việt Nam và cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có sự chênh lệch.


Việt Nam công bố vốn FDI giải ngân (disbursement capital), chẳng hạn là 8 tỉ đô la nhưng trên thực tế, phải tách bạch phần vốn do phía Việt Nam góp trong các liên doanh, thường là 25-30% bằng giá trị đất đai, nhà xưởng và vốn tín dụng (vay thương mại) mà liên doanh đứng ra vay để hoàn tất dự án đầu tư. “Phần vốn góp 30% này không thể tính gộp vào tổng vốn FDI vì bản chất nó là vốn đầu tư trong nước. Trong khi đó, IMF tính vốn FDI dựa trên vốn cổ phần thực (real equity) được chuyển vào Việt Nam để góp trong liên doanh, nhằm phân biệt với vốn vay thương mại mà liên doanh vay để đầu tư tiếp”, ông Doanh nói với TBKTSG.


Ông Doanh khuyến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên điều chỉnh cách tính nhằm chính xác hóa số liệu về vốn FDI, bởi tỷ lệ chênh lệch đó không ít.


Nên sòng phẳng trong công bố số liệu FDI


Báo cáo 20 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cho biết tính đến hết năm 2007, đã có 1.359 dự án FDI bị giải thể trước thời hạn với số vốn đăng ký giải thể khoảng 15,5 tỉ đô la Mỹ.


Trong các dự án bị giải thể, số dự án hoạt động theo hình thức liên doanh chiếm đa số (56% về số dự án và 67,2% về tổng vốn đăng ký). Dẫn ra các số liệu cũ như trên để thấy rằng, việc công bố thông tin chính xác và cập nhật về các dự án bị rút vốn, giải thể, tạm ngừng triển khai là rất cần thiết và có lợi, bên cạnh thông tin về các dự án tăng vốn và mới cấp phép được Cục Đầu tư nước ngoài chủ động công bố định kỳ hàng tháng.


Theo ông Doanh, lâu nay, báo chí mới chỉ được tiếp cận một mặt của vấn đề, tức các con số về tình hình cấp mới FDI và như thế là chưa chính xác. Trong tình hình khủng hoảng hiện nay đồng vốn khan hiếm, tỷ giá biến động, nhu cầu thay đổi, việc các nhà đầu tư phải đình chỉ, giãn tiến độ, thậm chí xin rút dự án là điều có thể hiểu được.


Chẳng hạn, một số dự án báo chí đã nêu tên, như dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu ở Phú Yên với mức vốn đầu tư dự tính lên tới 11 tỉ đô la Mỹ gần đây xin dừng thực hiện, hay dự án thép cán nóng liên doanh giữa tập đoàn Essar (Ấn Độ) với hai đối tác trong nước có vốn đầu tư 527 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 1 xin tạm ngừng triển khai do khó khăn về tài chính, hoặc thông tin tập đoàn Foxconn (Hồng Hải) của Đài Loan xin hoãn dự án hàng tỉ đô la Mỹ ở Bắc Giang.Nếu trừ đi tổng số vốn đầu tư (dự kiến) của các dự án trên trong tình hình nhiều tỉnh đều thừa nhận có dự án xin rút vốn, theo ông Doanh, thì bức tranh thực về tình hình FDI sáu tháng đầu năm sẽ rất khác.


Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cũng thừa nhận, việc thu hồi đất của các dự án triển khai chậm hay không thể triển khai được để giao lại cho các nhà đầu tư mới là rất khó vì vướng nhiều thủ tục liên quan. “Ví dụ dự án họ vào, đã đầu tư vài triệu đô la Mỹ rồi, không thể rút ngay giấy phép vì việc này liên quan đến việc thanh lý, các thủ tục khác có khi kéo dài cả sáu tháng. Có trường hợp thanh lý cả năm không xong”, ông Thắng nói với các nhà báo trong một cuộc gặp gần đây.


Nhưng, TS. Lê Đăng Doanh lại cho rằng công bố các con số không chính xác thì không có ích gì, cho dù với bất cứ lý do nào, bởi theo ông, vì lợi ích chung của đất nước, vì uy tín của Việt Nam đối với nhà đầu tư, chúng ta phải sòng phẳng, minh bạch trong các con số đưa ra.


“Trong thực tế, có những chỉ dẫn cho thấy vốn đăng ký ở một số dự án tăng lên quá nhiều vì động cơ lợi ích của địa phương. Có nhà đầu tư nói với tôi rằng họ không đăng ký dự án đến 3 tỉ đô la Mỹ mà chỉ cần 300 triệu đô la cho giai đoạn đầu, nhưng khi xin cấp phép thì địa phương nói cứ đăng ký “cả gói” thì được giao đất. Nhà đầu tư không yên tâm vì nhu cầu chưa cần đến 3 tỉ đô la, họ cũng không có kế hoạch nhưng được gợi ý thì họ cứ đăng ký theo gợi ý”, TS. Doanh nói.

 

Còn quá nhiều dự án chậm giải ngân


Nếu coi ngày “thụ thai” của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì hiện nay, chắc hẳn có không ít những “bào thai” mười mấy năm tuổi nhưng vẫn chưa đến ngày “sinh nở”.


Mặc dù chưa có một thống kê cụ thể về số lượng các dự án FDI chưa hoặc chậm giải ngân, nhưng chính ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng thừa nhận rằng tình trạng này (dự án hơn 10 năm chưa thực hiện) là không thể tránh khỏi.


Hai trong số những dự án FDI “không chịu” giải ngân đã làm tốn không ít giấy mực trong thời gian qua, đó là dự án Vũng Tàu - Paradise, hiện vẫn nằm “đắp chiếu” sau 17 năm được cấp phép hay dự án cảng Thị Vải sau gần 10 năm cấp phép mới chỉ triển khai được một vài hạng mục đầu tư.


Đây chỉ là hai trường hợp dẫn chứng cho việc ì ạch trong giải ngân vốn FDI thời gian qua.Mặc dù tháng 2-2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của hai dự án nói trên, mới đây, một cán bộ của sở cho biết hiện các dự án này vẫn chưa bị rút giấy phép bởi UBND tỉnh chưa có quyết định chính thức dù đã họp nhiều lần.


Vốn FDI giải ngân chậm là vấn đề không xa lạ gì với công luận. Người dân đã quá quen với các nguyên nhân vẫn được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông là do “khó khăn trong giải phóng mặt bằng”, rồi thủ tục hành chính phức tạp...


Thế nhưng, một nghịch lý là chính Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ giải ngân vốn các dự án FDI, cũng không nắm được cả nước hiện có bao nhiêu dự án FDI đã được cấp phép nhưng vẫn chưa hoạt động.


Điều này càng rõ hơn sau khi mới đây, mặc dù đã gần hết nửa năm 2009, nhưng Cục Đầu tư nước ngoài mới “bổ sung” thêm cho thành tích thu hút FDI năm 2008 hơn 7 tỉ đô la Mỹ nữa.Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, một số địa phương có hiện tượng “không chịu” báo cáo về số lượng và quy mô các dự án FDI trên địa bàn mình. Thế nên, không phải lúc nào, Cục Đầu tư nước ngoài cũng nắm được một cách chính xác tên, số lượng cũng như quy mô các dự án đã đăng ký.


Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, rằng “vì sao chúng ta vẫn chưa có một hồ sơ đầy đủ cập nhật về số lượng các dự án chưa giải ngân”, ông Cục trưởng “thú thật” để làm được điều này là rất khó.


Cũng thật khó để nói rằng, thu hút và giải ngân vốn FDI, quá trình nào quan trọng hơn. Thế nhưng, cũng không thể nói rằng, việc nắm được hồ sơ các dự án chưa giải ngân là rất khó, trong khi các dự án đang thuộc dạng “tìm kiếm cơ hội đầu tư” lại được cập nhật thường xuyên.


Mới đây Cục Đầu tư nước ngoài đã công bố với báo giới rằng, họ đang nắm một danh sách đầy đủ từ tên dự án, tên công ty, quy mô dự án, diện tích đất, địa điểm dự kiến và số tiền của các dự án đang “chờ” cấp phép vào đầu tư.


“Cả nước hiện có 197 dự án với tổng số vốn lên tới 85,4 tỉ đô la Mỹ đang làm hồ sơ, thủ tục và chờ được cấp phép vào Việt Nam. Hy vọng, nhiều dự án trong số các dự án này dự kiến sẽ được cấp phép trong 2009 và 2010” - ông Phan Hữu Thắng nói.

 

(Theo Phan Thanh Tịnh // Báo Saigon Times online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Kẻ đi, người ở
  • Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng: Ba vấn đề chưa rõ
  • Standard Chartered: Lạm phát ở Việt Nam không phải là mối đe dọa lớn
  • Khủng hoảng tài chính và ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á
  • Quan điểm của ADB: Việt Nam nên sớm kết thúc kích cầu
  • ANZ: Rủi ro kinh tế của Việt Nam đã giảm
  • Làm gì để doanh nghiệp không găm giữ USD?
  • Các ngân hàng TMCP: Lãi từ đâu ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!