Tiềm năng và cơ hội, thuận lợi và rào cản... là những vấn đề được nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT), Khu chế xuất (KCX) các tỉnh phía Bắc do Bộ Kế hoạch-Đầu tư và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Nhằm làm rõ hơn điều này, phóng viên Báo Bắc Ninh đã ghi lại những ý kiến của một số đại biểu tham dự hội nghị.
Bắc Bộ đang trở thành tâm điểm đầu tư của Hàn Quốc
(Ông Kim Kyung Han, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam)
Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 16,5 tỷ USD với 1.686 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm 21% tổng số các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, sử dụng 350.000 lao động. Hàn Quốc cũng là quốc gia đứng thứ hai có nguồn vốn ODA viện trợ Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia có nền chính trị-xã hội ổn định, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chiếm tới hơn 60% tổng số dân cả nước. Chính vì vậy, sự quan tâm của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam không hề suy giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, riêng Bắc Ninh được đánh giá là một tỉnh có tiềm lực lớn nằm ở trung tâm khu vực Bắc Bộ, có vị trí chiến lược có thể phát triển ra bốn phương liên kết với bất cứ nơi nào nên đến nay Bắc Ninh đã trở thành tỉnh đứng thứ 6 cả nước có doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2008 đã có 10 dự án với 130 triệu USD vốn đầu tư vào Bắc Ninh. Chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp của mình đầu tư vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam trong những năm tới.
Tăng cường quan hệ đối tác liên kết sản xuất giữa Việt Nam - Nhật Bản
(Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Kinh Bắc City Group; Đồng Chủ tịch VJBF; thành viên HĐ Tư vấn kinh doanh APEC)
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản (VJBF) mới hoạt động được 2 năm nhưng đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như gần đây nhất là sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản lần thứ ba tại Hà Nội đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường liên kết sản xuất và tìm cơ hội đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản nhận định Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh đối với họ, song vẫn cần xem xét về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ trước khi rót vốn đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam có thể sẽ trở thành nước đứng đầu ASEAN và đứng thứ ba Châu á (sau Trung Quốc, ấn Độ) về mức độ hấp dẫn đầu tư Nhật Bản. Từ Hội nghị thu hút đầu tư này, chúng tôi cần sự quan tâm của Chính phủ hai nước Việt Nam-Nhật Bản; sự giúp đỡ của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như sự trợ giúp và phối hợp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các tổ chức hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu…nhằm đưa ra những chiến lược hợp tác thiết thực, hiệu quả, tận dụng tốt những lợi thế cạnh tranh của từng bên để bổ sung cho nhau, từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác lâu dài trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Tôi tin rằng, sau sự kiện này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản càng gắn bó hơn, thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ với những đóng góp tích cực, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào các KCN, KKT và KCX tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Tập trung nhiều giải pháp, định hướng phát triển các KCN, KKT, KCX
(Ông Lê Tân Cương, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế-Bộ KH-ĐT)
Hiện nay, các KCN, KKT, KCX lớn tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Các KCN thường được đặt tại các vùng có vị trí thuận lợi về giao thông, đồng bộ về hạ tầng, thủ tục hành chính đơn giản. Các KKT, KCX thường gần cảng biển nước sâu, sân bay và Nhà nước thường đặt các công trình trọng điểm có tính chất đầu tàu thúc đẩy các dự án vào đầu tư nhanh, hiệu quả. Định hướng của Bộ KH-ĐT là trong giai đoạn 2015-2020 sẽ phát triển lên tổng số 15 KKT, tập trung rà soát các KCN, KKT, KCX trên cả nước về tình hình quy hoạch, sử dụng nguồn tài nguyên, nhất là đất đai; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đơn giản, hiệu quả; Hoàn thiện hệ thống thông tin; Xem xét các chính sách ưu đãi vào KCN chuyên ngành; Huy động nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài hàng rào KCN; Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia; Khuyến khích ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…Những giải pháp, định hướng này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các địa phương xúc tiến thu hút đầu tư.
Tiếp tục thúc đảy đầu tư hạ tầng kỹ thuật
(Ông Sachio Kageyama, Tổng Giám đốc Công ty Canon Việt Nam)
Công ty Canon hoạt động tại Việt Nam đã được 7 năm. Có thể nhận thấy thủ tục hành chính áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, điều này ảnh hưởng tích cực tới dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư tốt hơn, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ hoặc ưu đãi các công ty phát triển hạ tầng KCN nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng làm cơ sở đón đầu các nhà đầu tư nước ngoài là hết sức quan trọng. Ngoài ra còn nhiều trường hợp xung quanh KCN không có chỗ ở cho người lao động. Nếu chỉ trông đợi vào số người lao động cư trú trong khu vực thì sẽ thiếu nguồn lao động trầm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng, xây dựng nhà chung cư cũng là vấn đề quan trọng để tạo nguồn lao động dồi dào cho các KCN, KKT, KCX.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới rồi sẽ kết thúc và nền kinh tế sẽ phục hồi. Chúng tôi nghĩ rằng sự chuẩn bị cho bước nhảy tiếp theo là việc cần thiết nhất vào thời điểm này. Công ty Canon xác định nuôi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực là nền tảng cho sự phát triển. Canon thực hiện đào tạo từ công nhân đến cấp quản lý ở mọi tầng cấp. Công ty vừa thuê giảng viên bên ngoài vừa quán triệt đào tạo trên nhiều lĩnh vực trong quá trình làm việc cũng như liên quan đến đời sống sinh hoạt xã hội. Cho dù hoạt động sản xuất kinh doanh có diễn biến thế nào, chúng tôi phải tuân thủ Luật pháp và liên kết mật thiết với các cơ quan quản lý Việt Nam để chọn đối sách tốt nhất cho khu vực và xã hội nơi chúng tôi đầu tư.
(Theo Vũ Thắng-Nguyễn Tuấn Thực hiện/BacNinh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com