Một hiện tượng đang diễn ra từ nhiều tháng nay là thị trường đang tồn tại hai tỷ giá: một tỷ giá là ngân hàng thương mại niêm yết căn cứ trên tỷ giá liên ngân hàng do ngân hàng Nhà nước công bố, một tỷ giá là giá giao dịch thực tế của doanh nghiệp.
Diễn biến này đang có nguy cơ ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng Nhà nước. Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã phát biểu trước Quốc hội cho thấy khả năng can thiệp để ổn định tỷ giá rất thấp: dự trữ ngoại tệ giảm thấp, nhập siêu lớn, nợ nước ngoài nhiều...
Trên thực tế, tỷ giá giao dịch thực giữa ngân hàng, doanh nghiệp đã bị điều tiết tự nhiên do cung cầu. Còn tỷ giá niêm yết thì không có mua, không có bán.
Nếu tình trạng này còn kéo dài, có thể dẫn đến mất niềm tin vào VND, thì vòng quay vàng, USD càng nhanh nữa gây mất cân đối cung cầu xã hội. Ví dụ đơn giản là lo VND mất giá, người dân sẽ mua vàng, USD làm giá vàng, USD càng tăng. Khi giá vàng, USD tăng, người dân càng cho rằng tiền VND mất giá và lo lắng tìm mua ngay những vật phẩm tiêu dùng có giá trị khiến cầu tăng đột biến và dẫn đến lạm phát. Hệ thống ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng tiền xoay vòng ngoài dân chứ không qua ngân hàng. Nếu không phản ứng kịp thời, tình hình có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Giá trị đồng tiền quốc gia lệ thuộc vào thực lực nền kinh tế
Như vậy, diễn biến xấu có thể dẫn đến xu hướng tích trữ, làm biến động lớn nguồn thặng dư xã hội vô cất trữ vàng, USD, triệt tiêu nguồn tín dụng cho kinh tế phát triển.
Tình trạng nan giải hiện nay là nếu càng kiềm giữ tỷ giá thì ngoại tệ dự trữ sẽ càng cạn kiệt do phải bán ra để can thiệp, trong khi ngân hàng Nhà nước không thể mua vào với tỷ giá niêm yết. Cuối cùng, cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường trước quá nhiều áp lực. Biện pháp hiện nay là phải nương theo thị trường. Cần phải dần dần điều chỉnh tỷ giá niêm yết sát với tỷ giá giao dịch thực tế của doanh nghiệp để tạo niềm tin vào giá trị thực của VND, không thể để tình trạng tỷ giá niêm yết và tỷ giá giao dịch thực tế của doanh nghiệp ngày càng cách xa nhau.
Về giải pháp, trước mắt có thể thắt chặt nhập khẩu bằng các biện pháp chẳng hạn như hạn ngạch. Hạn chế nhập hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được bằng những biện pháp không bị ràng buộc bởi WTO, chẳng hạn như thuế VAT đối với thị trường nội địa. Đồng thời khuyến khích xuất khẩu bằng chính sách thưởng doanh nghiệp xuất khẩu như Việt Nam đã từng áp dụng, doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ bán ngay cho ngân hàng có thưởng. Gói kích cầu thứ hai, thay vì hỗ trợ lãi suất tràn lan, nên dùng để thưởng, bù lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Biện pháp này nhằm tái lập cán cân thanh toán.
Về lâu dài, việc bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam vẫn lệ thuộc vào nội lực của nền kinh tế, nên cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để nâng nội lực nền kinh tế...
(Theo Trang Văn Sanh/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com