Hạn rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất đợt 1 đối với các tổ chức tín dụng đã qua, nhưng dư chấn của sự kiện vẫn còn sâu sắc. Bí ẩn và bất thường là những suy đoán đặt ra, khi thông tin còn lơ lửng…
Theo chỉ thị số 01, đến 30/6/2011, các tổ chức tín dụng phải rút tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% tổng dư nợ. Sau những đồn đoán, ngày 13/7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đã hé mở thông tin: đến hạn trên vẫn còn 9 tổ chức tín dụng có dư nợ phi sản xuất trên mốc 22% đó. Thông tin đến thời điểm này chỉ có vậy, bên cạnh sự khẳng định sẽ vẫn "y án" đối với 9 trường hợp đó bằng việc phạt hạn chế mở rộng kinh doanh, và đặc biệt là tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Không khó để thấy, sau thông tin đưa ra từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, cư dân mạng lại bức xúc với những chủ đề bình luận quanh "con số 9 bí ẩn". Tựu chung, sự lửng lơ của thông tin và hệ lụy của nó. Phản ứng đầu tiên của giới đầu tư là câu hỏi: đó là những ngân hàng nào? Một câu hỏi quan trọng, bởi phía sau đó là tác động đối với trạng thái thanh khoản của hệ thống, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bị tăng gấp đôi. Giả sử, trong 9 thành viên này có cả ngân hàng quốc doanh lớn, hay có vài ngân hàng cổ phần quy mô hàng đầu, tổng số tiền bị rút khỏi thị trường theo "án phạt" đó là đáng kể. Lúc này, thông tin chưa rõ ràng, không thể lượng định ảnh hưởng đó để có thể ứng xử hợp lý. Với riêng mỗi thành viên, đó là một án phạt nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản cục bộ, đến cả cơ chế lãi suất, chính sách tín dụng và cả hình ảnh trên thị trường... Có lẽ vì lý do này mà tên tuổi của các thành viên đến lúc này vẫn là bí ẩn, hoặc Ngân hàng Nhà nước sẽ không công bố. Ở tính cục bộ này, lo ngại có ở giới đầu tư, khi trên thị trường chứng khoán đã có tới 7 ngân hàng niêm yết, chưa kể các giao dịch của nhiều ngân hàng khác vẫn diễn ra trên thị trường OTC. Nếu nằm trong "con số 9 bí ẩn" đó, giá cổ phiếu của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với nhà đầu tư có thể gặp rủi ro. Bởi lẽ, "án phạt" đó sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động và kết quả kinh doanh - một tiêu chí cơ bản khi xem xét đầu tư. Trong khi đó, trong công chúng đầu tư, số người thạo tin để có thể tránh né rủi ro là không nhiều. Lúc này, mọi con mắt vẫn tiếp tục hướng về Ngân hàng Nhà nước. Liệu tên tuổi 9 ngân hàng đó có được công bố cụ thể không, hay sẽ có chuyện khôi hài là các ngân hàng ngoài danh sách phải treo biển "không phải tôi" để tránh khả năng bị dị nghi từ thị trường? Chuyện đó là có thể, bởi phía sau thông tin là tài sản và uy tín! Bất thường... hợp lý Liên quan đến những hoài nghi về các thành viên trong "con số 9 bí ẩn", một số thông tin bắt đầu kết nối các hiện tượng để có thể định hình một đáp án. Đó là hiện tượng một số ngân hàng thương mại bắt đầu ngừng cho vay tín dụng tiêu dùng. Bất thường có ở đây. Một giám đốc chi nhánh ngân hàng bực mình khi ông bị "hỏi thăm" qua hiện tượng trên: "Ngân hàng mà không cho vay thì còn kinh doanh cái gì! Chúng tôi không có cái bất thường đó, ai đủ điều kiện thì vẫn cho vay như bình thường". Bất thường nữa có ở một tính toán thông thường trong kinh doanh. Năm nay, tăng trưởng tín dụng của mỗi thành viên bị chốt dưới 20%. Những năm gần đây, con số đó có từ 30%, 40% thậm chí có năm đến gần cả 50%! Van cho vay ra phải siết lại, lợi nhuận đương nhiên bị ảnh hưởng khi mà nguồn thu của hầu hết các nhà băng vẫn dựa tới 80% - 90% từ tín dụng. Và để bù đắp, thông thường các ngân hàng sẽ đẩy mạnh hơn những mảng cho lợi nhuận cao. Tín dụng tiêu dùng vốn là một mảng như vậy, với lãi suất thường cao hơn từ 2% - 5% so với cho vay lĩnh vực khác. Thế nhưng, hiện bên cạnh hiện tượng ngừng cho vay nói trên, nhiều nhà băng cũng phải giải ngân nhỏ giọt. Sau hạn 30/6 với mốc 22%, phía trước còn là điểm hẹn tiếp tục rút tỷ trọng tín dụng phí sản xuất xuống 16% vào 31.12.2011 theo chỉ thị số 01. Ở đây, những bất thường đó trở nên hợp lý. Trong quá khứ, số phận của tín dụng tiêu dùng cũng đã từng bị gạt bỏ như vậy vì chính sách, đến mức đại diện chuyên trách trong hội nghị nhóm các nhà tài trợ (CG) năm 2008 đã phải lên tiếng cảnh báo về khả năng thui chột của mảng nghiệp vụ này trong hệ thống ngân hàng Việt Nam... Tác giả: Trịnh Văn // Theo SGTT
------------------------------------------
Nguy cơ nợ xấu ngân hàng
Nhận định của các chuyên gia tài chính, nợ xấu sẽ bộc lộ rõ ở giai đoạn cuối năm, khi mà doanh nghiệp đã đuối sức với món lãi vay quá cao. Thêm vào đó, dấu hiệu của nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, khó lòng để các doanh nghiệp xoay trở trả nợ đúng hạn.
Để bảo đảm thanh khoản cũng như quy định tăng trưởng tín dụng phi sản xuất đạt 20% dư nợ cho vay, một mặt các ngân hàng triệt để "thắt" các khoản vay phi sản xuất, mặt khác khẩn trương thu hồi vốn. Từ đây, nợ xấu dần lộ diện. Theo nhiều ngân hàng, không ít doanh nghiệp có các khoản nợ thuộc diện "khó đòi" từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. 9 tổ chức tín dụng đã không kịp hoàn thành đưa dư nợ phi sản xuất về dưới 22% trước thời hạn 30.6. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, 9 ngân hàng này sẽ bị buộc tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạn chế mở rộng kinh doanh. Như vậy, ít nhất là trong tháng 7 này, số ngân hàng nói trên phải bảo đảm lượng dự trữ bắt buộc 6% đối với tiền gửi VND từ không kỳ hạn đến dưới 12 tháng; kỳ hạn dài hơn là 2%. Riêng với ngoại tệ, các tỷ lệ nói trên lần lượt là 14% và 10%.
Nợ khó đòi
Không công bố một cách chính thức, song không ít lãnh đạo ngân hàng đều tỏ ra e ngại về các khoản nợ khó đòi. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM, cho biết, không chỉ các khoản nợ mới phát sinh, ngay cả nhiều món nợ từ các năm trước, ngân hàng này vẫn chưa thu xong.Theo các chuyên gia tài chính, cuối quý 2, đầu quý 3, nợ xấu sẽ lộ diện rõ, khi nỗ lực trả nợ làm kiệt sức doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, nợ xấu phát sinh không xuất phát từ thái độ dây dưa, chây ỳ của khách hàng mà là do hoạt động kinh doanh khó khăn, khiến khách vay khó có khả năng trả nợ. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, có quan hệ giao dịch hai chiều lâu dài, có khoản vay lớn thì ngân hàng quả thật rất khó xử.
Theo tiết lộ của giới chuyên gia tài chính, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên đến 2 - 2,5% tổng dư nợ. Mặc dù gần đây, các ngân hàng ráo riết siết chặt tín dụng và thu hồi vốn bằng nhiều biện pháp, song nhiều ý kiến vẫn e ngại nợ xấu sẽ gia tăng vào cuối năm. Theo tính toán, tổng mức nợ xấu của các ngân hàng hiện không dưới 100.000 tỷ đồng.
Nguy cơ nợ xấu sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối quý 2, đầu quý 3, khi những nỗ lực để trả lãi vay đã làm kiệt sức các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu cũng đè nặng lên các ngân hàng dưới tác động kép của bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế từ nay đến hết năm.
Mạnh được, yếu chết
Nợ xấu hiện phân bố không đều ở các ngân hàng. Và điều này phản ánh năng lực hoạt động của ngân hàng trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ cho vay và kiểm soát nguồn vốn vay, cũng như hỗ trợ khách hàng. Bởi trong nhiều trường hợp, khi xét duyệt hồ sơ cho vay, các dấu hiệu xấu chưa xuất hiện, chỉ đến tháng thứ 3 hoặc tháng thứ 6 mới bắt đầu lộ diện. Lúc này, cần thiết phải có sự theo dõi, kiểm soát và hỗ trợ lập tức của ngân hàng cho vay. Muốn vậy, các ngân hàng phải có hệ thống phòng thủ, tức quỹ dự phòng khá chu đáo. Nếu không tuân thủ điều này, thì ngân hàng phải nhận lấy hậu quả. Điều đó là hoàn toàn sòng phẳng trong kinh doanh.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định, hiện nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang trong tầm kiểm soát (hơn 2,7% GDP). Theo thông lệ, khi tỷ lệ này tăng quá 5% GDP thì sẽ tác động xấu đến nền kinh tế. Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay lên đến 27 - 28% tại nhiều ngân hàng như hiện nay, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng như trả nợ ngân hàng. Và áp lực đó sẽ dồn về cuối năm. Mặt khác, cho đến nay, tình hình các nền kinh tế lớn chi phối thế giới vẫn bộc lộ nhiều tín hiệu xấu. Do vậy, rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam lội ngược dòng, tạo cú đột phá ngoạn mục nào trong kinh doanh để có doanh thu tốt và xoay sở trả nợ. Nợ xấu đe dọa hoạt động ngân hàng là tất yếu.
Tuy nhiên, ông Dương lại không bi quan về vấn đề này, mà cho rằng, bản chất của nền kinh tế giai đoạn này rất khó khăn, cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân hàng cũng không ngoại lệ. Nếu như người dân phải bươn chải với gánh nặng cuộc sống khi giá tiêu dùng leo thang, doanh nghiệp phải chật vật cố sức trụ lại thì phía ngân hàng cũng phải chấp nhận tình thế khó khăn chung. Đây là lúc thanh lọc các doanh nghiệp yếu và ngân hàng cũng cần như vậy.
Theo Đất Việt
Quy định dư nợ cho vay phi sản xuất không được vượt 22% vẫn tiếp tục được áp dụng trong tháng 7. Nếu ngân hàng nào rút tỷ lệ nói trên về dưới 22% cho kỳ tháng 8 tới thì sẽ được dở bỏ hình phạt.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com