Sau rất nhiều tín hiệu tích cực, mặt bằng lãi suất trên thị trường đang gặp thêm nhiều trở ngại trong kỳ vọng hạ nhiệt trong tương lai gần. Việc một số ngân hàng hạ lãi suất đối với một số khoản vay cũng chỉ mới dừng lại ở các chương trình ưu đãi trong hạn ngắn.
Thách thức đầu vào
Thực tế là các yếu tố củng cố cho kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn tiếp tục được duy trì cho đến thời điểm giữa tháng 7 này. Cho đến thời điểm trên, thanh khoản của hệ thống NH được khẳng định vẫn đang trong tình trạng dồi dào, thể hiển qua diễn biến ổn định của lãi suất liên NH. Cụ thể, lãi suất liên NH được giữ quanh mốc ở 11,5-12,5% đối với kỳ hạn qua đêm, 13-13,5% đối với kỳ hạn 1 tuần, 14-14,5% đối với kỳ hạn 2 tuần và 15-15,5% đối với kỳ hạn 1 tháng.
Trong tuần đến ngày 8.7, một số phân tích cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn bơm ròng gần 1.000 tỉ đồng qua thị trường mở (OMO) ngay sau việc hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày từ 15% xuống còn 14%/năm. Dù rằng theo đánh giá của một CTCK có uy tín, đây cơ bản chỉ là sự điều chỉnh linh hoạt của NHNN cho phù hợp với tình trạng thanh khoản NH đang dư thừa, chứ có thể chưa phải là một bước nới lỏng tiền tệ.
Song có một thực tế khác là trong thời gian qua, NHNN liên tục thu hẹp lượng tiền chào ra hàng tuần trên thị trường mở và điều này khiến cho dù hạ lãi suất, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng không thể vay được nhiều. Chưa kể trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng NHNN hút ròng qua thị trường mở như một số báo cáo lên tới 84.000 tỉ đồng qua nghiệp vụ này.
Một diễn biến đáng chú ý là trong tuần đến ngày 15.7, lãi suất liên NH chứng kiến mức tăng ở kỳ hạn qua đêm từ mức 12-12,5%/năm lên 13-13,5%/năm sau một thời gian dài ổn định ở mức thấp. Cty Chứng khoán Thăng Long (TLS) đưa nhận định, biến động trên có thể là do NHNN đã thu hẹp cả khối lượng chào thầu và số phiên đấu thầu trên thị trường mở từ hai về chỉ còn một phiên. Sau một tuần bơm ròng, NHNN tuần qua NHNN tiếp tục lấy lại trạng thái quen thuộc khi hút ròng 9.000 tỉ đồng qua kênh thị trường mở.
Sức ép lạm phát
Diễn biến tăng trở lại của kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên NH trong tuần qua có thể khởi động cho một giai đoạn có nhiều điều chỉnh mới trên thị trường này. Một số tổ chức đầu tư đều chung nhận định khi cho rằng, với việc cho vay mạnh tái cấp vốn từ cuối tháng 4 trong khoảng thời gian trung bình 3-6 tháng, thời điểm đáo hạn sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7 này. Và chính điều này có thể sẽ khiến lãi suất liên NH có khả năng tăng trở lại trong thời gian tới. Chỉ dấu quan trọng cho kỳ vọng hạ lãi suất trên thị trường tổ chức và dân cư theo đó sẽ không còn rõ nét như các tuần trước đây.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu (TP) sau nhiều tuần sôi động hiện bắt đầu có dấu hiệu chững lại thể hiện ở nhiều phiên có tỉ lệ đấu thầu thành công thấp. So với con số phát hành thành công 3.202 tỉ đồng TP chính phủ và 1.320 tỉ đồng TP của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXK) trong tuần đến 8.7, tổng khối lượng TP phát hành của KBNN trong tuần qua đạt 1.800 tỉ đồng, trong khi NHCSXH không phát hành được một lượng TP nào. Phân tích của các một số tổ chức đầu tư cũng cho thấy, các NH hiện dè dặt hơn trong việc đưa ra lãi suất đặt thầu và dù nhu cầu mua vẫn còn, việc liên tiếp cạnh tranh lãi suất để đẩy giá đặt thầu xuống đã dừng lại.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ nới mục tiêu kiềm chế lạm phát lên 17% và những diễn biến tăng giá mạnh của giá lương thực, thực phẩm (thịt lợn, rau xanh, đường) thời gian gần đây sẽ tạo sức ép lớn lên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7. Sự gia tăng bất ngờ của nhóm hàng lương thực và thực phẩm ngay trong những ngày đầu tháng 7 khiến cho triển vọng lạm phát trong những tháng còn lại của năm trở nên tiêu cực hơn.
Cùng với nhận định này, nhóm chuyên gia của một Cty chứng khoán đưa kịch bản CPI trong tháng 7 sẽ tăng cao khoảng 1,5% so với tháng 6, sau đó tăng nhẹ trong tháng 8 trước khi tăng cao trở lại vào tháng 9 do sự tăng giá của nhóm hàng giáo dục, và tháng 12 do cầu tiêu dùng tăng nhanh vào cuối năm. “Chúng tôi dự báo lạm phát vào cuối năm có thể tăng tới trên 19%, thay vì mức 17-18% như trước đây” – nhóm chuyên gia trên đưa nhận định. Với dự báo này, lạm phát sẽ là thách thức lớn nhất đối với kỳ vọng giảm lãi suất trong thời gian tới.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com