Theo phân tích của nhiều chuyên gia, với quy định lãi suất huy động vốn bằng USD tối đa của các tổ chức tín dụng đối với cá nhân là 3%/năm và đối với tổ chức kinh tế là 1%/năm thì việc nắm giữ USD không có lợi bằng VND (lãi suất thực tế hiện đã lên tới trên 14%/năm).
Thông tư số 09/2011/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/4 quy định, lãi suất huy động vốn bằng USD tối đa của các tổ chức tín dụng đối với cá nhân là 3%/năm và đối với tổ chức kinh tế là 1%/năm.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, với quy định mới này, việc nắm giữ USD không có lợi bằng VND (lãi suất thực tế hiện đã lên tới trên 14%/năm). Từ đó, người nắm giữ USD sẽ cân nhắc chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Điều này một mặt sẽ góp phần cải thiện thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng vốn đang khá căng thẳng, nhờ đó lãi suất tiền đồng sẽ giảm xuống; mặt khác sẽ làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường, cung - cầu ngoại tệ nhờ vậy sẽ cân bằng hơn, giảm áp lực lên tỷ giá…
Theo tìm hiểu của ĐTCK, đến nay, các ngân hàng đều thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, ngay sau khi chỉ thị của NHNN được công bố, Vietinbank đã nghiêm túc triển khai đến từng quỹ tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất ngoại tệ kỳ hạn từ 1 - 18 tháng là 3%/năm, từ 18 - 24 tháng là 2,8%/năm, từ 24 tháng là 2,5%/năm và lãi suất không kỳ hạn là 0,1%/năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, tại ngân hàng của ông và nhìn chung tại các ngân hàng bạn mà ông trao đổi, việc huy động tiền đồng không có gì đột biến; khách hàng gửi USD cũng vẫn duy trì bình thường, chưa có dấu hiệu rút ngoại tệ bán chuyển đổi sang VND.
Theo vị lãnh đạo này, lý do có thể là: thứ nhất, tình hình lạm phát cao và chưa có dấu hiệu được kiểm soát khiến người dân vẫn còn e ngại giữ tiền đồng mặc dù chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa VND và USD lên tới trên 11%; thứ hai, thị trường chợ đen đang được kiểm soát gắt gao trong khi việc mua ngoại tệ tại ngân hàng vẫn còn nhiều "zíc zắc"; sử dụng thẻ thanh toán khi ra nước ngoài tuy có thuận tiện song phí quá cao; thứ ba là độ trễ của chính sách, đối tượng chịu tác động là người dân chứ không phải là đối tượng kinh doanh buôn bán ngoại tệ mà phản ứng của người dân thường chậm hơn.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, nhu cầu về ngoại tệ vẫn rất lớn trong khi lượng cung còn ít. Bên cạnh đó, đối với những người găm giữ USD đầu cơ thì việc đưa lãi suất huy động xuống 3%/năm không có nhiều ý nghĩa. Lý do bởi sự mất giá của VND so với USD tiếp tục cao trong năm 2011.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc đưa mức trần lãi suất huy động xuống 3%/năm chỉ là một trong những giải pháp để giải toả tâm lý găm giữ ngoại tệ. "NHNN không thể làm được việc này một cách đơn độc mà cần sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành. Nếu không kiểm soát tốt, không có biện pháp xử lý nghiêm, chính sách sẽ bị vô hiệu hoá", TS. Kiêm nói.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng nhìn nhận tương tự. Theo ông, câu chuyện trên có 2 điểm.
Thứ nhất, niềm tin của người dân vào sự ổn định của VND. Nếu lãi suất USD cộng với kỳ vọng mất giá VND thấp hơn lãi suất gửi VND thì về nguyên tắc, gửi VND có lợi hơn.
Ví dụ, VND từ nay đến cuối năm chỉ mất giá 2-3% cộng với 3% lãi suất huy động ngoại tệ, người dân được khoảng 6%, so với lãi suất VND là 14% thì rõ ràng gửi VND hấp dẫn hơn. Còn nếu kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát tiếp tục tăng cao thì cho dù lãi suất có thấp nữa, người dân vẫn sẽ nắm giữ USD. Trường hợp không nắm giữ USD, người dân cũng sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… chứ không nắm giữ VND.
Thứ hai, mục đích nắm giữ ngoại tệ. Nếu người dân dự định thời gian tới đi du lịch, đi chữa bệnh hay đi học nước ngoài… thì việc gửi ngoại tệ không nhằm tới mục tiêu lợi nhuận.
"Tất cả đều quay lại vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin của người dân vào đồng nội tệ", TS. Thành nhấn mạnh.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com