Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kịch bản giá vàng, USD của tháng 11/2009 có lặp lại?

Liệu giá vàng tăng đột ngột có gây áp lực tăng tỷ giá USD/VND như diễn biến từng xảy ra vào tháng 11/2009?

Trong những tuần vừa qua, giá vàng thế giới liên tục lập các kỉ lục, và đang nằm trong xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 8/2010 đến nay. Đến ngày 8/10, giá vàng đã đóng cửa ở mức kỷ lục 1.348 USD/oz.

Sự tăng mạnh của giá vàng thế giới trong thời gian này được cho là bắt nguồn từ những lo ngại của giới đầu tư về khả năng phục hồi của kinh tế thế giới (đặc biệt là Mỹ), cũng như động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của hàng loạt các quốc gia. Những lo ngại này khiến cho nhu cầu đầu cơ vàng tăng cao trong khi nguồn cung không được dồi dào như trước.

 Diễn biến giá vàng trong 1 năm - 5năm vừa qua.

Thứ nhất,chính sách nới lỏng tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới và quan ngoại về “chiến tranh tiền tệ” đã dấy lên những lo ngại về sự giảm giá của các đồng tiền, đẩy mạnh hoạt động đầu cơ vào vàng.

Thứ hai,xu hướng tăng tỷ lệ dự trữ vàng trong cơ cấu dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các nước cũng được cho là nguyên nhân khiến cầu USD giảm mạnh.

Giá USD liên tục giảm trong khi vàng lại đang nằm trong xu thế tăng giá mới nên ngân hàng trung ương các nước đang có xu hướng thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối của mình theo hướng tăng tỷ lệ dự trữ vàng nhằm bảo toàn giá trị nguồn dự trữ ngoại hối của mình.

Cụ thể, trong năm 2009, Trung quốc đã tăng gần gấp đôi dự trữ vàng lên mức 1.054 tấn, đưa nước này trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 thế giới. Gần đây, các nước như Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga và Philippines đã công bố sẽ tăng mạnh dự trữ vàng, trong khi các nước khác cũng bắt đầu mua vàng vào.

Thứ ba, giá vàng trong tháng 9 và 10 thường tăng do tính chất mùa vụ: đây là các tháng cao điểm về tiêu thụ vàng trang sức tại một số thị trường lớn như Ấn độ, Banglades do vào mùa cưới. Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục tăng mạnh, nhiều thời điểm giá vàng đã chạm ngưỡng 33 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, nguồn cung vàng trong nước lại bị hạn chế mạnh.

Trong tháng 8 và 9, tận dụng cơ hội giá vàng thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc Việt Nam đã đẩy mạnh tái xuất vàng, trong đó kim ngạch xuất vàng tháng 8 là 774 triệu USD, tháng 9 là 450 triệu USD, góp phần đưa tái xuất vàng 9 tháng đầu năm đạt mức 2,78 tỷ USD với khối lượng lên đến gần 100 tấn.

Mặc dù các doanh nghiệp tái xuất vàng khá lớn nhưng trước sức ép của nhập siêu và tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước hạn chế hạn ngạch nhập khẩu vàng nghiêm ngặt.

Tính từ đầu năm, tổng khối lượng vàng được nhập khẩu là 9 tấn, khiến cho nguồn cung dự trữ vàng của các doanh nghiệp không dồi dào, khó đáp ứng được nhu cầu trong nước khi cầu tăng đột biến do đầu cơ.

Hệ quả là giá vàng trong nước tăng mạnh, thậm chí là cao hơn so với giá vàng thế giới (tại một số thời điểm giá vàng trong nước cao hơn từ 500 nghìn -1 triệu đồng/lượng).

Kịch bản có lặp lại?

Vào tháng 11/2009, giá vàng thế giới và trong nước cũng gia tăng đột biến, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị nới rộng, đã đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, và sau đó Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh 5,16% giá trị tiền đồng vào ngày 26/11/2009.

Liệu kịch bản này có lặp lại?

 Diễn biến tỷ giá trên thị trường chính thức và thị trường tự do 11/2009- 10/2010.

 Trong 2 tuần trở lại đây, USD trên thị trường tự do bắt đầu đà tăng giá và liên tục thay đổi từng giờ lên mức kỉ lục. Nếu giá USD trong ngày 5/10 chỉ giao dịch ở mức 19.640-19.670, thì hôm sau USD được niêm yết 19.700-19.740, rồi vọt lên 19.840-19.880 đồng/USD vào ngày 8/10, thậm chí có nơi niêm yết giá lên trên 19.900 đồng/USD.

Cùng với diễn biến trên thị trường tự do, các ngân hàng thương mại đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá mua bán xuống còn 10 VND, thông qua viêc tăng giá mua lên sát với giá bán kịch trần là 19.500 đồng/USD. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu yêu cầu nhiều doanh nghiệp mua ngoại tệ đã phải trả thêm một khoản phí từ 50-100 VND/1 USD.

Tỷ giá USD luôn có xu hướng tăng là điều đương nhiên vì sức ép nhập siêu lớn, nguồn tài trợ từ tài khoản vốn đang có xu hướng “kém dồi dào”, nhu cầu mua USD để đáo hạn các khoản vay ngoại tệ vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, tỷ giá USD tự do và ở các ngân hàng thương mại tăng với mức độ lớn và đột ngột cùng thời điểm giá vàng tăng vọt lại được lý giải bởi hoạt động thu gom USD để nhập lậu vàng do giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới trong khi nguồn cung vàng chính thống bị hạn chế do hạn ngạch.

Động thái Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu 3 tấn vàng vào cuối tuần trước cũng khiến nhu cầu USD để giao dịch gia tăng. Ngoài ra, nguồn cung USD cũng bị ảnh hưởng lớn do các doanh nghiệp trong nước đã ngừng xuất khẩu vàng.

Hệ quả là giá USD tăng mạnh, cộng thêm tác động đồng thời từ tâm lý VND sẽ tiếp tục mất giá và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm giá tiếp tiền đồng, lãi suất huy động USD tăng ở các ngân hàng thương mại, kỳ vọng lạm phát tăng cao,… khiến giá USD trên thị trường tự do đang có những diến biến khó lường.

Tuy nhiên, kịch bản của tháng 11 có lẽ chỉ dừng lại ở diễn biến cùng chiều của giá vàng và giá USD, còn động thái điều chỉnh giảm tiếp tiền đồng ở thời điểm này có lẽ ít khả năng xảy ra, bởi các nguyên nhân.

Thứ nhất, việc điều chỉnh giá VND ở thời điểm này sau đợt gần nhất là ngày 18/8 mang lại rất nhiều rủi ro cho bất ổn vĩ mô, khi lạm phát tháng 9 tăng cao và sức ép lạm phát ở những tháng cuối năm đang gia tăng.

Thứ hai, với việc cho phép các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu vàng để ổn định thị trường trong nước cuối tuần trước mở ra khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép tiếp tục nhập khẩu vàng khi giá vàng biến động vượt tầm kiểm soát.

Giải pháp mở rộng hạn ngạch nhập khẩu vàng có thể sẽ giúp cân bằng giữa giá vàng trong nước và thế giới, giúp giảm kỳ vọng phá giá tiền đồng, nhưng đồng thời cũng gây sức ép đến nhu cầu USD để mua vàng, và vấn đề tỷ giá khó giải quyết được trọn vẹn.

Theo dự báo của các chuyên gia, diễn biến giá vàng thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng tăng, do theo quy luật mùa vụ, giá vàng thường đạt đỉnh vào quý 4 hàng năm, trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi rõ ràng, các nước có thể duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, nhu cầu dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối của các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Điều này ngụ ý, diễn biến giá USD sẽ còn rất phức tạp xoay quanh giá vàng trong nước và thế giới, cộng với những sức ép “kinh niên” khác lên tỷ giá, dự báo trong trung hạn (đầu năm 2011), khả năng điều chỉnh tỷ giá tiếp tiền đồng là có thể xảy ra.

(NDHMoney)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!