Trái với nhiều dự đoán về khả năng tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới mức cam kết dành cho Việt Nam năm nay, một số nhà tài trợ lớn đã nâng mức cam kết so với năm 2007.
Trái với nhiều dự đoán về khả năng tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới mức cam kết dành cho Việt Nam năm nay, một số nhà tài trợ lớn đã nâng mức cam kết so với năm 2007. Và kỳ vọng tiếp theo đặt ra cho Chính phủ Việt Nam là các kế hoạch cụ thể để giải ngân nguồn vốn này, tối đa hiệu quả nguồn tài trợ.
Trong tổng số 5,01 tỷ USD vốn ODA cam kết tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2008 vừa kết thúc tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) trở thành nhà tài trợ đa phương có cam kết cao nhất, 1,66 tỷ USD so với 1,12 tỷ USD của năm ngoái; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đứng thứ hai với con số 1,566 tỷ USD (so với 1,35 tỷ USD năm 2007). Nhật Bản, trong khi chờ kết quả giải quyết vụ CPI, tạm thời chưa có mặt trong danh sách các nhà tài trợ có cam kết cho Việt Nam vào thời điểm Hội nghị CG kết thúc.
Ông James W. Adams, Phó chủ tịch WB khẳng định, con số 5,01 tỷ USD đã thể hiện rõ cam kết tiếp tục cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế, tiếp tục cải cách trong bối cảnh được dự báo rất khó khăn tới đây. “Cho dù Nhật Bản chưa đưa ra cam kết, các nhà tài trợ vẫn thể hiện niềm tin với những kết quả cải cách nền kinh tế của Việt Nam”, ông James W.Adams nói.
Tất nhiên, gắn với mức cam kết cao cũng đã có những khuyến cáo từ phía các nhà tài trợ. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam tiếp tục khuyến cáo rằng, những khoản tài trợ của ADB chủ yếu là những khoản vay, nên vấn đề hiệu quả và giảm sát hoạt động các dự án sử dụng nguồn vốn phải được ưu tiên hàng đầu.
Về phía ADB, các kế hoạch giám sát cụ thể phối hợp với các đối tác phát triển khác nhằm đánh giá hiệu quả các dự án đã được đặt ra. Theo ông Konishi, các dự án sử dụng nguồn vốn ADB trong 3 lĩnh vực là giao thông - vận tải, y tế và giáo dục tới đây sẽ được tiến hành đánh giá hiệu quả một cách chặt chẽ thông qua các hoạt động này.
Yêu cầu giám sát hiệu quả dự án càng trở nên cấp bách khi nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài đang rất hạn chế. Nhiều khả năng những con số về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài cũng như nguồn kiều hối năm tới đây sẽ giảm sút, thì mục tiêu tăng trưởng đang được Chính phủ Việt Nam duy trì, phụ thuộc rất lớn vào nguồn nội lực cũng như khai thác hiệu quả tối đa các nguồn vốn cam kết từ các nhà tài trợ.
“Cho dù Việt Nam vẫn là một điểm sáng về sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ, song vấn đề hiện nay là Việt Nam tạo ra được những thay đổi thực sự trong việc triển khai các chương trình viện trợ ở cấp bộ, ngành và địa phương”, ông Allaster Cox, Đại sứ Australia tại Việt Nam yêu cầu. Ông nhắc tới những hạn chế về năng lực ở cấp địa phương, sự thiếu đồng bộ trong quy trình thủ tục quốc gia giữa các bộ, ngành đã khiến nhiều cam kết chưa thể trở thành hiện thực.
Các yêu cầu về tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… vẫn là những điểm nóng trên bàn làm việc của CG. Các nhà tài trợ đang dành sự quan tâm đặc biệt tới việc thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính đang được Chính phủ triển khai quyết liệt.
Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak tại Việt Nam khẳng định sự thành công của Đề án này chỉ có thể đạt được khi được Chính phủ đặt ưu tiên cao nhất, kèm theo đó là các kế hoạch triển khai cụ thể, thống nhất ở các cấp chính quyền.
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com