Trong số các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009 thì kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh có suy giảm động lực phát triển từ bên ngoài.
TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã rất nóng lòng thốt lên rằng: Kích cầu. Kích cầu là gì? Tại sao chúng ta đã nói đến cụm từ này mấy tháng nay rồi mà chưa trả lời được câu hỏi kích như thế nào, kích ra sao… như vậy có còn gọi là kích cầu nữa hay không?
Cùng chia sẻ với quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội) khẳng định: “Kích cầu là giải pháp đặc biệt và phải thực hiện tức thì. Vậy tại sao chúng ta lại quá lề mề trong việc thực hiện?”.
Hơn 1 tháng trước, trong trao đổi với VOVNews, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá có khẳng định: khoản tiền được công bố sử dụng cho kích cần chỉ là vốn “mồi” có thể là ít cho nên cần tìm cái gì cần “mồi”. Danh sách đưa ra thì nhiều nhưng phải có tiêu chí. Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang “nợ” các tiêu chí này.
Đúng là Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang “nợ” các tiêu chí cho các dự án, công trình, lĩnh vực được ưu tiên kích cầu. Đến bây giờ, chúng ta vẫn ngồi bàn câu chuyện kích cầu vào đâu, như thế nào và nên ưu tiên cho lĩnh vực nào. Xem ra, trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay thì ai cũng cần có một chút “hà hơi”, giúp sức. Tuy nhiên, “nếu tiến hành một cách ào ào, dàn hàng ngang mà tiến thì sẽ không thực hiện được chủ trương kích cầu và sẽ không cải thiện được cơ cấu đầu tư cho tương lai” – ông Trần Xuân Giá nói.
Tỏ ra nóng lòng không kém các chuyên gia kinh tế khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra quan điểm của mình: Ngay từ bây giờ, chúng ta cần xác minh và công bố ngay trọng tâm kích cầu là gì, lựa chọn những đối tượng nào có tác dụng lan toả đến toàn bộ nền kinh tế; Tập trung sửa ngay các thể chế, cơ chế nếu không thì tiền không thể đưa ngay được đến những chỗ cần thiết; Phải công bố ngay các cơ chế (ví dụ, chủ trương kích cầu là hỗ trợ lãi suất, vậy theo cơ chế nào để thực hiện hay như việc bảo lãnh cho doanh nghiệp hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% thì cần một qui định cụ thể là giảm cho ai, giảm như thế nào). Chúng ta cần minh bạch tất cả các tiêu chí và giải thích rõ ràng nếu không các giải pháp hỗ trợ này sẽ cứ “treo” mãi.
Cần công khai, minh bạch
Dĩ nhiên, thực hiện kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tuỳ tiện, bất chấp hiệu quả mà cần đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt… ưu tiên các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặc biệt là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế-xã hội và môi trường.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, để kích cầu đầu tư đúng hướng, cần thực hiện tốt hơn việc công khai các danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn Nhà nước; thực hiện cải cách hành chính cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hoá, thuận lợi hoá, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hoá, mạnh dạn giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước…
Theo tinh thần đó, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, cải thiện căn bản quỹ nhà ở xã hội.
Còn ông Nguyễn Tiến Thoả thì đặc biệt nhấn mạnh đến “sức lan toả” của các danh mục cần đầu tư. Ông Thoả nhấn mạnh đến nông - lâm nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực chiếm phần đông số dân và là khu vực sản xuất ra những hàng hóa thiết yếu, những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của đất nước, giải quyết rất nhiều việc làm, mang lại thu nhập và góp phần làm thị trường công nghiệp phát triển. Khu vực này có tác động trở lại rất lớn đối với các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác. Người dân có công ăn việc làm, có khả năng chi tiêu, sẽ tạo điều kiện cho khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển,
Thủ tục hành chính, cải cách hành chính… những cụm từ ấy chúng ta nhắc đến nhiều lần và đã có cố gắng nhưng thực tế vẫn còn nhiều điều phải bàn. Ông Nguyễn Tiến Thoả đưa ra ví dụ, một dự án đầu tư phải mất 33 bước đi mới làm xong các thủ tục, gây tốn kém, lãng phí cho nhà đầu tư. Từ thực tế này, ông Nguyễn Tiến Thoả thẳng thắn đề nghị: “Chúng ta phải sửa những cơ chế hiện hành đang vướng thì tiền chi đầu tư, kích cầu mới hiệu quả”./.
(Theo VOV)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com