Điều này, như Báo Đầu tư đã từng phản ánh, trước hết, ảnh hưởng rất lớn tới các nhà đầu tư trong nước. Bởi lẽ, các ĐTNN có thể sẽ cạnh tranh, hút mất số vốn đầu tư đáng lẽ phải dành cho các doanh nghiệp trong nước.
Đây là một thực tế cần phải tính tới, vì trong hai hội thảo cùng về chủ đề thị trường bất động sản được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, các quan điểm của các chuyên gia trong lĩnh vực này đều khẳng định, vốn cho thị trường bất động sản đang rất thiếu. Trong bối cảnh như vậy, nếu vốn tín dụng trong nước lại dành cho các nhà ĐTNN thì doanh nghiệp trong nước đã khan hiếm, lại càng khan hiếm vốn hơn và điều đó sẽ gây thêm trở ngại cho sự phát triển của khu vực kinh tế trong nước.
Mặc dù thừa nhận một cơ chế bình đẳng trong việc thu hút vốn giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, và rằng muốn cạnh tranh được với các nhà ĐTNN, thì bản thân các doanh nghiệp trong nước phải tự lớn lên, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng không khỏi băn khoăn về hiện tượng các nhà ĐTNN đăng ký đầu tư lớn, mà vốn mang vào Việt Nam thì ít.
“Liên quan tới vấn đề này, cần nhìn nhận trên cả hai khía cạnh. Thứ nhất, chúng ta đã tạo cơ chế để họ thực sự mang vốn vào Việt Nam hay chưa? Thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng… cho một dự án có khi kéo dài tới 3-5 năm, vậy có thể họ sẽ phải mang vốn để đổ vào chỗ khác. Thứ hai, bản thân chúng ta phải có các chính sách, cơ chế nhằm kiểm soát, hạn chế tình trạng này, bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thìn nói.
Không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hút vốn của các doanh nghiệp Việt Nam, việc ĐTNN thực hiện dự án bằng vốn nội còn khiến mục tiêu thu hút thêm vốn bằng ngoại tệ để bổ sung cho thiếu hụt tiết kiệm nội địa và ngoại tệ cho nền kinh tế đã không đạt được. Và điều này, như các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng đề cập, có thể làm gia tăng cầu về ngoại tệ, gây khó khăn thêm cho việc bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, qua đó ảnh hưởng lớn đến cân đối kinh tế vĩ mô.
Trên một khía cạnh khác, khi bàn về việc ĐTNN trong lĩnh vực bất động sản đang sử dụng vốn nội để thu lợi tại Việt Nam, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, cần phải có biện pháp để điều chỉnh lợi nhuận của các nhà đầu tư này.
“Rất nhiều nhà ĐTNN đang tận dụng chính sách của Việt Nam để thu lợi, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Họ có thể chỉ cần bỏ ra 5-10 triệu USD, sau đó huy động vốn của dân, vay ngân hàng để triển khai dự án và lãi rất lớn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và phân tích, giá thuê đất của cả đời dự án tính ra chỉ khoảng 50 triệu đồng/m2 trong vòng 50 năm, trong khi đó, nhà đầu tư có thể bán sản phẩm với giá lên tới 2.500-3.000 USD/m2, lại nhân theo số tầng, nên thu lợi rất lớn.
“Nhà nước cần có cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư tốt nhất, giúp nhà đầu tư có được lợi nhuận thỏa đáng nhất, nhưng cũng cần phải thu về cái mà toàn dân phải thu”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và đề xuất việc thực hiện biện pháp kiểm toán độc lập để điều chỉnh lại lợi nhuận của các nhà ĐTNN trong lĩnh vực bất động sản.
Khẳng định Việt Nam vẫn rất cần thu hút, khuyến khích các nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam, chẳng hạn trong xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế, các dự án tầm cỡ, các khu nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng… mà họ rất có kinh nghiệm, song GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, không thể vì thế mà “nhắm mắt làm ngơ” trước tình trạng không ít nhà ĐTNN đang thu lợi bất hợp lý ở Việt Nam. “Phải có công cụ để điều chỉnh lợi nhuận của các nhà đầu tư này”, GS-TSKH. Nguyễn Mại khẳng định.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com