Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng lãi suất huy động để đón đầu nhu cầu vay

Trái với chủ trương tiết giảm chi phí đầu vào để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, trong những ngày vừa qua, nhiều ngân hàng lại có động thái điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động VND, cũng như gia tăng khuyến mãi. Theo lý giải của các nhà băng, trước mắt khó có thể cắt giảm được lãi suất huy động, vì thế lộ trình giảm lãi suất cho vay thỏa thuận cũng không thể thực hiện ngay, mà cần có thời gian. Còn hiện tại, tăng lãi suất huy động là để đón đầu nhu cầu vay sẽ tăng lên.

Chuẩn bị cung...


Tuy không đáng kể, nhưng so với cuối tháng trước, mặt bằng lãi suất huy động vốn đã được các nhà băng nhích dần, với mức cao nhất về gần mức 12%/năm. Theo đó, ở nhóm ngân hàng quy mô vốn vừa và nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất được áp dụng mức 11,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, đó là chưa kể khuyến mãi. Cụ thể, ở VietA Bank, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 11,8%/năm kỳ hạn 12 - 13 tháng. Còn ở VPBank, mức 11,8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 16 tháng trở lên.

Đối với các kỳ hạn ngắn ngày (3 - 6 tháng), lãi suất huy động vốn được các ngân hàng áp dụng phổ biến 11,5 - 11,6%/năm, thay vì 11,3 - 11,4%/năm như tháng trước. Đồng thời, các ngân hàng tái áp dụng trở lại kỳ hạn tiền gửi tuần, với lãi suất tiết kiệm khá hấp dẫn, có nơi lên trên 11%/năm cho kỳ hạn 3 tuần.

Các chương trình khuyến mại lãi suất cũng được ngân hàng tung ra thị trường nhiều hơn, với kỳ vọng hút thêm nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, chuẩn bị nguồn cung, đón đầu nhu cầu vốn vay của các DN trong thời gian tới. Trong đó, một số nhà băng áp dụng trở lại hình thức tặng thêm lãi suất và hiện vật để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm, cho dù trước đó không lâu, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi cắt bỏ.

Ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành VIB TP. HCM cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng luôn có. Điều quan trọng là lãi suất cho vay ở mức nào để khách hàng có thể chấp nhận được. Ông Dũng cho rằng, với mức lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay đã phần nào giảm được áp lực so với tháng trước và khả năng sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Lúc này, khách hàng có nhu cầu sẽ tính đến việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác tại TP. HCM cho hay, nếu so với đầu tháng 4, các cá nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà, đất trả góp chưa dám nghĩ đến việc tiếp cận ngân hàng, thì hiện đã có chiều hướng thay đổi. Nguyên nhân là trong tháng 4, lãi suất cho vay thỏa thuận dành cho đối tượng khách hàng này nằm ở ngưỡng 16 - 17%/năm, nhưng hiện đã giảm xuống còn 14 - 15%/năm. Do vậy, nhu cầu vay vốn mua nhà đang dần được cải thiện.

Tại Vietcombank hiện chỉ áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng cá nhân, đặc biệt là với mua nhà trả góp, lãi suất nằm trong khoảng 13,92 - 14,5%/năm. Còn lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng đối với khoản vay ngắn hạn trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh là 13,92%/năm. Đối với khách hàng tốt, lãi vay thỏa thuận tại Vietcombank chỉ khoảng 13,5%/năm. Với khoản vốn vay trung - dài hạn, lãi suất thỏa thuận Vietcombank áp dụng là 14,5%/năm. Đặc biệt, với các khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm, lãi vay tại Vietcombank hiện là 13,32%/năm.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, mức lãi suất thỏa thuận trên đã về ngưỡng phù hợp để cho vay. Vì thế, dư nợ bắt đầu có dấu hiệu cải thiện so với 4 tháng qua và khả năng tín dụng sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Các ngân hàng cho rằng, nếu so với năm trước, lãi suất cho vay hiện cao hơn, vì chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã được dỡ bỏ, song nếu so với giữa và cuối năm 2008 thì lãi vay hiện “mềm” hơn nhiều. Mặt khác, với mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra hiện chỉ còn trên dưới 2,5%/năm là có thể chấp nhận được, nếu giảm thêm lãi suất cho vay thỏa thuận, đòi hỏi các ngân hàng phải cắt giảm chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường hiện nay, theo các ngân hàng, chưa thể giảm được lãi suất tiết kiệm, vì nguồn tiền nhàn rỗi không mặn mà vào ngân hàng như trước.

Cũng theo các ngân hàng, hiện thanh khoản đã được cải thiện hơn nhiều so với cuối năm trước, nhưng điều đó không có nghĩa là nguồn vốn huy động tăng nhanh, mà nguyên nhân chính là dư nợ chưa tăng. Vì thế, để chuẩn bị tốt cung, đáp ứng nhu cầu vay tăng lên vào cuối năm, các ngân hàng cần có sự chuẩn bị từ lúc này. Cạnh tranh huy động vốn từ đó gia tăng và lãi suất đầu vào khó giảm.

…để áp ứng cầu

Theo đánh giá của PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, với mặt bằng lãi suất cho vay mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay, các DN sẽ xem xét kỹ trước khi tiếp cận vốn. Nếu dự án kinh doanh của DN có mức sinh lời trên mức lãi suất thỏa thuận, chắc chắn họ sẽ tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Ngược lại, DN sẽ tính đến chuyện tiếp tục xem xét và chờ lãi vay giảm thêm. Vì thế, nếu lãi suất cho vay thỏa thuận giảm thêm sẽ có nhiều dự án được triển khai, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Dư nợ tín dụng toàn ngành tăng trưởng 4 tháng đầu năm xấp xỉ 6%/năm được các chuyên gia nhận định là không thấp, vì tín dụng năm 2009 tăng cao, gần 38%. Mặt khác, do lãi suất cho vay tăng trở lại sau khi chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc khiến áp lực lãi vay tăng, nhất là khi trần lãi suất được dỡ bỏ, nên DN phải tìm cách trả nợ cũ. Do vậy, dư nợ tín dụng chưa thể tăng cao. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhu cầu vốn của DN sẽ tăng lên trong II quý cuối năm, vì đây là thời điểm mùa vụ, nhu cầu vốn tăng để đáp ứng việc mở rộng sản xuất - kinh doanh cuối năm. Đồng thời, đây cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nhất trong năm.

Đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, nhu cầu vốn của DN 2 quý cuối năm luôn cao hơn so với 2 quý đầu năm. Trong đó phải kể đến các DN nhập khẩu, nhu cầu vốn để nhập khẩu hàng hóa tăng. Mặt khác, dư nợ của các ngân hàng 4 tháng đầu năm chưa tăng cao nên “room” phát triển tín dụng còn nhiều. Vì thế, điều kiện để phát triển tín dụng 2 quý cuối năm là rất lớn. Điều quan trọng là đầu ra sản phẩm của các DN.

Để mở rộng thị phần tín dụng, ngoài việc cố gắng giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, các ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh khuyến mãi, nhằm thu hút khách hàng vay vốn. Đơn cử, HDBank triển khai sản phẩm “Tài trợ tín chấp xuất khẩu” nhằm cung cấp nguồn vốn kịp thời cho các DN hoạt động kinh doanh xuất khẩu với nhiều ưu đãi, nhưng không cần tài sản đảm bảo. Còn lãi suất cho vay chỉ có 8%/năm và miễn giảm các phí dịch vụ, thời gian giải quyết hồ sơ, giải ngân nhanh.

Tại ANZ, để tiếp tục hỗ trợ nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của khách hàng, Ngân hàng đã chính thức đưa ra chương trình “Vay mua nhà, nhận ngay TV LCD”. Theo đó, kể từ ngày 24/5 đến ngày 23/7, khách hàng đăng ký vay mua nhà và giải ngân tối thiểu 500 triệu đồng sẽ được nhận ngay 1 chiếc tivi LCD Samsung 32 inches do ANZ tặng. Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc dịch vụ tài chính cá nhân, ANZ Việt Nam và khu vực Mêkông cho biết, thời hạn vay mua nhà đến 20 năm, khoản vay đến 100% giá trị căn nhà và khách hàng có thể chọn cách tính lãi suất linh hoạt.

Đối với ABBank, ngoài việc áp dụng lãi suất cho vay từ 13,5 - 14,5%/năm, Ngân hàng còn dành ưu đãi cho DN sản xuất - kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn. Đồng thời, với các khách hàng có tài sản đảm bảo tốt, lãi suất cho vay của ABBank chỉ còn 13 - 13,5%/năm. Ngoài ra, DN giải ngân từ 30 tỷ đồng trở lên sẽ có cơ hội nhận được coupon du lịch Singarpore trị giá 350 USD, Hồng Kông và châu Âu.

Tuy nhiên, theo một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng, hoạt động tín dụng tăng hay không còn phụ thuộc vào tìn hình xuất khẩu của DN ra thị trường nước ngoài, cũng như hoạt động thương mại trong nước. Đồng thời, kiểm soát chất lượng tín dụng cần được chú trọng nhiều hơn. Do vậy, chủ trương kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng 25% trong năm nay là phù hợp với mục tiêu chung.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Kiểm soát dự án FDI dùng vốn “nội”
  • Đồng Euro mất giá và những hệ lụy
  • Sức ép tăng vốn điều lệ ngân hàng ngày càng lớn
  • Hạ lãi suất và bài toán giảm sốc
  • Chọn lọc, thẩm định thông tin
  • Không thể 'ép' hạ lãi suất bằng mệnh lệnh
  • Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2010
  • Kinh doanh bảo hiểm: Thanh tra đụng đâu sai đấy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!