Vai trò của kiểm toán được đánh giá rất quan trọng khi phát ra những báo cáo có giá trị cao, giúp người sử dụng thông tin có thể yên tâm, tin tưởng để đưa ra các quyết định kinh tế, đầu tư. Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đang được lấy ý kiến, quy định khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động này, do đó đã thu hút được sự quan tâm đóng góp của giới tài chính, với mong muốn sớm nâng cao chất lượng, dịch vụ kiểm toán.
Hiện cả nước có gần 165 công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán được thành lập và hoạt động, trong đó có 1.700 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Số công ty kiểm toán và kiểm toán viên được dự báo sẽ tăng mạnh (có chuyên gia dự báo Việt Nam cần khoảng 7.000 kiểm toán viên vào năm 2020) theo mức độ phát triển kinh tế. Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Kiểm toán độc lập do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Tài chính và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) phối hợp tổ chức tuần qua, quy định “Bộ Tài chính tổ chức các cuộc thi chứng chỉ kiểm toán viên, có quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của DN kiểm toán” thu hút nhiều ý kiến đóng góp.
Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, mở của và hội nhập, Nhà nước chỉ nên quản lý hoạt động này bằng luật pháp. Không cần và không nhất thiết phải có sự quản lý và tham gia quá sâu của các cơ quan nhà nước. Các hoạt động mang tính xã hội và nghề nghiệp của hoạt động kiểm toán độc lập nếu giao cho tổ chức nghề nghiệp quản lý và thực hiện sẽ phù hợp, thuận lợi và hiệu quả hơn, như tổ chức cập nhật kiến thức, tổ chức thi và cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, quản lý hành nghề, quản lý đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, giải quyết và xử lý các quan hệ nghiệp vụ, quan hệ tranh chấp về quyền lợi giữa các kiểm toán viên, giữa các tổ chức kiểm toán và giữa tổ chức kiểm toán với kiểm toán viên.
Theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, hiện tại Bộ Tài chính đang thực hiện chức năng tương tự đối với DN bảo hiểm, chứng khoán. Tuy nhiên, đặc điểm của 2 loại hình DN này là quy mô lớn, ít thay đổi, số lượng DN không nhiều, khác với đặc điểm của các DN kiểm toán là số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ (25 - 30 người) và thay đổi hàng ngày. Ngoài ra, nếu tập trung việc cấp phép tại Bộ Tài chính sẽ không thuận tiện cho các DN trong cả nước khi thành lập, điều chỉnh giấy phép. Nếu đưa về Sở Tài chính các tỉnh, thành phố thì bộ máy sẽ rất nặng nề. Một bất cập nữa là Bộ Tài chính chỉ cấp phép cho hoạt động kiểm toán độc lập khi có đủ các điều kiện quy định. Vậy, nếu DN không đủ điều kiện hoạt động kiểm toán, nhưng vẫn đủ điều kiện kinh doanh các dịch vụ khác, lại phải quay về Sở Kế hoạch và Đầu tư và ngược lại, sẽ không thuận tiện cho DN.
Ông Đỗ Đình Lâm, Tổng thư ký Hiệp hội Kế toán Việt Nam kiến nghị, nên bỏ quy định về Bộ Tài chính tổ chức thi chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, mà nên giao cho các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức khác thực hiện, Bộ Tài chính chỉ hậu kiểm quản lý.
Tuy nhiên, bà Hà Thu Thanh, Giám đốc Công ty Deloitte cho rằng, Bộ Tài chính quản lý cấp phép sẽ phù hợp hơn, bởi đây là hoạt động có điều kiện, cơ quan chuyên ngành sẽ đảm bảo định hướng ngay từ khi thành lập DN và xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Bộ Tài chính có thể phân cấp, chuyển giao một số công việc cho các đơn vị, tổ chức nghề nghiệp, nhưng chuyển giao đến đâu thì phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của các đơn vị, tổ chức nghề nghiệp để bảo đảm trách nhiệm pháp lý.
Đóng góp cho Dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, với việc cấp phép, cấp chứng chỉ, Bộ Tài chính chỉ nên theo hướng quy định điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện và sau đó hậu kiểm để tránh phiền hà, giảm bớt thủ tục.
Báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý?
Báo cáo kiểm toán có giá trị thực tế cao, giúp người sử dụng có thể yên tâm tin tưởng vào thông tin kinh tế - tài chính được kiểm toán viên xác nhận để đưa ra quyết định đầu tư.
Hiện có nhiều ý kiến tranh cãi, liệu có nên quy định báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý? Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ rất muốn tiếp nhận các ý kiến xác định báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý không, có khác báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền? Mục đích là nhằm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán theo các chuẩn mực rõ ràng, phù hợp với quốc tế và nâng cao chất lượng kiểm toán viên.
Ông Kiên cho rằng, quy định báo cáo kiểm toán có tính pháp lý, nên đưa vào Luật, quy định cụ thể quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện báo cáo kiểm toán, quyền và trách nhiệm trong sử dụng báo cáo này.
Song, đứng ở góc độ chuyên môn, ông Mai đề xuất, không nên quy định báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý, vì kiểm toán độc lập chỉ là dịch vụ. Tuy vậy, cần có những quy định chi tiết về nghĩa vụ của các nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán, những hành vi bị nghiêm cấm và chế tài kiểm soát các hành vi của người thực hiện dịch vụ kiểm toán. Chế tài sao cho các dịch vụ kiểm toán được thực hiện đầy đủ, với tính khách quan và trách nhiệm cao nhất của cả người thực hiện kiểm toán, cả người được kiểm toán.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com