Thời gian qua, cùng với việc gia tăng dư nợ tín dụng, nguy cơ lạm phát có thể phát sinh, vấn đề lãi suất cơ bản lại nóng lên. Có quan điểm cho rằng nên bỏ lãi suất cơ bản. Quan điểm khác lại khẳng định phải giữ.
Dưới đây là ý kiến của một chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Lãi suất cho vay của ngân hàng không quá 150% LSCB - Ảnh: Phạm Yên |
Có điều thật kỳ lạ là sau 11 năm Quốc hội ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước (năm 1997), lãi suất cơ bản mới được áp dụng thông qua Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó đưa ra cách xác định mức trần lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN quy định (nghĩa là với mức lãi suất cơ bản hiện nay đang là 8%/năm, ngân hàng thương mại không được cho vay với mức lãi suất vượt quá 12%/năm).
Thực tế, từ khi ban hành Quyết định số 16 đến nay, việc điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất cơ bản đã trở thành trung tâm chú ý của các thành phần kinh tế, là kim chỉ báo cho các hoạt động kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Thực sự khó giải thích khi lãi suất cơ bản là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong một giai đoạn nhất định lại không được thực hiện từ khi Luật Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
Khi nói về việc vi phạm pháp luật của dân, chúng ta hay dùng từ “dân trí”. Nếu áp dụng vào trường hợp này, dân trí trong việc hiểu luật và thực hiện đúng và đầy đủ luật của Ngân hàng Nhà nước chưa được ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản ở Việt Nam được hình thành từ Luật ngân hàng Nhà nước (điều 9, điều 18), Bộ luật Dân sự (điều 476). Lãi suất cơ bản là cơ sở, là mức lãi suất tham chiếu trong mối quan hệ đi vay và cho vay của các ngân hàng thương mại. |
Chính vì lẽ đó, khi nói đến sự tăng hay giảm lãi suất cơ bản, mọi người đều có sự quan tâm rất lớn và phỏng đoán tác động của việc điều chỉnh lãi suất cơ bản đối với quá trình lưu thông tiền tệ và trong sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Trong khi đó, sau gần 2 năm thực hiện, trong khi trình Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra đề nghị gây sốc, loại bỏ lãi suất cơ bản, cho vay theo lãi suất thỏa thuận
Thời gian qua, cùng với Ngân hàng Nhà nước, một số chuyên gia cũng lập luận cần loại bỏ lãi suất cơ bản. Có thể họ cho rằng lãi suất cơ bản là tác nhân chính trong việc căng thẳng tín dụng thời gian qua.
Họ muốn lãi suất chỉ tuân theo qui luật cung - cầu và “bàn tay vô hình” (một học thuyết kinh tế)…Thực tế những lý luận trên đã thực sự đúng hay chưa? Nhiều hay ít nước không quan trọng.
Nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng trên thế giới chỉ còn 2 nước sử dụng lãi suất cơ bản để đề nghị xoá bỏ thì không có tính khoa học và thực tiễn.
Năm 1999, Việt Nam tiến hành thực hiện thuế giá trị gia tăng (VAT). Khi triển khai cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhiều nước đã loại bỏ loại thuế này.
Thực tế, sau 10 năm thực hiện, về cơ bản loại thuế này phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy lý do nhiều nước sử dụng hay ít nước sử dụng không quan trọng.
Nếu lãi suất cơ bản = 0, lãi suất cơ bản không còn là cơ sở để Luật Dân sự và Luật Hình sự tham chiếu: Điều này hoàn toàn đúng trên lý thuyết. Khi lãi suất cơ bản = 0, sẽ không có cơ sở để xác định mức lãi suất đi vay và cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Không có cơ sở xác định vượt mức 150% lãi suất cơ bản là bao nhiêu, Việt Nam đang cần, rất cần thu hút đầu tư từ các nguồn, với tình hình tài chính - tiền tệ Việt Nam (lãi suất còn cao hơn nhiều nước, thiếu vốn). Vì thế, không thể có khả năng lãi suất cơ bản = 0, kể cả trong tương lai dài.
Lãi suất cơ bản nếu tồn tại chỉ áp dụng trong hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Ở đây có hai vấn đề cần giải thích rõ, Thứ nhất, việc ban hành và thực hiện lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã được qui định tại Luật Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự (được luật hóa).
Trong mối tương quan giữa hai luật với nhau, Luật Ngân hàng Nhà nước là luật chuyên ngành, còn Bộ luật Dân sự điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội.
Do vậy, việc thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước cần phải phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Thứ hai: Ngân hàng Nhà nước còn là thành viên Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn là tư lệnh của Chính phủ trên “mặt trận” tiền tệ.
Do vậy, lãi suất cơ bản khi được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực không chỉ với ngân hàng và tổ chức tín dụng, mà còn có hiệu lực với các thể nhân và pháp nhân tham gia hoạt động đi vay hoặc cho vay.
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có sự điều tiết của Nhà nước (có thể gọi đó là nền kinh tế hỗn hợp).
Việc Nhà nước tham gia điều tiết thị trường tiền tệ là bình thường. Ngoài ra, là qui định hành chính, khi cần thiết, lãi suất cơ bản được ban hành (hoặc điều chỉnh) tại thời điểm nhất định nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...
Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn và chứa đựng nguy cơ xấu (thâm hụt ngân sách, nguy cơ lạm phát…), sự can thiệp của Nhà nước vào hệ thống tài chính - tiền tệ vẫn thực sự cần thiết và không thể thay thế.
Với ý nghĩa đó, lãi suất cơ bản vẫn là yếu tố cần thiết như qui định trong luật Ngân hàng Nhà nước, không nên loại bỏ. Những ý kiến đòi loại bỏ lãi suất cơ bản trong hoạt động tài chính - tiền tệ phải chăng còn nóng vội, chưa hiểu hết những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
(Theo Lưu Văn Vinh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com