Không như mong đợi, thị trường chứng khoán chào năm mới bằng một tuần giao dịch “thận trọng”. Trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), VN-Index đánh mất mốc 500 điểm, giảm tới 10 điểm, tương đương 2% so với mức đóng cửa phiên cuối năm.
Khối ngoại “ghi điểm” Theo thống kê của HoSE trong tháng 2/2010, tính thanh khoản của thị trường giảm sút mạnh so với những tháng trước đó. Cụ thể, khối lượng chứng khoán được giao dịch dừng tại mức 402 triệu đơn vị/tháng, giá trị tương ứng gần 17,66 nghìn tỷ đồng/tháng.
Trong suốt tháng, VN-Index dao động trong biên độ hẹp xung quanh vùng 500 điểm, khiến cho các nhà đầu tư “lướt sóng” tham gia thị trường trong tình trạng nghiêng về rủi ro nhiều hơn so với thành công.
Tại thời điểm cả trước và sau Tết, phần đông nhà đầu tư trong nước lựa chọn giải pháp đứng ngoài cuộc chơi, kiên trì theo dõi diễn biến thị trường trong xu thế tâm lý thận trọng. Tuy nhiên trái với các nhà đầu tư nội, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được trì tương đối ổn định.
Tỷ trọng mua-bán của khối ngoại trong giao dịch khớp lệnh được giữ quanh mức 13% và trong giao dịch thỏa thuận là trên 5% so với toàn thị trường trong tháng 2.
Theo ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D, các nhà đầu tư nước ngoài đã “bẻ lái” được VN-Index. Họ tham gia đều đặn và gây tác động tới các cổ phiếu blue-chip hàng đầu như VNM, BVH, DPM, CTG, VCB… làm cho thị trường có diễn biến tăng, giảm một cách chủ động trong suốt thời gian qua.
Giới đầu cơ hết kiên nhẫn Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với những thông tin vĩ mô đan xen cả tốt và xấu cũng như trạng thái thực tiễn của thị trường tiền tệ sẽ khiến cho thị trường chứng khoán khó có thể tiến xa trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APEC) cho rằng, về kỹ thuật tuần đầu của tháng 3, VN-Index chưa thể bứt phá được, nhiều khả năng sẽ lên-xuống xung quanh ngưỡng 480 điểm – 520 điểm.
“Về phương diện cơ bản, có thể giải thích hiện tượng đi ngang của thị trường là do các nhà đầu tư quan ngại về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lãi suất và lạm phát. Tuy nhiên VN-Index sẽ sớm được hỗ trợ từ những yếu tố cơ bản của cổ phiếu và viễn cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Việt Nam là vẫn khả quan,” ông Bình nói.
Bám sát hơn vào các động thái của giới đầu cơ, anh Nguyễn Minh Quang, Chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Thành Công chỉ ra, các phiên gần đây thanh khoản thị trường đã tăng khá tốt. Diễn biến giao dịch trong các phiên cho thấy, thông thường thị trường chỉ hưng phấn trong đợt giao dịch xác định giá mở cửa (ATO), sau đó là hoạt động bán ra vẫn thắng thế. Song sang đến đợt xác định giá đóng cửa (ATC), lệnh mua khối lượng lớn được đẩy vào tạo lực đỡ cho thị trường chống lại đà giảm điểm.
Cũng theo anh Quang, mối quan tâm của các nhóm nhà đầu tư lướt sóng không còn chú trọng nhiều đến biến động của các chỉ số trên thị trường mà họ tập trung đến từng mã cổ phiếu nhiều hơn. Họ săn lùng thông tin tốt của các mã cổ phiếu, càng ít người biết càng tốt. Kế tới họ dùng kỹ thuật gom hàng mà vẫn đảm bảo yếu tố bí mật. Đến khi mua được khối lượng lớn rồi mới ra tin và đẩy giá cổ phiếu lên một mạch, đầy bất ngờ.
“Một số điểm tích cực của tháng này là đã bắt đầu xuất hiện một số nhóm nhà đầu tư lớn nhảy vào thị trường. Theo đó, 31/3 là thời điểm kết thúc năm tài chính của khối ngoại. Hoạt động giao dịch có khả năng sẽ sôi động hơn từ giữa tháng trở đi và đây có thể là cơ hội thúc đẩy thị trường phục hồi,” anh Quang nhận định.
Ông Nguyễn Khắc Duẩn quan sát hướng chảy của dòng tiền nhận xét, “vài phiên gần đây nhà đầu tư nước ngoài xoay sang bán ròng thay vì mua ròng như trước và chúng tôi cảm giác có hai luồng suy tính trái ngược nhau của khối này. Như vậy thị trường đang có 3 luồng tiền va chạm tương đối mạnh. Điều này tạo ra hy vọng thị trường chứng khoán có thể thoát khỏi kiểu giao dịch lẹt đẹt như vừa qua”./.