Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước 4 tháng đầu năm 2011 tăng tới 9,64%. Mức lạm phát tăng cao, khiến người gửi tiền ngân hàng gần như bị âm, dù lãi suất khá cao...
Lãi suất tiết kiệm không bù được lạm phát
Đầu tháng 2 năm nay, chị Hằng (phố Phương Mai- Hà Nội) gửi tiết kiệm tại Ngân hàng BIDV 110 triệu đồng với lãi suất 14%/năm. Sau 3 tháng đáo hạn, cuối tuần trước chị rút về, thu lãi cả thảy 3.850.000 đồng. “Tôi tính ra số tiền lãi mình được hưởng chỉ tăng khoảng 3,5%. Trong khi đó, lạm phát bốn tháng đã gần 10%. Như vậy, số tiền lãi chưa bù được một nửa mức lạm phát”- Chị Hằng nhẩm tính.
Cũng tương tự, với khoản tiền hơn 300 triệu đồng tiết kiệm nhẩm tính không đủ mua đất lại trong bối cảnh vàng, USD bị quản chặt, đầu tháng 3, anh Nguyễn Văn Lộc (phố Nguyễn Du) đã quyết định gửi tiết kiệm.
Bữa cơm trong mùa giá cả leo thang. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
“Hôm đó nếu tôi mua vàng, khi đó giá chỉ ở mức 35,6 triệu đồng/lượng để đến bây giờ cũng lãi được gần 15 triệu. Trong khi lãi ngân hàng cả tháng qua mới được 5 triệu. Tính ra đầu tư vàng vẫn “dương” hơn tiết kiệm” - anh Lộc nói.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện này, mức lãi suất khó thực dương nếu lạm phát tiếp tục xu hướng tăng.
“Đây sẽ là một bài toán khó với các ngân hàng, bởi chắc chắn người dân sẽ e ngại khi gửi tiền, dẫn tới việc huy động khó khăn. Các ngân hàng phải tiếp tục giảm chi phí, thay vì đẩy lãi vay (có ngân hàng chào vay tiêu dùng tới 26%/năm). Lạm phát sẽ còn tăng nữa, đã xuất hiện yếu tố giá cả tăng nóng như năm 2008 (CPI năm 2008 tăng 23%- PV).
Hiện, khó khăn đang đến với một bộ phận người lao động làm công ăn lương và người có thu nhập thấp trong xã hội, trong bối cảnh này Chính phủ chỉ có thể tính đến điều chỉnh lương, tăng hỗ trợ hộ nghèo”- Ông Kiêm nói.
Lạm phát còn tăng tới đâu?
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, lý do chính khiến CPI 4 tháng đầu năm lên tới 9,64% là tác động tăng giá đầu vào các mặt hàng cộng với chi phí đẩy. Điện, than, xăng dầu tăng giá cộng với yếu tố tác động tâm lý cùng điều kiện tăng giá đầu vào của thế giới (vàng, dầu, USD) đã kích giá lên một mặt bằng mới khá cao.
Theo ông Kiêm, cách duy nhất để kiềm chế lạm phát thời điểm này là thắt chặt tiền tệ, thắt chặt chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Thắt bây giờ sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp, sẽ có một bộ phận cực kỳ khó khăn nhưng phải chấp nhận, nếu không tác hại từ lạm phát tới nền kinh tế sẽ còn lớn hơn.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết. “Hội đồng tư vấn tiền tệ đã họp, nhận định bản chất của đợt tăng giá vừa rồi vẫn là tiền nhiều hơn hàng (theo báo cáo của NHNN, tổng dư nợ tín dụng năm 2010 cao gấp 1,2 lần GDP trong khi các nước khác chỉ cho phép là 60%). Cùng với đó là tác động chi phí đẩy (hiệu ứng đồng loạt tăng giá các mặt hàng).
Phải đến tháng 6 này, chính sách tiền tệ mới có tác dụng rõ nét. Đúng là lạm phát năm nay sẽ ở mức cao, cố gắng phấn đấu không vượt qua mốc 11,75%, nhưng chúng tôi cũng biết là sẽ rất khó. Theo ông Thoả, gốc của vấn đề bây giờ là phải hút tiền về, bên cạnh tiếp tục cắt giảm mạnh đầu tư công.
Lạm phát tăng tác động trực tiếp đến mâm cơm của đại bộ phận người dân. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Trong khi đó, dự báo giá các mặt hàng đầu vào như xăng dầu, than, điện vẫn có thể tiếp tục tăng khi Chính phủ đã công bố cho phép điều hành theo giá thị trường (điện được tăng 4 lần trong 1 năm; xăng dầu theo Nghị định 184 nếu trong 30 ngày vẫn tăng sẽ cho phép tăng giá).
Như vậy, CPI năm 2011 sẽ còn nhiều biến động? Ông Thỏa cho rằng, đã theo giá thị trường thì nếu đầu vào tăng phải cho tăng nhưng chỉ cho phép ở mức phù hợp. “Đơn cử như xăng dầu, dù biến động hay lạm phát cao đến mấy chúng tôi vẫn chỉ cho khống chế ở mức 600 đồng/lít cho toàn bộ chi phí của doanh nghiệp khi hạch toán giá thành. Mức đó mấy năm nay không thay đổi”- Ông Thỏa nói.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com